Đa số các văn bản về phòng, chống dịch của các địa phương ban hành đều đúng thẩm quyền
Đây là thông tin được Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Thu Hòe cho biết tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp chiều 22/10.
Trả lời câu hỏi về việc các địa phương ban hành văn bản về phòng, chống dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Thu Hòe cho biết, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhận được khá nhiều thông tin phản ánh về tình trạng mà báo chí cho là các địa phương ban hành văn bản kiểu “ngăn sông cấm chợ”, “giấy phép con”, phải có xác nhận mới vào được địa phương mình hay quy định cụ thể các cơ sở y tế được thực hiện xét nghiệm, yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà để phòng, chống dịch bệnh… Vậy những quy định đó liệu có quy định pháp luật, có hạn chế quyền công dân không?
Theo bà Hòe, từ tháng 2/2020 (khi Chính phủ công bố tình trạng dịch bệnh trên toàn quốc) đến 30/8/2021, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã kiểm tra 165 văn bản của các địa phương ban hành có liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Nguyễn Thị Thu Hòe trả lời tại cuộc họp báo. (Ảnh: HL) |
Qua kiểm tra cho thấy các văn bản được ban hành đúng thẩm quyền. Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, khi có văn bản công bố tình trạng dịch bệnh của người có thẩm quyền thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thực hiện các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, trong đó có các biện pháp hạn chế các quyền, yêu cầu kiểm soát các giao dịch, lưu thông, giao tiếp ở khu vực công cộng… Vì thế, nhiều địa phương đã ban hành văn bản kiềm tỏa người dân, hạn chế đi lại để kiểm soát dịch bệnh. Một trong những hiệu quả mang lại là chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Hòe cũng cho rằng thực tế cũng có địa phương quy định “vượt quá”, như quy định cơ sở y tế nào ở địa phương mình sẽ được thực hiện việc xét nghiệm mà không có lý do chính đáng về việc tại sao lại chỉ định cơ sở đó. Hay việc “ngăn sông cấm chợ” giữa các địa phương; yêu cầu có xác nhận về việc không mắc bệnh truyền nhiễm mới được phép vào địa phương… “Qua kiểm tra, chúng tôi cũng thấy những văn bản đó cần phải xem xét thêm về cơ sở pháp lý để ban hành, còn về thẩm quyền thì đã đúng thẩm quyền”, bà Nguyễn Thị Thu Hòe nói.
Tuy nhiên, có những văn bản vừa ban hành hôm trước, hôm sau đã thu hồi ngay, hoặc ban hành văn bản khác thay thế, nên chưa xảy ra hậu quả pháp lý. Chính chính quyền địa phương khi ban hành văn bản cũng nhận thấy đúng là biện pháp khẩn cấp nhưng cũng cần phải nghiên cứu thêm. Vậy nên, có thể khẳng định không có hậu quả pháp lý xảy ra. “Dù chúng tôi có phát hiện ra nhưng văn bản đã thu hồi rồi, hoặc được thay thế, nên không phải thực hiện quy trình kiểm tra, xử lý”, bà Hòe thông tin.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hòe, trong năm 2020, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ để rà soát gần 8.800 văn bản, đã báo cáo Quốc hội. Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg ban hành danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
Tiếp nối kết quả đó, năm 2021, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ Tư pháp đã tiến hành tổng hợp được 2.004 kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về 576 văn bản.
Trong số đó, có 66 kiến nghị về 47 văn bản đã được các bộ, cơ quan ngang bộ xử lý, đã ban hành văn bản mới thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung; 561 kiến nghị, phản ánh về 87 văn bản đã có trong chương trình, kế hoạch; 366 kiến nghị, phản ánh trong 180 văn bản là những kiến nghị có cơ sở, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan cần nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình; 721 kiến nghị trong 313 văn bản chỉ kiến nghị về những nội dung chưa có cơ sở, không hợp lý nhưng các bộ, ngành cần có hướng dẫn, giải đáp trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật.
Nguồn: Báo lao động thủ đô