Đà Nẵng xây dựng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố, thực hiện Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 9-1-2021 của UBND thành phố về việc xây dựng Quyết định quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố đã xây dựng Dự thảo quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030.

Cụ thể, việc quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đến năm 2030 nhằm để quy hoạch, định hướng phát triển số lượng vật nuôi trên tổng số diện tích đất nông nghiệp hiện có với các mục tiêu chính như: giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi đặc biệt tại những vùng đông dân cư, diện tích đất nông nghiệp ít; đồng thời làm cơ sở để các địa phương quy hoạch, định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng đầu tư chăn nuôi hữu cơ, tập trung, có sự quản lý dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh an toàn, thực phẩm.

 

Đà Nẵng hiện có 16 mô hình nông nghiệp CNC 

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của Đà Nẵng đã có bước tiến đáng kể về ứng dụng CNC. Cụ thể đã hình thành 16 mô hình ứng dụng CNC (nhà lưới, nhà kính, tưới tiêu tự động…) để sản xuất rau, hoa, nấm. Bước đầu, TP đã hình thành các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp CNC như Afarm, Tâm An Farm, Greentech… Đây là những điển hình, động lực trong sản xuất nông nghiệp CNC gắn với liên kết chuỗi cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cũng phát triển mạnh.

Hiện TP đã hình thành được hơn 345ha lúa hữu cơ, gần 16ha dưa, hơn 15ha lạc hữu cơ tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Bắc. TP cũng có vùng chuyên canh rau an toàn hơn 40ha, 4 vùng chuyên canh hoa 22ha, vùng trồng chè Hòa Sơn, Hòa Ninh 20ha. Đặc biệt tại đô thị, nông nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất nấm đang mang hiệu quả nổi bật với khoảng 200 cơ sở, hơn 500 lao động, sản lượng đạt gần 1.000 tấn/năm. TP đã có 3 cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, phát triển sản phẩm sơ chế, chế biến từ nấm như Cao nấm linh chi, nấm sò khô, tảo xoắn spirulina nguyên chất sấy lạnh…

Bên cạnh các doanh nghiệp, Đà Nẵng cũng tập trung hỗ trợ phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo mô hình CNC. TP đã có 6 hợp tác xã hoạt động và sản xuất có ứng dụng CNC. TP cũng triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Mới đây, Đà Nẵng có thêm 5 sản phẩm OCOP được trao chứng nhận gồm Bưởi da xanh Hòa Ninh, Chè dây Hòa Bắc, Bánh khô mè Quang Châu, Bánh tráng Túy Loan, Kiệu hương Hòa Nhơn. Như vậy đến nay TP có 18 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Nông nghiệp CNC vẫn là một trong 5 mũi nhọn phát triển kinh tế TP được xác định trong Nghị quyết 43. Trong danh mục đầu tư công trình trọng điểm, động lực giai đoạn từ nay tới 2025, TP cũng đưa vào dự án đầu tư xây dựng khu, vùng nông nghiệp CNC. Hiện Sở NN&PTNT và huyện Hòa Vang đã qui hoạch chi tiết 1/500 với 3 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tại Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú. Đầu tháng 5-2021, huyện Hòa Vang đã xin chủ trương bố trí ngân sách TP để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đến chân hàng rào tại 3 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đã được phê duyệt quy hoạch (Giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp nước, thoát nước…). Tuy nhiên, vướng mắc phát sinh là TP không còn các quy định về hỗ trợ, ưu đãi liên quan đến bố trí ngân sách để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng hay bố trí vốn để đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án đối với khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC như trước.

Liên quan đến tình hình thực hiện đầu tư xây dựng khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn, hiện nay các nhà đầu tư rất quan tâm đến việc xây dựng khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng. Lãnh đạo thành phố cũng quyết tâm thúc đẩy những vùng nông nghiệp để hướng đến việc xây dựng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai xây dựng khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao còn chậm. Đơn cử như đợt giãn cách xã hội gần đây nhất của thành phố, việc đáp ứng nhu cầu rau, củ quả cũng như sản phẩm nông nghiệp phục vụ người dân chỉ ở quy mô nhỏ, trong khi diện tích đất nông nghiệp ở huyện Hòa Vang là rất nhiều.

Do đó, chủ trương chọn vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Phú (20,9ha) và vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn Hòa Khương – Hòa Phong (16,2ha) để bố trí kinh phí thực hiện đầu tư công từ ngân sách thành phố, trên cơ sở đó bố trí vốn, triển khai đầu tư trong năm 2022. Các cơ quan liên quan chủ trì xây dựng Đề án, nghiên cứu quy hoạch tổng thể vùng công nghiệp công nghệ cao, nhằm sớm hình thành và đưa vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động.

Hoài Thương (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích