Đà Nẵng: Lấy ý kiến về quy hoạch nghĩa trang thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Đà Nẵng: Lấy ý kiến về quy hoạch nghĩa trang thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Để việc lập quy hoạch nghĩa trang thành phố phù hợp với thực tiễn phát triển của đô thị, Đà Nẵng đã tổ chức lấy ý kiến đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố.
Quá trình đô thị hóa tại Đà Nẵng đã làm thu hẹp hành lang cách ly tới các nghĩa trang hiện hữu, cùng với việc tăng quy mô dân số cơ học trong những năm gần đây, tạo nên nhu cầu an táng người chết ngày càng lớn, gây nên sự quá tải cho các nghĩa trang hiện có, dẫn tới sự chôn cất không theo định hướng quy hoạch làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển đô thị.
Để việc lập quy hoạch nghĩa trang thành phố phù hợp với thực tiễn phát triển của đô thị, Đà Nẵng đã tổ chức lấy ý kiến đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố.
Theo đó, quy hoạch nghĩa trang thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển nghĩa trang và nhà tang lễ thành phố Đà Nẵng trong điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống nghĩa trang nhân dân nhằm cải thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững. Đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển nghĩa trang phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đồng thời dự báo nhu cầu táng, tỷ lệ các hình thức táng, xác định vị trí, quy mô, phạm vi phục vụ của nghĩa trang và nhà tang lễ thành phố và huyện cho khu vực đô thị và định hướng cho khu vực nông thôn. Xác định nhu cầu đầu tư xây dựng nghĩa trang, nhà tang lễ theo từng giai đoạn, làm cơ sở cho việc lập và triển khai đầu tư xây dựng; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng và quản lý sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Quy hoạch nghĩa trang thành phố đảm bảo tính bền vững, hiện đại, tạo môi trường tâm linh kết hợp sinh thái. Phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch vùng, Quy hoạch chung xây dựng của thành phố và quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan
Đối với khu vực nội thị, đảm bảo sự cân đối hợp lý giữa các loại hình táng. Về lâu về dài triển khai loại hình hỏa táng, giảm loại hình thức chôn cất một lần để tiết kiệm diện tích đất mai táng, đảm bảo vệ sinh môi trường. Sử dụng hình thức táng mới, văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất, kinh phí xây dựng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo các yêu cầu về cảnh quan và thuận tiện cho công tác quản lý, vận hành sau này. Chuyển dần từ hình thức mai táng cũ sang mai táng tiên tiến.
Di dời các nghĩa trang có quy mô nhỏ nằm xen kẽ trong dân cư, đất canh tác. Quy tập các khu mồ mả trong nội thành, nội thị vào các khu nghĩa trang tập trung để phát triển đô thị. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý nghĩa trang.
Hiện nay, trên toàn địa bàn thành phố có 4 nghĩa trang do thành phố quản lý, đều nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang là nghĩa trang Sơn Gà (Gò Cà), nghĩa trang Hòa Sơn, nghĩa trang Hòa Ninh, nghĩa trang tại thôn An Châu, xã Hòa Phú và 02 nghĩa trang phục vụ di dời mộ cho đồng vào dân tộc Cơ Tu và dự án đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn khoảng 225 nghĩa địa, điểm chôn cất tự phát và 1 nhà hỏa táng An Phước Viên tại nghĩa trang Hòa Sơn. Tổng diện tích đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn Đà Nẵng khoảng 810,02ha, chiếm khoảng gần 1,0% tổng diện tích đất toàn thành phố Đà Nẵng.
Một thực tế hiện nay, các nghĩa trang trên đã được đưa vào khai thác lâu đời nên đã quá tải. Các nghĩa trang tập trung do thành phố quản lý, ngoài nghĩa trang Gò Cà do tính chất hình thành từ lâu đời nên hầu như không có khoảng cây xanh cách ly. Các nghĩa trang còn lại gồm Hòa Sơn, Hòa Ninh, thôn An Châu xã Hòa Phú đều là các nghĩa trang đã được quy hoạch nên đã có khoảng cây xanh cách ly. Phần lớn các nghĩa địa không có khoảng cây xanh cách ly, một số nghĩa địa tự phát còn nằm sát đường giao thông.
Hệ thống nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn Đà Nẵng được xây dựng chưa được quan tâm đầu tư một cách bài bản, mặc dù đã có bộ máy quản lý theo các cấp chính quyền nhưng thiếu cơ chế quản lý, thiếu cán bộ chuyên trách tại các đơn vị quản lý dẫn đến tình trạng xây dựng nghĩa trang thiếu đồng bộ và còn nhiều nghĩa địa nằm xen lẫn trong khu dân cư.
Hiện tượng lấn chiếm đất nghĩa trang, nghĩa địa diễn ra khá phổ biến. Việc lấn chiếm đất và chôn cất lộn xộn đã dẫn đến tình trạng lãng phí quỹ đất rất lớn và kéo theo nhiều hệ quả khó giải tuyết trong giải phóng mặt bằng khi phát triển đô thị.
Lập quy hoạch và công tác quản lý các khu nghĩa địa ở Đà Nẵng vẫn chưa được quan tâm xử lý đồng bộ, công tác quản lý các khu nghĩa địa vẫn còn lỏng lẻo, diện mạo các khu nghĩa địa tại thành phố Đà Nẵng vẫn chưa được quan tâm đầu tư tạo hình ảnh nhếch nhác, lạnh lẽo.
Việc xây dựng, quản lý, sử dụng các khu nghĩa địa tại các xã, phường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng tồn tại với số lượng lớn các khu nghĩa địa, khu quy kết mộ quy hoạch không rõ ràng, thiếu hợp lý, kéo theo nhiều hệ lụy khác gây lãng phí đất đai, gây ô nhiễm môi trường.
Các khu nghĩa địa tự phát từ rất lâu, trung bình mỗi thôn, hoặc khu dân cư có ít nhất một khu nghĩa địa. Có xã tồn tại đến 14 khu nghĩa địa, phần mộ nằm rải rác ở các nơi, thậm chí nằm ngay trong khuôn viên khu dân cư. Khi hết quỹ đất chôn cất, trên cơ sở nghĩa địa cũ, chính quyền xã bố trí thêm diện tích đất nhất định để mở rộng. Nhưng trong quá trình thực hiện, các địa phương chưa bám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý quỹ đất nghĩa địa không đúng quy hoạch, kế hoạch thậm chí còn buông lỏng việc quản lý sử dụng quỹ đất này để một số hộ gia đình, dòng họ tự khoanh bao, lấn chiếm đất nông nghiệp làm quỹ đất nghĩa địa dự trữ cho gia đình, dòng họ mình.
Cá biệt, còn xảy ra hiện tượng, một số hộ gia đình có đất nông nghiệp được chia gần khu nghĩa địa đã thỏa thuận ngầm với các gia đình, dòng họ bán một phần làm đất chôn cất cho người quá cố hay khoanh đất tại nghĩa địa xây mộ giả nhận phần cho người còn sống.
Hầu hết các khu nghĩa địa không có quy hoạch chi tiết thống nhất, đường ra nghĩa địa phần lớn là đường đất, không có tường bao quanh bảo vệ, không có nhà quản lý, hệ thống thoát nước, ranh giới phân định không rõ ràng có khi nằm sát khu dân cư hoặc nguồn nước sinh hoạt của dân. Việc mai táng, xây cất bia mộ rất lộn xộn, mạnh ai nấy làm, không theo bất cứ một quy định nào về quản lý kiến trúc, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà đặt đủ các hướng theo ý chủ quan của người sống gây mất mỹ quan.
Chưa kể, các nghĩa trang và các khu nghĩa địa đều không có hệ thống thu gom nước mưa, nước thải sinh hoạt và xử lý nước thẩm thấu từ thi hài. Đây chính là vấn đề cần có sự quan tâm đặc biệt để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường đất, nước khu vực và vùng phụ cận của những nghĩa trang địa táng. Tuy nhiên, đây cũng chưa phải biện pháp triệt để hạn chế ô nhiễm môi trường, giải pháp từng bước thay đổi hình thức táng truyền thống sang hình thức táng mới (Hỏa táng) là xu hướng tất yếu của thế giới nói chung và của Đà Nẵng nói riêng. Nhằm tiến tới hình thức táng văn minh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt quan trọng mang tính chiến lược và lâu dài là tiết kiệm quỹ đất cho tương lai.
Quy hoạch nghĩa trang thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ từng bước tập trung, bàn giao các công trình liên quan trực tiếp nghĩa trang, nhà tang lễ cho đơn vị đầu mối quản lý mạng lưới nghĩa trang, nhà tang lễ để chủ động phục vụ công tác quản lý, thực hiện theo quy hoạch. Giám sát được việc thực hiện quy hoạch nghĩa trang, nhà tang lễ tại các quận, huyện, đô thị. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng và sử dụng nghĩa trang theo đúng quy định. Xử lý nghiêm các hành vi xây dựng không đúng quy định về mua bán chuyển nhượng đất trong nghĩa trang dưới mọi hình thức. Khuyến khích nhân dân sử dụng hình thức táng văn minh, hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường và tiết kiệm quỹ đất.
Quỹ đất dành cho quy hoạch nghĩa trang đến năm 2030 lớn hơn so với nhu cầu đất chôn cất của thành phố, từ đó diện tích đất còn dư ra không được chuyển đổi mục đích sử dụng mà để phục vụ cho việc quy hoạch chi tiết các nghĩa trang mới theo mô hình nghĩa trang công viên.
Hiện tại, đất nghĩa trang dự trữ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn rất ít nên việc lập quy hoạch các nghĩa trang mới là vấn đề cấp thiết cần làm càng sớm càng tốt, đặc biệt là các nghĩa trang đã được đề xuất.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị