Đà Nẵng: Nhếch nhác, ô nhiễm môi trường “xóm quy hoạch treo”
Đà Nẵng: Nhếch nhác, ô nhiễm môi trường “xóm quy hoạch treo”
Hơn 10 năm qua, người dân xóm Gốc (thuộc tổ 89, phường Hòa Xuân) gặp nhiều khó khăn khi nằm trong vùng dự án chậm triển khai. Đây là xóm duy nhất còn sót lại của phường chưa giải tỏa, nhà cửa hầu hết xuống cấp, kéo theo ô nhiễm môi trường.
*Sống trong lo sợ
Từ phản ánh của người dân, đầu tháng 5/2023, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam có chuyến thực địa về Tổ 89 (P.Hòa Xuân), ghi nhận những thông tin này là có cơ sở.
Trưa 10/5, đến xóm Gốc, PV ghi nhận, con đường Đinh Gia Trinh (đoạn nối từ cầu Nguyễn Tri Phương đến cầu Cẩm Lệ) như là vạch kẻ, chia tổ 89 (P.Hòa Xuân) nằm sát bờ sông Cẩm Lệ ra thành một thế giới riêng biệt. Một bên là phố xá thênh thang với san sát nhà cao tầng khang trang, bắt mắt, một bên là những ngôi nhà cấp 4 sập xệ, cũ nát nằm lọt thỏm ở khu đất trũng thấp cỏ cây um tùm, trông hết sức nhếch nhác.
Đến nhà ông Lê Hóa (79 tuổi, trú tổ 89, P.Hòa Xuân) ở gần chân cầu Nguyễn Tri Phương, PV ghi nhận thực tế những nỗi khổ của người dân vùng giải tỏa treo. Trong khuôn viên đất rộng hàng ngàn m2, có rất nhiều nhà đóng cửa bỏ hoang, ông Hóa buồn rầu cho biết, từ ngày xóm Gốc công bố quy hoạch, đất đai nhà cửa nằm trong diện thu hồi để giải tỏa, gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Các con phải di chuyển đi nơi khác làm ăn, nhà cửa có đó mà đa phần hư hỏng, xuống cấp nên không ở được. Bản thân ông già yếu, không còn sức lao động, đành phải bám trụ ở đây để trông nom nhà cửa, hương khói cho ông bà và chờ giải tỏa.
Ông Hóa là dân gốc tại địa phương, sở hữu 1.500m2 đất ở và quản lý thêm 5.000m2 đất của cha mẹ để lại. Ông có 7 người con, đã được cắt đất xây nhà nhưng hầu hết các con đều phải đi nơi khác làm ăn vì nhà đã hư hỏng, nắng bụi, mưa bùn, không ở được. Đưa PV đến nhà các con bỏ hoang, cỏ cây um tùm nằm sát bờ sông, ông Hóa cho biết, gia đình đã chờ giải tỏa hơn 10 năm rồi, nguyện vọng là muốn nhà nước giải tỏa nhanh để có kinh phí làm lại nhà thờ, có đất cho các con xây nhà để ông có nhắm mắt cũng yên lòng.
Cùng tâm trạng như ông Hóa, bà Nguyễn Thị Hay (81 tuổi) là dân gốc ở xóm Gốc không giấu được nỗi buồn về cuộc sống hiện tại. Bà có 6 người con (1 trai, 5 gái) đa phần yên bề gia thất, cậu con trai út lấy vợ ở với bà trong khuôn viên 200m2 đất ở tại xóm Gốc.
Trước khi công bố quy hoạch, thu hồi đất, nhà bà Hay có 4 sào ruộng lúa nước, mỗi năm canh tác 2 vụ cũng đủ ăn cho cả gia đình. Nay nhà nước thu hồi ruộng, cả nhà bà không có việc làm, cậu con trai út phải đi làm ăn xa tận bên Lào nuôi vợ cùng 4 con nhỏ không có việc làm ổn định. Để duy trì cuộc sống thường nhật, bà xin chính quyền cải tạo lại 2 khoảnh đất ruộng nhà nước thu hồi bỏ hoang để trồng rau, còn con dâu thì buôn bán nhỏ lẻ hằng ngày trên tuyến đường Đinh Gia Trinh.
Nói về đời sống người dân vùng quy hoạch treo, bà Hay bảo là không gì khổ bằng. Vì là vùng quy hoạch nên đường xá, nhà cửa, hạ tầng giao thông trong xóm không được sửa chữa. Vào mùa nắng, ở đây bụi rất nhiều, nhà cửa đa phần là cấp 4 nên nóng bức, nước thải sinh hoạt theo cống đổ về hôi thối.
Khổ nhất là mùa mưa bão, khi có trận mưa lớn là nước ngập cục bộ cả xóm, kéo theo rất nhiều rác thải khắp nơi dồn về. Ngập đường thì dân di chuyển bằng ghe và lội bộ, nhưng sợ nhất là mỗi khi nghe tin có bão, cả xóm không ai dám ở nhà vì sợ nhà sụp.
Đưa phóng viên lên tầng mái ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1969, bà Hay lo lắng cho biết, nhà xuống cấp quá, ngói hư hết nên phải dùng bạt che, tường nứt toác có nguy cơ sụp bất cứ lúc nào. Đây là nơi tá túc cho 7 người là bà và 2 vợ chồng con trai út cùng 4 cháu nhỏ. Biết là nguy hiểm nhưng kinh tế khó khăn, bà Hay không có tiền để sửa lại nhà nên đành phó mặc, sống chung với cảnh chắp vá được ngày nào hay ngày đó. Theo bà Hay, đầu năm 2023, cậu con trai út làm ăn xa về, thấy nhà cửa xuống cấp quá, muốn sửa lại nhưng không biết bắt đầu từ đâu vì chỗ nào cũng hư, chỉ có cách đập đi xây lại thì chính quyền không cho.
Cũng như bao người dân xóm Gốc, bà Hay mong muốn nhà nước sớm giải tỏa để bà làm lại nhà, an cư mới lạc nghiệp được. Còn sống cảnh tạm bợ thế này ai cũng khổ, nhất là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
*Bao giờ xóm Gốc mới an cư ?
Để rõ hơn về thực trạng đời sống người dân xóm Gốc, PV có trao đổi với ông Nguyễn Phan Vinh, Tổ trưởng TDP số 89. Ông Vinh là người có thâm niên hơn 20 năm làm thôn trưởng rồi tổ trưởng ở xóm Gốc nên hầu như biết rất rõ về lịch sử của vùng đất này.
Ông Vinh bảo, xóm Gốc nguyên thủy thuộc về thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu, (H.Hòa Vang) với tổng diện tích 150ha. Lần lượt các năm 2001, 2003, 2006 và 2008, TP Đà Nẵng quy hoạch, giải tỏa, thu hồi đất, di dời dân trong thôn Cẩm Nam, còn lại xóm Gốc với 85 hộ, khoản 378 khẩu được sát nhập về phường Hòa Xuân và chia làm 2 tổ dân phố là 40 và 40C, nay thuộc tổ 89.
Năm 2010, xóm Gốc với diện tích 21ha được TP Đà Nẵng công bố quy hoạch dự án Khu dự trữ đất ven sông Hòa Xuân. Các hộ dân ở đây đều đã được đo đạt, quy chủ đất đai, kiểm định nhà cửa chuẩn bị di dời để triển khai dự án. Từ thời điểm này, mọi hoạt động xây mới, sửa chữa nhà cửa đều được địa phương giám sát chặt chẽ nhằm chống việc xây dựng trái phép để hưởng đền bù.
Tuy nhiên, từ đó cho đến nay đã là gần 13 năm, dự án không được triển khai khiến đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn. Vì đây là nơi duy nhất còn sót lại của P.Hòa Xuân chưa giải tỏa nên có cốt nền thấp hơn mặt đường Đinh Gia Trinh hơn 2m. Mỗi khi có mưa lớn là xóm Gốc ngập cục bộ khoảng 1,5m, toàn bộ nước thải, rác thải bẩn đổ dồn về đây gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh.
Cái khó nữa là nhà nước cấm không cho xây dựng trong khu vực đã công bố quy hoạch nên toàn bộ hệ thống giao thông trong thôn xuống cấp, nhà cửa hư hỏng dân không ở được, nhiều hộ có đông khẩu, kinh tế khó khăn, bức xúc về chỗ ở khi con cái lập gia đình nhưng cũng không thể tách đất làm sổ đỏ, xây nhà ở riêng.
Trước thực trạng này, tại các cuộc tiếp xúc cử tri với HĐND TP Đà Nẵng, ông Vinh nhiều lần phản ánh nguyện vọng của người dân là mong muốn được giải tỏa, bằng không thì xóa quy hoạch để dân có điều kiện xây dựng nhà cửa, chứ quy hoạch treo lâu quá làm khổ dân, đi không được mà ở cũng không xong. Tuy nhiên, qua 7 lần tiếp xúc cử tri và đại diện TDP đứng ra làm đơn kiến nghị tập thể với chữ ký của 67 hộ dân gửi lên UBND phường Hòa Xuân nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Minh chứng cho lời mình nói, ông Vinh đưa phóng viên đến nhà bà Nguyễn Thị Bé (60 tuổi) nằm gần cầu Cẩm Lệ. Bà Bé bị bệnh tai biến, thuộc diện hộ nghèo, cả gia đình 7 khẩu ở trong ngôi nhà cấp 4 có diện tích gần 50m2 rất chật chội, nóng bức và xuống cấp. Bà được cha mẹ ruột cho đất để làm nhà nhưng đất nằm trong khu quy hoạch nên không cho tách thửa, còn nhà đang ở thì chưa giải tỏa nên cuộc sống đã khó còn khó thêm.
Quá trình thực địa cùng tổ trưởng TDP Nguyễn Phan Vinh, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam ghi nhận tại khu vực gần cầu Cẩm Lệ có bãi tập kết phế liệu là sản phẩm thải loại từ nhựa rất lớn, chiếm gần hết lối đi dẫn vào xóm Gốc. Và cũng tại đây, theo phản ánh của tổ trưởng, hệ thống cống thoát nước thải của P.Hòa Xuân chảy qua địa bàn của tổ 89 trước khi ra sông Cẩm Lệ có mùi hôi, nhất là vào mùa nắng nóng. Quan sát bằng mắt thường, nước ở đây đục ngầu, có mùi hôi của dầu nhớt.
Mang những băn khoăn, lo lắng của người dân tổ 89 trao đổi với bà Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch UBND P.Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ) được biết, địa phương có nắm bắt thông tin về sự việc này. Cũng theo bà Nhung, trong tháng 4/2023, HĐND TP Đà Nẵng về làm việc với UBND phường về nhiều lĩnh vực, trong đó địa phương có nêu ra thực trạng của khu vực dự án chậm triển khai tại xóm Gốc.
Chủ trương của TP Đà Nẵng là dừng sửa chữa, xây mới để đảm bảo cho việc quy hoạch và đề nghị UBND Q. Cẩm Lệ có báo cáo về thực trạng khu vực này. Về phía địa phương, từ khi công bố quy hoạch đến này vẫn cho phép người dân sửa chữa nhà cửa xuống cấp quá, không ở được chứ cấm tuyệt đối không được xây mới, cơi nới ngoài phạm vi đã được kiểm định trước đây. Nếu hộ dân nào muốn sửa chữa thì phải làm đơn gửi UBND phường, sau đó có báo cáo gửi UBND quận thống nhất mới được làm.
Thiết nghĩ, việc chậm triển khai thực hiện dự án quy hoạch tại khu vực tổ 89 (P.Hòa Xuân), ảnh hưởng đến đời sống người dân cần phải được chính quyền TP Đà Nẵng quan tâm, sớm giải quyết. Bởi thực tế ở khu vực này người dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, không chỉ là chỗ ở, việc làm mà còn là vấn nạn ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến sức khỏe về sau.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị