Đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 vẫn có nguy cơ tử vong
Đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 vẫn có nguy cơ tử vong
Mặc dù đã được tiêm hai mũi vắc-xin nhưng nhiều người vẫn mắc Covid-19, có trường hợp tử vong. Phải chăng việc tiêm vắc-xin đạt hiệu quả không cao?
Ngày 15/11/2020, Chuyên trang Quản lý môi trường nhận được bài viết của PGS.TS Nguyễn Huy Nga – Viện trưởng Viện Khoa học sức khỏe Quang Trung đề cập vấn đề nói trên. Trân trọng giới thiệu bạn đọc bài viết này.
Xuất hiện các trường hợp tử vong dù đã tiêm vắc-xin
Trong những ngày gần đây tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam xuất hiện các trường hợp tử vong do Covid-19 dù đã được tiêm vắc-xin. Phân tích các trường hợp tử vong, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong số 38 trường hợp tử vong ghi nhận trong ngày 10/11, đa số các trường hợp tử vong là người lớn tuổi và mắc bệnh nền; trong đó có 20 trường hợp chưa được tiêm vaccine, 2 trường hợp đã được tiêm 1 mũi vắc-xin và 10 trường hợp đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin nhưng có bệnh nền và hơn 50 tuổi.
Những thông tin này và các nguồn thông tin khác từ nước ngoài đang làm dấy lên sự lo lắng của cộng đồng và có một số người bắt đầu nghi ngờ về hiệu quả của vắc-xin ngừa Coid-19 và e ngại đi tiêm.
Thế nào là “nhiễm đột phá”?
Thực tế thì việc có những người đã tiêm vắc-xin vẫn bị mắc bệnh Covid-19 và có thể tử vong là điều mà các chuyên gia y tế đã cảnh báo trước đây, nhất là ở các nước đã tổ chức tiêm sớm hơn Việt Nam nhiều tháng. Trong thuật ngữ chuyên môn người ta gọi đây là các ca “nhiễm đột phá’ (breakthrough infection) để nói về các trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và đã hơn 14 ngày nhằm tạo miễn dịch tối ưu, nhưng vẫn mắc Covid-19. Phần lớn trường hợp “nhiễm đột phá” có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng nên người bệnh không đi khám hay thậm chí không biết mình nhiễm. Thống kê tại Mỹ cho thấy số trường hợp nặng cần nhập viện hoặc tử vong chỉ vào khoảng 1 ca trên 10000 người tiêm vắc-xin đủ liều.
Một phát hiện rất quan trọng từ nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Lancet tháng 9/2021 trên gần 1000 người bệnh Covid-19 ở bệnh viên Đại học Yale cho thấy mặc dù chỉ chiếm khoảng 1.25% trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phải nhập viện, người có bệnh nền (cụ thể là bệnh tim mạch chuyển hóa) và lớn tuổi có nhiều nguy cơ bị Covid-19 nặng hơn.
Cụ thể đặc điểm của nhóm “nhiễm đột phá” bị Covid-19 nặng như sau:
– Có bệnh tim mạch (85%),
– Béo phì (65%),
– Tiểu đường (50%),
– Bệnh phổi mạn tính (50%),
– Người cao tuổi > 80 tuổi (50%),
– Ung thư (30%),
– Suy giảm miễn dịch (30%).
Công bố của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ là tất cả những ca tử vong dù đã tiêm đầy đủ hai mũi vắc-xin là những người bị bệnh nền nặng, suy giảm miễn dịch. Theo thống kê của Bộ Y tế Singapore, một quốc gia đã có độ bao phủ tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 hơn 80% thì trong 28 ngày qua, 98,7% các trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận là F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Trong ngày 11/11, Singapore có 8 ca tử vong do Covid-19, tất cả đều hơn 74 tuổi, có nhiều bệnh lý nền khác nhau và đã được tiêm phòng.
Nguyên nhân “nhiễm đột phá”
Một sự thực đã được khẳng định là vắc-xin Covid-19 giúp hệ miễn dịch nhận biết và sẵn sàng chống lại virus corona nếu chúng xâm nhập vào cơ thể. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiêm vắc-xin là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khoẻ. Dựa trên những gì đã biết về vắc-xin đối với các bệnh khác và dữ liệu ban đầu từ các thử nghiệm lâm sàng, các chuyên gia tin rằng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cũng giúp ngăn ngừa khả năng bị bệnh nặng. Như vậy, có thể thấy vắc-xin đã giúp làm giảm nguy cơ mắc Covid nặng phải nhập viện. Tuy nhiên, vắc-xin không phải là bộ áo giáp vạn năng có thể chống lại hoàn toàn lây nhiễm. Các nhà sản xuất vắc-xin cũng công bố hiệu quả của vắc-xin là trên 90% – 95% như của vắc-xin Pfizer và Moderna, trên 80% như của Astra-Zeneca và trên 70% như của Verocel…. Tức là không có vắc-xin nào có hiệu quả bảo vệ 100% cho người được tiêm đầy đủ. Cứ 100 người tiêm thì sẽ có từ 10 đến 30 người sẽ không có đủ miễn dịch để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi rút gây bênh Covid-19. Mục đích của tiêm vắc-xin là để giảm số ca bệnh trong cộng đồng chứ không phải không còn dịch. Vắc-xin khiến việc lây lan giảm đi chứ không thể ngăn chặn triệt để và giúp người bệnh không bị nặng chứ không phải miễn nhiễm với virus.
Trong một khảo sát cắt ngang ngày 5/10/2021 thể hiện mối tương quan giữa tiền sử tiêm vắc-xin và mức độ bệnh nặng của 349 người F0 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy ở nhóm người F0 được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, tỷ lệ bệnh nhẹ là 88%. Trong khi đó, số người chưa tiêm vắc-xin, tỷ lệ bệnh chuyển nặng cao đến 74%, trong đó 109 ca nặng, 54 người thở máy xâm lấn, 3 ca ECMO.
Như vậy chúng ta thấy tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin. Người được tiêm vắc-xin đầy đủ ít có khả năng bị lây nhiễm bệnh mà không có triệu chứng (hay còn gọi là lây nhiễm không triệu chứng) cũng như ít có khả năng lây lan virus Covid-19 cho những người khác. Tự mình tiêm phòng cũng giúp bảo vệ những người chung quanh, đặc biệt là người lớn tuổi và người có các bệnh mạn tính, những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng do Covid-19 thậm chí là tử vong hơn những người khác.
Một vấn đề mà các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh là sự tạo ra sức đề kháng bảo vệ của cơ thể sau khi được tiêm vắc-xin Covid-19 còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, như khả năng tạo miễn dịch của từng cá thể, các bệnh lý nền, các biến thể của virus. Đấy là chưa nói đến những sai số do kỹ thuật tiêm chủng chưa đúng, tiêm không đủ liều lượng vắc-xin, bảo quản vắc-xin trong dây chuyền lạnh, chất lượng lô vắc-xin khi xuất xưởng. Đối với các đối tượng có miễn dịch kém như ung thư, ghép tạng, người cao tuổi, người bị nhiễm HIV, người đang uống thuốc ức chế miễn dịch thì tiêm hai mũi vẫn chưa đủ để bảo vệ mà có thể phải tiêm thêm liều thứ 3. Việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm chủng còn thường xảy ra ở những người thường thường xuyên tiếp xúc với những người mắc F0 ở khoảng cách gần dưới 2 mét và không đeo khẩu trang.
Đề phòng “nhiễm đột phá” sau khi đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19
Như vậy có thể kết luận rằng tuy có một số người tiêm vắc-xin đủ hai mũi vẫn tử vong, nhưng các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo người dân phải tiêm vắc-xin để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa dịch bệnh. Đặc biệt những người có bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, huyết áp phải tiêm phòng sớm và đúng theo khuyến cáo, đồng thời phải chú trọng việc theo dõi và điều trị để kiểm soát thật tốt tình trạng bệnh của mình. Sức khỏe tim mạch được ổn định, các bệnh lý nền được kiểm soát tốt cũng là một loại “vắc-xin” hữu hiệu trong đại dịch Covid-19.
Những người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn không được chủ quan nghĩ rằng mình đã tuyệt đối an toàn. Trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì tất cả mọi người đều phải thực hiện nghiêm các khuyến cáo 5K. Thường xuyên đeo khẩu trang khi đến những khu vực đông người, không gian khép kín. Tuyệt đối không nói chuyện với những người lạ ở khoảng cách gần mà không đeo khẩu trang. Nếu khi biết được rằng mình đã tiếp xúc với người mắc F0 ở khoảng cách gần thì phải tự cách ly và sau ngày thứ ba từ khi tiếp xúc nên làm xét nghiệm vi rút để biết tình trạng nhiễm bệnh của mình. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính thì phải tự cách ly 14 ngày ở nhà hoặc xin đi cách ly tập trung và thông báo cho những người đã tiếp xúc gần không an toàn với mình để họ có biện pháp phòng bệnh. Nếu có triệu chứng như sốt, ho, khó thở, nhức đầu, mệt mỏi thì phải liên hệ với cơ quan y tế để được giúp đỡ.
Chuyên trang Quản lý Môi trường
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị