Đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật cho người lao động

Nổi bật là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục. Bên cạnh các hình thức truyền thống, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức sáng tạo, áp dụng nhiều hình thức, mô hình phổ biến pháp luật mới, hiệu quả, tiết kiệm được nguồn lực.

Tùy từng cơ quan, đơn vị, việc tuyên truyền pháp luật cho người lao động được thực hiện khác nhau, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Anh Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần liên doanh Kangaroo Quốc tế cho biết, để nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động, góp phần đảm bảo quan hệ lao động trong doanh nghiệp hài hòa, ổn định, Công đoàn Công ty đã chủ động cập nhật các thông tin pháp luật mới, liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động và truyền thông đến người lao động kịp thời.

Từ thực tiễn tuyên truyền pháp luật cho người lao động tại cơ sở, anh Nguyễn Thanh Hùng cho biết, người lao động thường mong muốn tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến quyền lợi cho bản thân mình.

Tại nhiều địa phương, việc tuyên truyền pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động được triển khai thông qua mạng xã hội, facebook, zalo. Các văn bản, chính sách mới liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động được đăng tải lên nhóm kịp thời.

Là người nhiều năm tham gia tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người lao động, luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, các vấn đề pháp lý được người lao động quan tâm chủ yếu xoay quanh quyền, nghĩa vụ trong quá trình làm việc. Ví dụ như lương, thưởng, chế độ phúc lợi, gắn liền với trách nhiệm của họ.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hà, với mỗi đối tượng người lao động, cách tiếp cận, tìm hiểu pháp luật cũng khác nhau, đặc biệt là xuất phát điểm ở nhiều điều kiện khác nhau, nên việc đưa ra các hình thức để người lao động tiếp cận pháp luật phải phong phú, đa dạng, phù hợp để phát huy hiệu quả.

“Khi cần tìm hiểu về thông tin pháp luật, hoặc hướng xử lý các tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động, người lao động có thể liên hệ với tổ chức Công đoàn, Đoàn luật sư, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để được tư vấn, hỗ trợ”, luật sư Nguyễn Văn Hà nói.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, hệ thống pháp luật về lao động đã được phổ biến đến gần hơn với người lao động và người sử dụng lao động. Nhờ vậy đã góp phần hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn Thủ đô. Từ đó, giúp tạo chuyển biến về tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cũng như góp phần xây dựng người Hà Nội sống và ứng xử có văn hoá pháp lý.

Hải Lý – Hoàng Phúc

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích