Đà Lạt: Kêu gọi đầu tư khu dân cư kết hợp phố đi bộ và chợ đêm gần 1.700 tỷ đồng
Đà Lạt: Kêu gọi đầu tư khu dân cư kết hợp phố đi bộ và chợ đêm gần 1.700 tỷ đồng
Khu dân cư Lữ Gia kết hợp phố đi bộ và chợ đêm, phường 8 và 9, TP Đà Lạt dự kiến có quy mô khoảng 121.000 m2, tổng mức đầu tư 1.657 tỷ đồng.
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi UBND TP Đà Lạt về việc lập dự án Khu dân cư Lữ Gia kết hợp phố đi bộ và chợ đêm, phường 8 và 9, TP Đà Lạt.
Đây là dự án trọng điểm, ở vị trí cuối Hồ Xuân Hương, thuộc quy hoạch phân khu Khu vực Đông – Bắc hồ Xuân Hương (Khu A9) TP Đà Lạt, tỷ lệ 1/2000 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Do đó, trong quá trình lập dự án, Sở này đề nghị TP Đà Lạt rà soát, xác định cụ thể phạm vi, ranh giới của dự án phù hợp theo quy hoạch phân khu, đảm bảo lợi ích của nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định; đồng thời bổ sung dự án vào chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 – 2025.
Ngoài ra, địa phương lưu ý việc đầu tư các công trình trên đất theo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và các Nghị định có liên quan.
Sở cũng đề nghị UBND TP sớm hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư Lữ Gia kết hợp phố đi bộ và chợ đêm, phường 8 và 9, trình UBND tỉnh phê duyệt để thu hút đầu tư theo quy định.
Trươc đó, ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt đã ký tờ trình gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư Lữ Gia kết hợp phố đi bộ và chợ đêm (nằm trên địa bàn Phường 8 và Phường 9, thành phố Đà Lạt) với quy mô 121.000 m2.
Khu vực được lựa chọn thực hiện dự án nằm ở phía thượng nguồn hồ Xuân Hương. Đây là nơi sản xuất nông nghiệp, đang có trên 180 căn nhà với hơn 200 hộ dân sinh sống. Nơi này cũng có nhiều vị trí xâm lấn vào phạm vi bảo vệ suối, phát sinh ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động sản xuất nông nghiệp gần lưu vực suối Cam Ly.
Theo UBND thành phố Đà Lạt, tổng kinh phí thực hiện dự án dự kiến khoảng 1.657 tỷ đồng, trong số đó hơn 1.246 tỷ đồng để thực hiện tái định cư.
Sau khi chủ trương được chấp thuận, địa phương sẽ rà soát, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong giai đoạn từ tháng 6/2024 đến tháng 6/2025. Tiếp đó, thành phố sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội (xây thô), các công trình thương mại.
Trong dự án sẽ dành ra trên 50.510m2 đất để làm hạ tầng kỹ thuật; 14.250m2 đất nhà ở xã hội, tái định cư, trường mẫu giáo; đất thương mại dịch vụ 6.864m2; đất ở 49.012m2 và 1.000m2 làm công viên.
Hiện, Đà Lạt có phố đi bộ về đêm tại khu Hoà Bình và chợ Đà Lạt. Tuy nhiên, hai địa điểm này nằm ở trung tâm thành phố, tập trung đông người nên thường xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng trong dịp nghỉ lễ.
Chợ đêm Đà Lạt hiện tại (hay còn gọi là chợ Âm phủ) tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (trước chợ Đà Lạt) là địa điểm nổi tiếng nên hầu như du khách nào đến Đà Lạt cũng muốn ghé đến ít nhất 1 lần. Tuy nhiên, khu chợ này gần như họp tự phát, cơ sở hạ tầng xuống cấp, nhếch nhác và đang trở nên quá tải.
Theo đại diện UBND thành phố Đà Lạt, việc phát triển kinh tế ban đêm tại địa phương này sẽ là xu thế tất yếu, bởi một thành phố du lịch thì không thể thiếu các không gian khám phá, tham quan, mua sắm và giải trí về đêm.
Thành phố đã và đang xây dựng phương án thí điểm phát triển kinh tế ban đêm nhằm phát huy thuận lợi, tiềm năng, thu hút các cơ sở kinh doanh, nhà đầu tư và tổ chức tham gia vào các hoạt động này một cách bài bản, hiện đại để thu hút du khách cũng như nâng tầm phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị