Đã được lưu hành, vắc xin nào cũng tốt
Ảnh minh họa. |
Theo quy định của quốc tế, khi bất kỳ loại vắc xin nào lưu hành trên thị trường bên cạnh sự đồng ý của cơ quan quản lý y tế quốc gia đó thì đều phải được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng. Bởi vậy, tất cả các vắc xin chống Covid-19 đang lưu hành trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều đã được WHO công nhận.
Hiện Việt Nam đang lưu hành các loại vắc xin: Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Sinopharm, SputnikV lần lượt của các nước Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nga. Riêng vắc xin Nano Covax do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng lần thứ 3 và được đánh giá cho kết quả tốt.
Trước làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến thể mới delta đang khiến thế giới lao đao, đặc biệt là các quốc gia châu Á, trong đó nghiêm trọng nhất hiện nay là Đông Nam Á. Số ca mắc Covid-19 liên tục tăng, nguồn cung vắc xin lại không đủ, dẫn đến sự thiếu hụt vắc xin trầm trọng trên quy mô toàn cầu.
Cung không đáp ứng đủ cầu dẫn đến cuộc chạy đua “ngoại giao” vắc xin giữa các quốc gia. Vì khoa học và thực tế đã chứng minh, quốc gia nào có trên 70% người dân tiêm vắc xin chống Covid-19 hệ số miễn dịch cộng đồng sẽ rất lớn. Cuộc sống sớm dần trở lại trạng thái bình thường.
Đơn cử, tại kỳ EURO vừa qua, khi đội bóng Hungary thi đấu, trên khán đài rất nhiều cổ động viên được ra sân cổ vũ cho đội nhà. Đơn giản là vì quốc gia này đã có hơn 70% người dân được tiêm 2 mũi vắc xin.
Đa số các quốc gia trên thế giới, ngay cả Singapore – một nước phát triển họ cũng không kén chọn vắc xin. Chính phủ, doanh nghiệp nhập về loại vắc xin nào người dân sẵn sàng tiêm loại vắc xin đó. Vì họ hiểu rằng, một khi vắc xin đã được lưu hành trên thế giới, được WHO khuyến cáo sử dụng, nghĩa là vắc xin đó đạt chất lượng.
Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, đâu đó vẫn còn không ít người trong bối cảnh khan hiếm vắc xin, dịch bệnh lại đang diễn biến phức tạp nhưng vẫn có tư tưởng “kén chọn” vắc xin. Thậm chí, trên mạng xã hội còn mở ra các diễn đàn để bình luận tiêm loại vắc xin này, không tiêm loại vắc xin kia… điều này góp phần gây hoang mang dư luận.
Nhắc lại một lần nữa, Bộ Y tế là cơ quan quản lý Nhà nước về Y dược có trách nhiệm trong việc thẩm định chất lượng vắc xin cả khi đặt bút ký hợp đồng lẫn khi nhập khẩu về nước; thẩm định các lô vắc xin thông qua hình thức viện trợ hoặc doanh nghiệp mua về tặng các tỉnh, thành. Do đó, một khi Bộ Y tế đã cho phép được tiêm chủng loại vắc xin a, b, c… đồng nghĩa với việc loại vắc xin đó đã được kiểm nghiệm về độ an toàn và hiệu quả.
Bởi thế, hơn lúc nào hết để sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19 đưa cuộc sống trở lại bình thường, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức không để mạng xã hội và người khác “kích động” trong việc kén chọn vắc xin.
Hà Nội đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất lịch sử, mỗi cán bộ, người dân, đoàn viên công đoàn, người lao động hãy chủ động đăng ký để được tiêm phòng.
Nguồn: Báo lao động thủ đô