Đà Nẵng: Sản xuất gặp khó do dịch bệnh xuất hiện trong khu công nghiệp
Theo Cục thống kê TP. Đà Nẵng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 trên địa bàn ước giảm 4,9% so với tháng trước và tăng 3,2% so với tháng cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng mặc dù so với tháng trước giảm 6,4% nhưng so với cùng kỳ đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng (+38,4%), giá trị phần lớn được tạo ra từ sản phẩm đá xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng, giảm tương ứng (-5,6%) và (+3,9%); công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước tăng (+3,0%) và giảm (-5,5%); hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tiếp tục giảm (-2,9%) và (-4,5% do lượng lớn doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực khách sạn, nhà hàng phải ngừng hoạt động vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Bình quân 7 tháng năm 2021, chỉ số IIP tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 41,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,3%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 1,6%; riêng sản xuất nước và xử lý rác thải giảm gần 3,4%. Một số ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số IIP bình quân 7 tháng tăng cao hơn mức tăng bình quân chung như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+52,5%); sản xuất thiết bị điện (+34,7%); sản xuất giường, tủ, bàn ghế (+33,7%); sản xuất sản phẩm điện tử (+22,2%)… Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số giảm sâu so với cùng kỳ như: Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu (-23,3%); sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (-34%); sản xuất đồ uống (-22,8%); thoát nước và xử lý nước thải (-30,6%)…
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong tháng 7/2021 lần lượt giảm (-3,8%) và (-5,2%) so với tháng trước và so với tháng cùng kỳ. Bình quân 7 tháng, chỉ số tiêu thụ so với cùng kỳ có xu hướng chậm lại nhưng vẫn đạt được mức tăng khá (+7,9%). Trong 20 nhóm ngành kinh tế cấp 2 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 14 nhóm ngành tăng và 6 nhóm ngành giảm mạnh, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+33,5%); sản xuất sản phẩm điện tử máy vi tính và sản phẩm quang học (+32%); sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất (+29,6%); sản xuất thiết bị điện (+25,2%)… và một số nhóm ngành có chỉ số tiêu thụ khá thấp, điển hình: Ngành sản xuất đồ uống (-22,5%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (-22,7%); sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (-25,6%)…
Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo tính đến thời điểm cuối tháng báo cáo dự kiến tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ phải kể đến: Sản xuất trang phục; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất kim loại… Bên cạnh đó, một số mặt hàng có chỉ số tồn kho khá cao do nhu cầu tiêu thụ dần được bão hoà, hợp đồng xuất bán hàng hoá bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 như: Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu (+182,2%); chế biến gỗ và sản phẩm sản xuất từ gỗ (+130,2%); công nghiệp chế biến, chế tạo khác (+70,5%)…
Chỉ số sử dụng lao động trong doanh nghiệp công nghiệp tiếp tục có xu hướng giảm do doanh nghiệp áp dụng phương án làm việc giãn ca để phòng chống dịch bệnh. Dự kiến tháng 7/2021, chỉ số sử dụng lao động giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 6,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,3%; riêng khu vực ngoài Nhà nước vẫn đảm bảo số lao động làm việc ổn định, so với cùng kỳ đạt mức tăng 0,4%.
Xét theo ngành kinh tế: Trong tháng 7/2021, ngành khai khoáng giảm sâu nhất (-21,8%); tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (-2,7%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải (-0,9%). Bình quân 7 tháng năm 2021 chỉ số lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 3,1% so với cùng kỳ, trong đó giảm sâu nhất là ngành khai khoáng (-19,2%) và loại hình giảm nhiều nhất là khối doanh nghiệp Nhà nước, giảm gần 5,0%.
Nhằm khống chế dịch bệnh lây lan, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều đơn vị sản xuất trong Khu công nghiệp đã và đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ; ăn, uống tại chỗ; nghỉ ngơi tại chỗ) và đây được xem là phương án tối ưu đang được UBND TP. Đà Nẵng khuyến khích các đơn vị sản xuất kinh doanh thực hiện trong giai đoạn dịch bệnh đang có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.
Các công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ
Dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng: Đây là dự án gồm 5 hợp phần với tổng mức đầu tư 6.842,5 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 1.917 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn ODA của Ngân hàng thế giới (không tính nguồn ODA vay lại của Trung ương). Tính đến cuối tháng báo cáo đã thực hiện được trên 4.926 tỷ đồng đạt gần 72% tổng mức đầu tư. Trong đó, tháng 6/2021 thực hiện được 52,3 tỷ đồng; ước tính tháng 7/2021 đạt 42 tỷ đồng, cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo đạt 307,3 tỷ đồng.
Dự án Khu công nghệ cao: Được thành phố đầu tư hướng đến tập trung phát triển các ngành công nghệ cao có tính bền vững và ổn định, tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến 8.841,1 tỷ đồng. Tính từ khi khởi công đến cuối tháng báo cáo, dự án ước thực hiện được 3.121,3 tỷ đồng, đạt 35,3% tổng mức đầu tư. Trong đó tháng 6/2021 đạt 7,3 tỷ đồng, ước tính tháng 7/2021 đạt 49,3 tỷ đồng, cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo đạt 242,3 tỷ đồng.
Dự án nhà máy nước Hoà Liên: Tổng kinh phí dự kiến hơn 1.170 tỷ đồng. Tính từ khi khởi công đến cuối tháng báo cáo, công trình thực hiện được 854,4 tỷ đồng đạt 73% tổng mức đầu tư. Trong đó, tháng 6/2021 thực hiện 116 tỷ đồng và dự kiến tháng 7/2021 đạt 90 tỷ đồng, cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo ước đạt 445 tỷ đồng.
Dự án Khu Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng: Dự án có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng được khởi công từ ngày 10/10/2020. Luỹ kế từ khi khởi công đến cuối tháng báo cáo công trình đã thực hiện được 344,2 tỷ đồng đạt 43,1% tổng mức đầu tư. Tính riêng tháng 6/2021, vốn thực hiện dự án đạt 45,6 tỷ đồng, dự kiến tháng 7/2021 đạt 30 tỷ đồng, cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo ước thực hiện 279,8 tỷ đồng.
Dự án Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại bệnh viện Đà Nẵng: Dự án có tổng mức đầu tư 496 tỷ đồng với tổng diện tích 2.629m2; quy mô 2 tầng hầm, 11 tầng nổi và 1 tầng kỹ thuật. Đây là công trình được kỳ vọng giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Tính từ khi khởi công đến cuối tháng báo cáo, dự án ước thực hiện 69,6 tỷ đồng đạt 14% tổng mức đầu tư. Trong đó, tháng 6/2021 thực hiện 5,5 tỷ đồng, dự kiến tháng 7/2021 đạt 9,4 tỷ đồng, cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo ước thực hiện 46 tỷ đồng…