Đặc sắc các lễ hội mùa Xuân của Quảng Ninh
(Xây dựng) – Là một tỉnh ở địa đầu phía Đông Bắc Việt Nam, Quảng Ninh được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Giao thông đến Quảng Ninh dễ dàng và thuận tiện dù bạn đi máy bay, ôtô, xe máy, xe khách… Quảng Ninh có bốn mùa, tùy vùng mà bạn chọn thời điểm du lịch cho phù hợp. Nếu xuất hành du Xuân đầu năm, Quảng Ninh là lựa chọn lý tưởng với rất nhiều điểm du lịch tâm linh.
Đền Cửa Ông nhìn từ trên cao. |
Lễ hội đền Cửa Ông
Đền Cửa Ông nằm tại phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả. Đền được xây dựng vào thế kỷ 19, ban đầu gọi là miếu Hoàng tiết chế, thờ Hoàng Cần, một người địa phương có nhiều công đánh giặc phá cướp, được các triều vua phong “Khâm sai Đông Đạo Tiết chế”. Sau này, đền thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (con trai thứ ba của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) – người có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, bảo vệ tuyến biên giới và lãnh hải vùng Đông Bắc Tổ quốc.
Đền Cửa Ông tọa lạc trên một ngọn đồi cao với khung cảnh hài hòa, xanh mướt những bóng cây cổ thụ, phía trước đền là vịnh Bái Tử Long với những hòn đảo đa dạng, muôn hình vạn trạng. Nơi đây có sự hòa quyện giữa núi, rừng và biển tạo nên cảnh quan hữu tình, hùng tráng nhưng cũng đầy trang nghiêm, tĩnh mịch. Nhờ có vị trí nằm giữa cảnh sơn thuỷ hữu tình, ngôi đền này đã được người xưa ca tụng: “Nghìn trùng nước biếc buông tay áo. Bốn phía non xanh tạc hoạ đồ”. Trong suốt 4 mùa, nơi đây đều được thiên nhiên ưu ái với vẻ đẹp tuyệt mỹ, nhưng đặc biệt vẫn là mùa xuân khi lễ hội đền Cửa Ông diễn ra, với tiết trời dịu mát.
Đặc sắc lễ hội đền Cửa Ông. |
Khu di tích đền Cửa Ông được chia thành 3 khu vực tham quan chính là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, cùng độ cao được nâng lên dần. Đền Hạ xây ở phía dưới đền thờ Mẫu; khu đền Thượng bao gồm đền chính thờ Trần Quốc Tảng, lăng Trần Quốc Tảng, đền Quan Châu, đền Quan Chánh… Đây cũng là quần thể đền duy nhất ở nước ta thờ toàn bộ gia thất của Đại Vương Trần Hưng Đạo và các cận thần của ông. Hiện nay, trong khuôn viên đền Cửa Ông vẫn còn lưu giữ 34 pho tượng với nhiều kích cỡ được các nghệ nhân chạm trổ công phu, mô phỏng lại những tướng thời xưa ngồi trong ngai, khám, long đình, mang cả giá trị văn hóa và giá trị nghệ thuật.
Từ ngày 3/2 âm lịch đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm, Lễ hội đền Cửa Ông diễn ra với nhiều nghi lễ trang trọng và hoạt động văn hóa đặc sắc. Phần lễ bắt đầu với lễ dâng hương tại đền Thượng, sau đó đoàn rước sẽ đưa Đức Ông vi hành. Đoàn rước tượng Đức Ông xuất phát từ sân chính tại đền Hạ sau đó ra miếu thờ đặt ở xã Trác Chân, tên tục thường gọi là Vườn Nhãn, theo truyền thuyết, chính là nơi Đức Ông đã trôi dạt vào. Rồi tượng Đức Ông tiếp tục được rước đi dọc đường Nghinh Thần, sau đó quay về sân đền – nơi đang tổ chức lễ hội, tượng trưng việc kết thúc cuộc du tuần của Đức Ông. Phần lễ này 2 năm sẽ được thực hiện một lần, vào ngày 3 tháng 2 âm lịch. Phần hội được tổ chức ở khu vực đền Thượng và đền Hạ trong khuôn viên đền Cửa Ông, với các trò chơi dân gian như: Tổ tôm điếm, kéo co, nấu cơm, têm trầu, soạn lễ, chọi gà, bịt mắt đập niêu…
Năm 2016, Lễ hội đền Cửa Ông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2017, đền Cửa Ông đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, đền Cửa Ông đón trên 90 vạn lượt người đến tham quan, chiêm bái.
Lễ hội Tiên Công
Lễ hội Tiên Công vùng đảo Hà Nam (Thị xã Quảng Yên) đã được nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị hơn 300 năm nay. Năm 2017, Lễ hội Tiên Công được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Tiên Công được tổ chức bắt đầu từ mùng 4 đến mùng 7 tháng giêng. Không gian lễ hội diễn ra ở các phường Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải và xã Cẩm La. Trung tâm lễ hội tại di tích miếu Tiên Công (xã Cẩm La) và ở các từ đường dòng họ tiên công, đã được xếp hạng di tích quốc gia. Gắn với lịch sử hình thành khu đảo Hà Nam là lịch sử các tiên công – những người có công đầu tiên quai đê lấn biển, lập làng.
Miếu Tiên Công nơi diễn ra lễ hội Tiên Công – lễ hội “rước người” độc đáo. |
Mở đầu Lễ hội Tiên Công là lễ “Ra cỗ họ” hay còn gọi là “Lễ tế Tổ” được các dòng họ Tiên Công tổ chức vào ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch hằng năm, đây là nghi lễ lớn nhất ở các từ đường thờ tiên công trong năm. Ngày mùng 4 tháng giêng, gia đình cụ thượng có lễ vật đến từ đường họ nội và họ ngoại để kính cáo với tiên công và tổ tiên đã ban phúc ấm cho cụ thượng được lên chiếu thọ. Đồng thời, kính báo cho hội đồng gia tộc năm nay cụ được thượng thọ và mời hội đồng gia tộc đến nhà dự lễ mừng thọ. Lễ “Ra cỗ họ” là lễ cầu mong tiên công và tổ tiên phù hộ cho cháu, con một năm mới an khang thịnh vượng; vừa là lễ cúng tiễn tiên công, tổ tiên ở từ đường họ theo thuần phong mỹ tục của người dân địa phương và cũng là ngày hội của dòng họ.
Hình tượng con Long Mã – biểu trưng sức mạnh thần biển trong lễ hội Tiên Công. |
Ngày mùng 5 tháng giêng, con cháu trong gia đình có cha mẹ thượng thọ chuẩn bị trang trí khuôn viên gia đình theo nghi lễ truyền thống mừng thọ; chuẩn bị trang phục áo gấm, khăn thêu chữ thọ, gậy thọ cho cha mẹ, chuẩn bị bàn ghế, cỗ bàn để ngày hôm sau, mùng 6 tháng giêng làm lễ mừng thọ cho cụ thượng tại gia đình như một ngày hội đoàn tụ.
Ngày mùng 6 tháng giêng, các gia đình không tổ chức đoàn rước cụ thượng về miếu Tiên Công lễ tổ thì tổ chức đoàn chỉ đội lễ đưa cụ thượng lên miếu lễ tổ, truy ơn tiên công. Những gia đình có cha mẹ thượng thọ có điều kiện sẽ cùng dòng họ và làng xóm tổ chức đoàn rước cụ thượng bằng võng đào về miếu Tiên Công lễ tổ, gọi là nghi lễ “Rước thọ” “Rước người” cùng với công tác chuẩn bị lễ vật và các đồ nghi trượng, trang phục, đội nhạc lễ, kiệu võng đào cho đoàn rước được chuẩn bị từ hàng tháng trước khi diễn ra lễ hội.
Lễ hội Tiên Công đông vui và rực rỡ nhất là ngày chính hội (mùng 7 tháng giêng) với nghi lễ “Rước người” độc đáo nhất trong cả nước, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các tiên công, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng.
Ngoài phần lễ độc đáo, phần hội cũng vô cùng phong phú và đặc sắc với nhiều hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian: Chơi đu, chọi gà, cờ người, tổ tôm điếm, hát đúm, đấu vật, đắp đê… Trong đó, đặc biệt là nghi thức cụ thượng đắp đê và đấu vật mở đầu cho lễ hội. Đến giờ ngọ ngày chính hội, đoàn tế đại diện Tứ xã tổ chức “Tế giã”, kết thúc lễ hội. Mọi người ra về, hẹn mùa hội năm sau…
Lễ hội Yên Tử
Vùng núi Yên Tử, nơi phát tích của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử và cũng là nơi diễn ra một trong những lễ hội lớn nhất cả nước dịp đầu xuân. Ca dao có câu:
“Trăm năm tích đức tu hành. Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu”.
Chùa Đồng – Yên Tử trong bao la hùng vĩ đất trời. |
Vùng núi Yên Tử ở xã Thượng Yên Công cách trung tâm thành phố Uông Bí khoảng chừng 14 km. Trước đây, người ta gọi núi Yên Tử là núi Voi bởi hình dáng ngọn núi tựa như một con voi khổng lồ. Trong sử sách ghi lại, Yên Tử còn có tên là Bạch Vân Sơn bởi quanh năm núi chìm trong mây trắng. Các triều đại vua chúa xếp Yên Tử vào hạng “danh sơn” của nước ta. Trong quần thể di tích Yên Tử rộng lớn hiện có 11 chùa và hàng trăm am tháp, trong đó có ngọn tháp cao 3 tầng bằng đá, ngọn tháp có niên đại “Cảnh Hưng thập cửu niên – 1758” là cổ nhất, và chùa Ðồng ở trên đỉnh cao nhất 1.068m (so với mặt nước biển). Cũng không đâu có rừng tháp như khu Tháp Tổ ở Yên Tử gắn liền với những sự tích huyền thoại về ông vua nhà Trần và phái Thiền Trúc Lâm.
Từ thời Trần, Yên Tử đã được xây dựng thành khu quần thể kiến trúc chùa tháp có quy mô lớn. Khởi đầu là vua Trần Thái Tông lên Yên Tử năm 1236. Sau đó Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo quân dân kháng chiến giành đại thắng trước quân Nguyên-Mông, vào lúc đất nước thái bình, vua nhường ngôi cho con lên núi Yên Tử tu hành. Năm 1299 (cách đây hơn 700 năm), Trần Nhân Tông đã xây dựng nên dòng thiền Trúc Lâm bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn đạo với đời. Ông được coi là vị Sư Tổ thứ nhất của Phật phái Trúc Lâm mang Phật danh Ðiều Ngự Giác Hoàng. Kế tục sự nghiệp của ông là Sư Tổ Pháp Loa và Huyền Quang Tôn Giả. Cả 3 vị được gọi chung là Trúc Lâm Tam Tổ.
Du khách trên đỉnh non thiêng Yên Tử. |
Hàng năm, Lễ hội Yên Tử được tổ chức từ ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch và kéo dài trong 3 tháng mùa xuân. Sau phần nghi lễ long trọng được chính quyền địa phương tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với đỉnh cao nhất của Yên Tử – chùa Đồng. Ðường lên đỉnh Yên Tử uốn lượn, gập ghềnh, luồn dưới những bóng cây đại thụ, xuyên qua những vạt rừng thông, trúc… với những chùa, bia, am, tháp… lúc náu mình trong rừng cổ nguyên sinh, khi phô bày giữa không gian thoáng đãng, nhiều lúc ẩn hiện trong mây, huyền ảo. Nếu như trước đây phải mất hơn 3 tiếng để “trèo đèo, lội suối”, vượt qua quãng đường hàng chục kilomet để đặt chân lên đỉnh núi thì ngày nay với 2 chặng cáp treo Yên Tử, du khách chỉ mất từ 20 – 30 phút là có thể đặt chân lên đỉnh non thiêng. Lên đỉnh núi, trước chùa Đồng linh thiêng ẩn hiện trong lớp sương khói mờ ảo, khách hành hương cảm giác mãn nguyện như được đến với cõi Phật. Từ đây, du khách tha hồ phóng xa tầm mắt để chiêm ngưỡng những cảnh tượng hùng vĩ, tráng lệ của đất trời, với phía đông là Vịnh Hạ Long mênh mông hàng ngàn đảo đá nhấp nhô như chuỗi ngọc…
Lễ hội Xuân Ngọa Vân
Quang cảnh Lễ khai hội Xuân Ngọa Vân năm 2023. |
Là một trong 5 ngôi chùa thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, hệ thống chùa, am, tháp Ngoạ Vân là những kiến trúc phật giáo lớn của Thiền phái Trúc Lâm được hình thành vào đầu thế kỷ XIV thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều. Am, chùa Ngọa Vân là Thánh địa linh thiêng của Phật giáo Trúc Lâm – nơi Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hóa Phật. Ngọa Vân là một trong 14 điểm di tích quan trọng thuộc Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013).
Am Ngọa Vân, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật. |
Lễ hội Xuân Ngọa Vân được duy trì tổ chức vào ngày 09 tháng Giêng và diễn ra đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm, là dịp để nhân dân, và du khách hành hương về “Thánh địa của thiền phái Trúc Lâm”; nơi Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông – Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm lựa chọn là nơi nhập Niết Bàn, hóa Phật.
Lễ hội Đền Xã Tắc
Đền Xã Tắc tọa lạc tại một vị trí đặc biệt, cạnh bờ sông Ka Long (ranh giới biên giới Việt – Trung), thuộc khu 3, phường Ka Long, thành phố Móng Cái. Năm 2005, đền Xã Tắc được công nhận là Di tích cấp tỉnh, năm 2020, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.
Nghi lễ cấp thủy với hoạt động rước nước từ sông Ka Long vào đền Xã Tắc, mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, may mắn. |
Di tích Đền Xã Tắc được xây dựng từ trước năm Kỷ Mão 1879, là nơi phụng thờ thần Xã Tắc Đại Vương và thờ thần Cao Sơn Đại Vương, Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng. Hàng năm, Lễ hội Đền Xã Tắc được tổ chức vào ngày 29/01-01/02 âm lịch. Lễ hội gồm 2 phần Lễ và Hội. Phần lễ gồm các nghi lễ chính như: Lễ cấp thủy (lấy nước) tại ngã ba Soáy Nguồn; lễ mộc dục (tắm tượng) tại đền; lễ nghênh thần (rước thần du xuân); lễ an vị, lễ tế Xã Tắc; lễ dâng lễ vật của các địa phương, Phần hội có chương trình nghệ thuật dân gian, các trò chơi truyền thống… Nằm ở vị trí địa đầu của Tổ Quốc, đền Xã Tắc từng là nơi ghi dấu bao thăng trầm của lịch sử. Đền Xã Tắc và lễ hội Đền Xã Tắc đã trở thành một “cột mốc” vững bền khẳng định chủ quyền lãnh thổ Quốc gia, khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam nơi địa đầu biên cương Tổ quốc.
Nguồn: Báo xây dựng