Đã đến lúc luật hóa bất động sản logistics
Cơ sở hạ tầng logistics đóng vai trò quan trọng trọng việc phát triển kinh tế đất nước. Ảnh: GT |
Luật hóa để tăng trưởng bền vững
Cơ sở hạ tầng logistics đóng vai trò nền tảng cho các hoạt động logistics nói chung và các dịch vụ logistics nói riêng, là nền móng cho sự phát triển hệ thống đường kết nối cầu, đường, cảng biển, nhà ga, sân bay, các khu công nghiệp, trung tâm logistics, bến bãi… Cơ sở hạ tầng phần mềm gồm toàn bộ công nghệ sử dụng, hệ thống phần mềm logistics và cơ chế vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách và con người quản lý sử dụng, hệ thống thông tin được sử dụng để quản lý quá trình phân phối, lưu thông hàng hóa dịch vụ trên thị trường.
Theo đó, với cơ sở hạ tầng logistics hiện đại cho phép đáp ứng hiệu quả các nhu cầu, các hoạt động logistics trong chuỗi cung ứng từ vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm, bảo quản đến xử lý hàng hóa cũng như đảm bảo thông tin liên lạc giữa các mắt xích để tạo thành một dây chuyền tiếp tục sản xuất trong khâu phân phối, lưu thông hàng hóa dịch vụ làm gia tăng giá trị của các sản phẩm, hàng hóa.
Tuy nhiên, một trong những hạn chế cơ bản đối với hệ thống logistics quốc gia hiện nay là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng logistics, đặc biệt là hạ tầng kết nối và thiếu các bất động sản logistics (KCN logistics, cụm logistics và các trung tâm logistics…), ở cả cấp độ quốc gia, địa phương và vùng lãnh thổ. Có thể nói, cơ sở hạ tầng logistics Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho các hoạt động tiếp tục sản xuất trong phân phối, lưu thông hàng hóa để làm gia tăng giá trị cho các hàng hóa và sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) trên thị thị trường, thậm chí có lúc, có nơi còn làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng hàng hóa, trong khi khối lượng và trị giá hàng hóa tham gia quá trình cung ứng ngày càng lớn.
Hiện các cảng biển nước sâu Việt Nam thiếu kết nối với các KCN logistics, trung tâm logistics thông qua hệ thống đường sắt để thu hút hiệu quả tàu biển có trọng tải lớn và thu hút hàng hóa trung chuyển từ các quốc gia vào cảng biển Việt Nam. Hiên tượng tắc nghẽn giao thông, xe tải nối đuôi nhau xếp thành hàng dài khi vào, ra cảng lấy hàng như ở Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng… vẫn xảy ra thường xuyên…
Nguyên nhân cơ bản của tình hình trên là do hiểu biết và nhận thức chưa đầy đủ về logistics nói chung và cơ sở hạ tầng logistics – bất động sản, thị trường bất động sản logistics nói riêng. Qua kết quả điều tra khảo sát tại các DN cung cấp và sử dụng dịch vụ logsitics tại một số địa phương, cho thấy các DN hiểu biết mức thấp về logistics lên tới 54,3%, hiểu biết mức trung bình là 35,3%, hiểu biết từ khá trở lên về logistics chỉ có 10,3%.
Mặc dù dịch vụ logistics đã được luật hóa từ năm 2005 với 8 Điều trong Luật Thương mại Việt Nam và dịch vụ logistics trở thành ngành dịch vụ quan trọng, mũi nhọn của nhiều địa phương, thành phố nhưng cơ sở hạ tầng logistics, đặc biệt các KCN logistics, cụm logistics, trung tâm logistics và hệ thống kho tàng, bến bãi – bất động sản logistics lại chưa được quan tâm, đầu tư và phát triển, chưa được luật hóa, nhiều chính sách pháp luật Việt Nam vẫn chưa đề cập đến các vấn đề quan trọng này. Trong khi tất cả chúng ta thừa nhận một thực tế rằng “Quá trình sản xuất sản phẩm chỉ kết thúc khi sản phẩm, hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng trong và ngoài nước”. Trong khi đó, chúng ta lại không đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng logistics một cách bài bản, xây dựng và vận hành thị trường bất động sản logistics một cách hiệu quả.
Đầu tư hạ tầng logistics đồng bộ
Theo thống kê, hiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên 90% đi bằng đường biển nhưng DN logistics Việt Nam mới chỉ đảm nhận có 10-12%, với việc tập trung kinh doanh logistics vào các KCN logistics, trung tâm logistics, “làng logistics”, các DN logistics Việt Nam có điều kiện kết nối vươn ra thị trường ngoài nước để tránh việc DN logistics Việt Nam làm thuê từng công đoạn cho các tập đoàn logistics nước ngoài (qua các văn phòng, chi nhánh, doanh nghiệp FDI) như hiện nay. Đồng thời hỗ trợ các DN logistics trong nước đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực logistics và đào tạo nghề logistics chất lượng cao, nguồn nhân lực số trong logistics, nhờ có sự liên kết chặt chẽ ba bên giữa DN logistics với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các KCN logistics.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có KCN logistics dành cho các DN logistics mà chỉ trong các KCN (dành cho các DN công nghiệp) ở các địa phương, thành phố, các DN đầu tư xây dựng trung tâm phân phối (trung tâm logistics) của mình để cho thuê kinh doanh và phục vụ sản xuất kinh doanh. Rõ ràng, đang có sự bất cập trong quy hoạch các KCN và các trung tâm logistics (KCN logisics) ở Việt Nam, hình như chúng ta chỉ chú ý đến quy hoạch phát triển các KCN mà không tính đến các KCN logistics dành cho các DN logistics và thương mại…
Vì vậy, việc phát triển cơ sở hạ tầng logistics cần hướng vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics cả phần cứng và phần mềm (các KCN logistics, KCN logistics công nghệ cao, trung tâm logistics, cụm logistics…) đồng bộ, hiện đại, đồng thời, xây dựng thị trường bất động sản logistics Việt Nam để thu hút đầu tư logistics trong và ngoài nước. Đẩy nhanh việc xây dựng các bất động sản logistics -KCN logistics, trung tâm logistics nhằm góp phần giảm áp lực quá tải lên đường bộ, đường không, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt là để giảm chi phí logistics cho các DN trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Đừng để Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc ven biển đang được xây dựng và các tuyến đường cao tốc khác lại đi vào “vết xe” như trong xây dựng và phát triển các khu đô thị ở các thành phố hiện nay thiếu khu vui chơi, trường học, phát triển KCN mà thiếu công nghiệp hậu cần, cả tuyến đường Hồ Chí Minh không quy hoạch, xây dựng lấy một điểm hậu cần (logistics), điểm dừng nghỉ dẫn đến sử dụng kém hiệu quả, trong khi đường quốc lộ 1A lại đang quá tải…
Do đó, việc luật hóa bất động sản logistics và thị trường bất động sản logistics là tiền đề để Việt Nam thu hút được các nhà đầu tư logistics, các tập đoàn logistics nước ngoài vào đầu tư kinh doanh logistics nhằm góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, xuất nhập khẩu, đặc biệt gia tăng giá trị cho hàng hóa, nông sản tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và của các địa phương. Việc luật hóa bất động sản logistics (KCN logistics, trung tâm logistics) và thị trường bất động sản logistics, một mặt vừa cho phép thu hút các nhà đầu tư logistics trong và ngoài nước, mặt khác, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động ở các địa phương và thành phố, tăng thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Cùng đó, việc phát triển các bất động sản logistics góp phần hạn chế xung đột giao thông, hạn chế các phương tiện chạy xuyên qua các thành phố, các phương tiện giao thông, kho bãi nhỏ lẻ và các cảng cạn được tập trung vào các KCN logistics, trung tâm logistics. Giảm ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng hệ thống giao thông, thương mại hiện đại, thông minh.
Việc luật hóa bất động sản logistics và có các chính sách phát triển phù hợp chính là tạo môi trường kinh doanh logistics tập trung thuận lợi cho các hoạt động logistics của chính các DN logistics hiện nay đang nằm len lõi trong các ngõ ngách ở các địa phương, thành phố mà các địa phương rất khó quản lý. DN logistics trong nước có cơ hội để mở rộng đầu tư kinh doanh và mở rộng thị trường trong lĩnh vực logistics, liên kết chặt chẽ hơn với các nhà sản xuất, nhờ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, đóng góp nhiều hơn cho nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng logistics, trước hết là các KCN logistics, KCN logistics công nghệ cao, cụm logistics và trung tâm logistics và luật hóa các bất động sản logistics là rất cần thiết và cấp bách hiện nay. Việc luật hóa bất động sản logistics và đưa vào Luật Đất đai sửa đổi lần này lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết, là tiền đề cho sự phát triển ngành logistics Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Theo GS-TS Đặng Đình Đào – TS Nguyễn Phương Lan/laodong.vn
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/da-den-luc-luat-hoa-bat-dong-san-logistics-1090671.ldo
Nguồn: Báo lao động thủ đô