Đà Nẵng: Tăng cường công tác truyền thông về phân loại rác tại nguồn

Đà Nẵng: Tăng cường công tác truyền thông về phân loại rác tại nguồn

Hà Thắm –  Thứ năm, 25/11/2021 14:36 (GMT+7)

Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ngày một tăng nhanh, gây áp lực lớn cho công tác thu gom, xử lý của Đà Nẵng. Để giảm khối lượng rác thải mang đi chôn lấp, tận dụng tài nguyên từ rác, Đà Nẵng đã và đang tăng cường tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn.

Hầu hết lượng CTRSH đều được xử lý chôn lấp

Trong thời gian qua, cùng với tốc độ đô thị hóa, tốc độ phát triển kinh tế cũng như phát triển dân số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, khối lượng CTRSH cũng tăng nhanh. Theo Đề án xây dựng Đà Nẵng – thành phố Môi trường giai đoạn 2021-2030: dự báo đến năm 2030 tổng lượng CTRSH phát sinh trung bình khoảng 2.000 đến 2.200 tấn/ngày.

Hiện nay, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng là đơn vị đang thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn thành phố với khối lượng CTRSH trung bình 1.000 tấn/ngày.

Bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, CTRSH thu gom trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều được xử lý chôn lấp tại Khu xử lý chất thải Khánh Sơn.

Đà Nẵng: Tăng cường công tác truyền thông về phân loại rác tại nguồn - Ảnh 1
Công tác xử lý CTRSH bằng phương pháp chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn

Phương thức thu gom CTRSH của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng chủ yếu sử dụng các phương thức đặt thùng rác đặt cố định trên đường phố, xe ba gác, xe tải nhỏ thu gom trực tiếp, xe cuốn ép sau đó vận chuyển lên khu vực xử lý chôn lấp.

Thu gom bằng thùng rác đặt cố định trên đường phố: Công ty tiến hành đặt các thùng rác (240l) trên các tuyến đường chính, rác thải sinh hoạt của các hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp… gần các đường phố chính được bỏ vào thùng rác cố định trên đường phố. Sau đó, công ty sử dụng các xe cuốn ép để nâng các thùng rác này và vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn.

Thu gom bằng xe ba gác: Rác thải từ các hộ dân sống trong các ngõ, hẻm và các khu dân cư… được công nhân sử dụng xe ba gác mang thùng đến thu gom, sau đó vận chuyển về trạm trung chuyển để xe ép rác đưa lên khu xử lý Khánh Sơn hoặc đưa về điểm tập kết thùng trên đường phố để thu gom cùng với phương thức đặt thùng cố định, sau đó xe cuốn ép đến nâng và vận chuyển đến bãi rác Khánh Sơn.

Xe tải nhỏ thu gom trực tiếp: Áp dụng đối với khu vực đường nhỏ xe lớn không vào được. Công nhân thu gom những bao rác mà người dân để sẵn ở trên đường cho vào xe, chuyển đến trạm trung chuyển để xe ép rác đưa lên bãi rác Khánh Sơn.

Xe cuốn ép thu gom trực tiếp (xe 4-5 tấn): Áp dụng ở các vùng ven, khu vực xa trung tâm và khu dân cư có đường nhỏ xe lớn không vào được. Công ty sử dụng xe có tải trọng dưới 5 tấn chạy dọc đường nhỏ hoặc vùng ven, dùng còi báo hiệu cho người dân đưa rác ra đổ vào xe hoặc công nhân gom những bao rác mà người dân để sẵn ở trên đường đổ vào xe và vận chuyển về bãi rác Khánh Sơn.

Đối với khu vực ngoại thành Hòa Vang, công tác thu gom CTRSH ngoài những phương thức trên còn có sự tham gia thu gom rác thải của tổ chức địa phương (các thôn bố trí thùng rác và cử người thu gom rác thải đến điểm tập kết, nhà chứa rác trong thôn). Sau đó xe thu gom của công ty đến thu gom và vận chuyển về bãi rác Khánh Sơn.

Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng còn thực hiện duy trì vệ sinh đường phố ban ngày và quét đường phố ban đêm. Rác thải trên các đường phố được thu gom theo phương thức thủ công. Công nhân vệ sinh môi trường dùng chổi quét rác, sau đó xúc lên các xe đẩy tay rồi đưa vào các thùng rác công cộng đặt trên đường phố hoặc đưa về các điểm tập kết nâng thùng để xe nâng thu gom.

Có thể thấy CTRSH được thu gom bằng tất cả các hình thức trên đều được vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn để xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Theo Bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu: “Với khối lượng CTRSH ngày càng tăng, thể tích chứa của bãi chôn lấp đang ngày càng thu hẹp, nên việc nâng cấp cải tạo và nâng cao công suất khu xử lý hiện hữu cũng như việc đầu tư công nghệ xử lý phù hợp đang được Thành phố chú trọng và quan tâm. Ngoài ra, chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý ngày càng tăng, nhất là chi phí vận hành các công trình bảo vệ môi trường như: công trình xử lý nước rỉ rác, xử lý mùi hôi, khí thải phát sinh từ bãi chôn lấp”.

Cần tăng cường tuyên truyền về phân loại rác

Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác vệ sinh môi trường, thời gian qua, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng đã tham gia cùng với địa phương triển khai nhiều giải pháp khác nhau, tập trung nâng cao chất lượng phục vụ vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị, góp phần xây dựng thành phố sạch đẹp – văn minh, trong đó có các chương trình về phân loại rác tại nguồn.

Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng đã tham gia cùng địa phương triển khai các chương trình về phân loại rác tại nguồn.

Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều chương trình liên quan công tác phân loại rác cũng như các chương trình giảm thiểu rác thải nhựa, rác thải đại dương do các tổ chức như Yokohama, JAICA, WWF, GREENHUB, UNDP… hỗ trợ thực hiện. Trong đó, để thực hiện chương trình phân loại rác thải tại nguồn trên toàn địa bàn thành phố, thực hiện Nghị quyết 204/NQ-HĐND ngày 19/12/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố, ngày 11/4/2019 UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025. Theo đó, thành phố sẽ ban hành kế hoạch cụ thể cho mỗi năm.

Tuy nhiên, công tác thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng còn một số bất cập: ý thức về vệ sinh môi trường của người dân và một số công nhân thu gom rác thải chưa cao, tình trạng đổ trộm rác thải tại các khu đất trống vẫn diễn ra. Các cơ sở thu mua, sơ chế rác thải còn manh mún, nhỏ lẻ và nằm trong khu dân cư, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trong kế hoạch số 127/KH-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về triển khai phân loại CTRSH tại nguồn năm 2021 đã nêu rõ: “Công tác tuyên truyền có thực hiện nhưng chưa kèm theo phương án tổ chức chi tiết của việc thu gom, thông báo đến hộ dân, tổ dân phố. Do đó, vẫn còn tình trạng người dân lo ngại, chưa rõ phương thức tổ chức, cho nên nghi ngờ việc phân loại và cho rằng “việc tổ chức phân loại, thu gom không thấy hiệu quả”, dẫn đến sự tham gia vẫn còn ở mức thấp. Nhiều đối tượng chưa hoặc ít được phổ biến tham gia vào quy trình phân loại CTRSH tại nguồn như các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quận, huyện, các cơ sở dịch vụ, tiểu thương,…”

Để khắc phục những bất cập nói trên, nâng cao hiệu quả công tác về sinh môi trường, lãnh đạo Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng kiến nghị: Thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về bảo vệ môi trường, đặc biệt trong công tác phân loại rác, thu gom rác thải; tăng cường sự giám sát của các cơ quan chính quyền, đẩy mạnh thiết lập các cơ chế xử phạt để răn đe đối với các hành vi phạm của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp. Thành phố cũng cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về thu gom, vận chuyển và xử lý từng loại chất thải sau phân loại để tăng hiệu quả về công tác bảo vệ môi trường và tăng hiệu ứng để người dân tích cực tham gia vào chuỗi phân loại, thu gom, xử lý rác thải.

Đà Nẵng: Tăng cường công tác truyền thông về phân loại rác tại nguồn - Ảnh 3
Kho chứa rác tài nguyên tại điểm tập kết

Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác truyền thông về phân loại rác tại nguồn, thực hiện kế hoạch của thành phố, từ tháng 9/2021, Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng đã tham gia chương trình truyền thông “Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững”. Chương trình sẽ triển khai thí điểm các điểm truyền thông, thu mua rác tái chế lưu động tại các khu dân cư và tại trường học. Rác sau phân loại sẽ cung cấp cho các đơn vị có cấp phép hoạt động chính quy để thực hiện tái chế. Dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 11/2021 sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ổn định hơn. Chương trình được đồng hành bởi Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (VUREIA), PRO Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích