Đà Nẵng tham vấn Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy
Đà Nẵng tham vấn Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy
Ngày 11/10, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Chương trình “Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Theo ước tính của Sở GTVT Đà Nẵng, đến tháng 12/2020, Đà Nẵng có hơn 1 triệu xe máy, chiếm khoảng 91% tổng số phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt số xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 59% và sẽ làm gia tăng mức phát thải chất gây ô nhiễm không khí nếu các xe không được bảo dưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Từ thực tế đó, cuối tháng 2/2022, Đà Nẵng là một trong ba địa phương của cả nước khởi động Chương trình “Thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố”. Chương trình gồm các hoạt động: Đo kiểm khí thải và hỗ trợ bảo dưỡng đối với xe máy; tham vấn ý kiến người dân và chuyên gia, cùng các cơ quan ban ngành liên quan; đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của việc kiểm soát khí thải xe máy và đề xuất các giải pháp kiểm soát.
Qua kiểm tra khí thải trước bảo dưỡng cho khoảng 3.754 xe máy có tuổi đời trên 5 năm cho thấy tỷ lệ xe không đạt TCVN 6438:2018 mức 1 là 25,44% và không đạt mức 2 là 30,09%. Đa số người dân (84%) ủng hộ chính sách kiểm soát khí thải xe máy.
Kết quả cũng chỉ ra, nếu Đà Nẵng áp dụng chính sách kiểm soát khí thải xe máy thông qua kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ sẽ thu được nhiều lợi ích như có thể kiểm soát tốt lượng khí thải và đồng thời giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe. Hàng năm, mỗi xe sẽ tiết kiệm được 6,87 lít nhiên liệu (ước tính 190.000 đồng – khoản tiền này sẽ giúp bù đắp đáng kể chi phí kiểm định và bảo dưỡng định kỳ) và toàn thành phố sẽ tiết kiệm được khoảng 7,27 nghìn lít nhiên liệu (ước tính 202 tỷ đồng).
Ngoài ra, chính sách này còn giúp thành phố giảm 6,521 tấn CO (11,77% tổng lượng CO), và 556 tấn HC (12,43% tổng lượng HC) phát thải hàng năm do hoạt động giao thông. Hơn nữa, chính sách còn giúp giảm gánh nặng ngân sách từ các dịch vụ y tế cho việc khắc phục hậu quả do tác động của ô nhiễm không khí và từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng cần có phương thức vận động, khuyến khích riêng biệt đối với người lao động tự do và thu nhập thấp. Những người này thường sử dụng xe cũ, có tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn khí thải cao. Địa phương có thể sử dụng giải pháp về mặt kỹ thuật, xã hội như công cụ kinh tế như hỗ trợ về tiền, phí đăng ký xe mới… để khuyến khích người dân thay thế xe cũ.
Hội thảo là dịp để các đại biểu, các chuyên gia, các Sở, ngành, địa phương của TP Đà Nẵng đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Chương trình, để trình UBND thành phố và sớm tổ chức triển khai thực hiện. Kết quả Chương trình sẽ là cơ sở khoa học để thành phố ban hành quyết định đối với xây dựng và thực thi chính sách kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn đang lưu hành; góp phần cải thiện chất lượng không khí tại địa bàn để hướng đến mục tiêu Thành phố môi trường và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị