Đà Nẵng: Chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị

(Xây dựng) – Công cuộc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý Nhà nước tại Đà Nẵng đã đem lại nhiều kết quả. Chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị là xu thế tất yếu, nếu thực hiện tốt, Đà Nẵng sẽ trở thành hình mẫu trong việc áp dụng công nghệ số vào quản lý đô thị, mang lại môi trường sống hiện đại và bền vững cho người dân.

Đà Nẵng: Chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị
Giao diện Cổng thông tin quy hoạch kiến trúc thành phố Đà Nẵng.

Sự cần thiết ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch, phát triển đô thị

Ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng đã đi tiên phong trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin vào quản lý quy hoạch từ rất sớm, cụ thể là từ những năm 2000. Thành phố đã sử dụng phần mềm AutoCAD để quản lý các đồ án quy hoạch, đánh dấu bước tiến lớn trong việc số hóa quá trình quy hoạch và ra quyết định. Sản phẩm của quá trình này là các Quyết định của UBND thành phố phê duyệt “Bản đồ khớp nối đồ án quy hoạch”, được thống nhất áp dụng trong công tác quản lý chuyên môn của Sở Xây dựng, UBND cấp quận huyện, các Sở, ngành, đơn vị có liên quan đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị. Đây là một hệ thống cơ bản nhưng ổn định được thành phố duy trì trong suốt hơn 20 năm qua.

Lợi ích của giai đoạn này đã tạo ra sự minh bạch trong việc quản lý thông qua hệ thống số giúp công khai thông tin, dễ dàng truy cập và kiểm soát, đảm bảo tính công bằng cho mọi đối tượng. Đem lại hiệu quả đối với các công cụ kỹ thuật số giảm thiểu sai sót trong quá trình thực hiện, tăng tốc độ xử lý công việc. Tối ưu hóa quyết định khi tiếp nhận được dữ liệu thu thập được phân tích chính xác qua đó hỗ trợ nhà quản lý đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời.

Tuy nhiên, hạn chế lớn của giai đoạn này là hệ thống AutoCAD chủ yếu phục vụ cho các cơ quan quản lý và các đơn vị tư vấn, chưa được phổ cập rộng rãi đến cộng đồng dân cư, dẫn đến việc người dân còn khó khăn trong tra cứu thông tin.

Nhằm khắc phục những hạn chế của hệ thống AutoCAD, từ năm 2020, Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai hệ thống quản lý quy hoạch số dựa trên nền tảng GIS (Hệ thống Thông tin địa lý). Đây là bước tiến lớn trong việc tích hợp và quản lý dữ liệu địa lý, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thành phố thông minh. Tích hợp toàn diện: Hệ thống cho phép tích hợp các thông tin quy hoạch trên một bản đồ số duy nhất, cập nhật trực tuyến và kết nối với định vị GPS, giúp đảm bảo tính chính xác giữa dữ liệu và thực địa. Người dân có thể dễ dàng tra cứu thông tin quy hoạch qua các nền tảng web và ứng dụng di động, từ đó nâng cao tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý. Quá trình triển khai vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là về nhân lực và năng lực vận hành. Hiện tại, Đà Nẵng vẫn phải áp dụng song song giữa hệ thống cũ và mới trong quản lý quy hoạch.

Đà Nẵng: Chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch, phát triển đô thị qua đó hỗ trợ nhà quản lý đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời.

Nâng cao năng lực chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch

Chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị là xu thế tất yếu, mang lại nhiều cơ hội phát triển cho thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, để thành công, cần có sự đầu tư hợp lý vào hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực. Nếu thực hiện tốt, Đà Nẵng sẽ trở thành hình mẫu trong việc áp dụng công nghệ số vào quản lý đô thị, mang lại môi trường sống hiện đại và bền vững cho người dân.

Việc đầu tư vào hệ thống công nghệ, Đà Nẵng cũng chú trọng đến việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và hệ thống quản lý. Thành phố đã thành lập Trung tâm Thông tin Quy hoạch, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kỹ thuật cho cả các cơ quan quản lý lẫn người dân. Đào tạo nhân lực cũng được xem là yếu tố cốt lõi. Thành phố đã phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị – Bộ Xây dựng, tổ chức nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu về đô thị thông minh, không chỉ dành cho cán bộ công chức mà còn mở rộng cho các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị.

Chuyển đổi số là yếu tố quyết định giúp quản lý đô thị một cách hiệu quả và bền vững. Nhờ vào công nghệ GIS, các nhà quản lý có thể có cái nhìn toàn diện, chính xác về không gian đô thị, từ đó đưa ra các quyết định tối ưu trong các lĩnh vực như quy hoạch, kiến trúc và phát triển bền vững. Mặc dù đã đạt được nhiều thành công bước đầu, quá trình chuyển đổi số vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng số và nguồn nhân lực. Việc đào tạo đội ngũ cán bộ có khả năng sử dụng thành thạo công nghệ mới, cùng với việc đảm bảo an toàn thông tin, là những nhiệm vụ cần được ưu tiên.

Trong tương lai, Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển hệ thống quản lý số, không chỉ trong lĩnh vực quy hoạch mà còn trong các lĩnh vực khác như: Môi trường, giao thông, và dịch vụ công. Đây là bước tiến chiến lược nhằm xây dựng một đô thị thông minh, nơi mọi quyết định đều dựa trên dữ liệu số chính xác và minh bạch. Một trong những yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số là việc học hỏi và hợp tác quốc tế. Đà Nẵng đã và đang mở rộng mối quan hệ với các quốc gia có nhiều thành công trong ứng dụng công nghệ GIS như Singapore và Trung Quốc, để tiếp thu những giải pháp tiên tiến, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn nhằm đưa Đà Nẵng phát triển bền vững hơn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích