Đà Nẵng hấp dẫn nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên về thu hút đầu tư

Thời gian qua, mặc dù phải chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp Đà Nẵng vẫn là điểm sáng tích cực, tạo đà thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.

Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng thu hút được nhiều dự án FDI.
Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng thu hút được nhiều dự án FDI.

Điểm sáng bất động sản công nghiệp

Từ đầu năm đến nay, nhiều dự án lớn đã được Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (BQL) cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được BQL triển khai toàn diện, đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư vào Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Một số dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao như: Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise của nhà đầu tư Ha Vinh Ly và Nhe Thi Le (Hoa Kỳ) với vốn đầu tư 110 triệu USD; Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản), với vốn đầu tư 35 triệu USD.

Thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng có nhiều dự án đáng chú ý như: Dự án EPE Packaging Việt Nam tại Đà Nẵng (Nhật Bản) với vốn đầu tư 300.000 USD; Dự án Nhà máy sản xuất Bảo Ngọc miền Trung của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc với vốn đầu tư là 160 tỷ đồng, quy mô 12.000 tấn sản phẩm/năm.

Dự án Trung tâm Logistics Vinalog KCN Hoà Khánh của Công ty Cổ phần Đầu tư Vinalog với vốn đầu tư là 75 tỷ đồng, quy mô lưu giữ đóng gói hàng hóa lên đến 300.000 tấn/năm; diện tích nhà xưởng phục vụ sản xuất và lưu giữ hàng hoá, cho thuê văn phòng làm việc là 15.000m2 vào Khu công nghiệp Hoà Khánh; Dự án NABUA sản xuất phần mềm của nhà đầu tư Thụy Sỹ vào Khu công nghệ thông tin tập trung.

Đến nay, Khu công nghệ thông tin tập trung đã thu hút được 3 dự án, trong đó có 1 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.079 tỷ đồng và 30.468 USD. Luỹ kế đến nay, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp đã thu hút được 503 dự án, trong đó có 373 dự án trong nước và 130 dự án FDI với tống vốn đầu tư lần lượt là 27.563 tỷ đồng và 1,854 tỷ USD.

Quỹ đất sạch còn lớn, vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ… tại nhiều khu công nghiệp là những điều kiện để TP. Đà Nẵng trở thành địa phương hấp dẫn về đầu tư
Quỹ đất sạch còn lớn, vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ… tại nhiều khu công nghiệp là những điều kiện để TP. Đà Nẵng trở thành địa phương hấp dẫn về đầu tư.

Mới đây, BQL đã có văn bản chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư vào KCN Hoà Khánh cho Công ty TNHH Phát triển INTEX, là thành viên của Tập đoàn INTEX Group. INTEX là đơn vị sản xuất và phân phối nệm hơi (airbeds), hồ bơi trên mặt đất (above ground pools), spas, đồ chơi, nội thất, thuyền bơm hơi và một số sản phẩm khác. INTEX sẽ nghiên cứu đầu tư dự án sản xuất hộp lọc nước cho bể bơi với công suất 1.900.000 sản phẩm/năm; máy bơm nước và không khí bằng điện và bằng tay với công suất 2.440.000 sản phẩm/năm. Tổng vốn đăng ký đầu tư của dự án tương đương với 290 tỷ đồng, góp phần tiếp tục nâng cao nguồn vốn FDI thu hút vào TP. Đà Nẵng.

Ngày 30/6/2021, được sự thống nhất chủ trương của UBND thành phố, BQL cũng đã giới thiệu địa điểm đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Bảng mạch in & Vi cơ điện tử (MEMS) của nhà đầu tư Vector Fabrication đến từ Hoa Kỳ vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư dự kiến là 60 triệu USD. Bên cạnh đó, dự kiến trong tháng 8/2021, BQL sẽ phối hợp với Công ty TNHH Fujikin Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng, đây là hoạt động bên lề cho sự kiện Diễn đàn đầu tư của thành phố dự kiến sẽ tổ chức vào cuối quý III/2021.

Thu hút đầu tư, xây dựng “Công viên Dược phẩm”

Vừa qua, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng đã tham dự Hội thảo trực tuyến kết nối đầu tư xây dựng Công viên Dược phẩm tại Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Công ty Sri Avantika (Ấn Độ) tổ chức. Tham dự hội thảo còn có đại diện của các tỉnh, thành phố: Long An, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Hải Dương, Khánh Hòa, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa.

Theo ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, Đại sứ quán đang làm việc với một nhóm công ty dược Ấn Độ mong muốn đầu tư xây dựng “Công viên Dược phẩm” (Pharma Park), mô hình khu công nghiệp chuyên sản xuất dược tại Việt Nam. Nhóm công ty này mong muốn xây dựng một Công viên Dược phẩm tại Việt Nam và sau đó mời các công ty dược từ Ấn Độ, Mỹ và châu Âu sang đặt nhà máy sản xuất tại đây. Khu công nghiệp này sẽ có cả các nhà máy sản xuất dược liệu/phụ liệu và các nhà máy thuốc thành phẩm để khắc phục điểm yếu về nguồn cung dược liệu trong chuỗi sản xuất dược tại Việt Nam.

Bất động sản công nghiệp tại Đà Nẵng thời gian qua đã thu hút được nhiều nhà đầu tư - là điểm sáng phát triển kinh tế của TP. Đà Nẵng.
Bất động sản công nghiệp tại Đà Nẵng thời gian qua đã thu hút được nhiều nhà đầu tư – là điểm sáng phát triển kinh tế của TP. Đà Nẵng.

Với những tiêu chí lựa chọn địa điểm từ nhà đầu tư như vị trí xây dựng gần các cảng biển, không quá xa thành phố, hạ tầng giao thông tốt để thuận tiện cho việc nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu thành phẩm, diện tích đất sạch lý tưởng từ 500 – 1.000ha (tối thiểu 300ha) cùng những ưu đãi khác, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng đã đề xuất nhà đầu tư tham khảo, tìm hiểu Khu công nghệ cao Đà Nẵng để xây dựng “Công viên Dược phẩm”.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng là 1 trong 3 khu công nghệ cao của cả nước với diện tích hơn 1.184ha đất sạch đã có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh; có vị trí địa lý rất thuận lợi cả về đường hàng không, đường thuỷ, đường bộ và đường sắt, nằm trên các tuyến cao tốc nối liền với các khu kinh tế trọng điểm miền Trung; hạ tầng kỹ thuật của Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu sản xuất của các nhà đầu tư. Đặc biệt, các dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vượt trội.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng hiện đang kêu gọi đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoà Ninh với diện tích hơn 400ha và Khu công nghiệp Hoà Nhơn với diện tích hơn 360ha. Vị trí của các khu công nghiệp này giáp các tuyến đường tránh, đường cao tốc, đất đai chủ yếu là đồi núi, đất nông nghiệp, dân cư thưa thớt; thuận lợi cho đền bù và giải phóng mặt bằng; có đầy đủ các điều kiện để phát triển thành khu công nghiệp tập trung, kết hợp với các khu công nghiệp sẵn có khác, tạo thành mạng lưới đa dạng, rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện nay, công nghiệp dược phẩm là một trong những lĩnh vực được TP. Đà Nẵng ưu tiên và khuyến khích đầu tư phát triển. Ông Hồ Kỳ Minh chia sẻ: “Chính quyền thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thiết lập và triển khai dự án đạt hiệu quả tại Đà Nẵng. Chúng tôi hy vọng sau buổi hội thảo hôm nay, sẽ có cơ hội tiếp tục trao đổi, làm việc với nhà đầu tư về dự án Công viên Dược phẩm và mong được đón tiếp quý vị đến khảo sát thực tế khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát để quý vị có thể cảm nhận trực tiếp tiềm năng phát triển cũng như tính khả thi của dự án tại TP. Đà Nẵng”./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích