Đa dạng hình thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Đa dạng hình thức bồi thường, hỗ trợ

Điểm mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đa dạng hình thức bồi thường bằng tiền, bằng đất có cùng mục đích sử dụng, bằng nhà ở và bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi nếu người bị thu hồi đất có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất.

Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm tiếp tục kế thừa, luật hóa những quy định đã được thực tế chứng minh là phù hợp của Luật Đất đai năm 2013. Dự thảo cũng bổ sung quy định tạo điều kiện cho người có đất ở thu hồi được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu và phải đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập trong thực tế; đồng thời đưa chủ trương về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, đảm bảo quyền lợi được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền cho người có đất thu hồi.

Đa dạng hình thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới quy định về vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư… được người dân quan tâm (ảnh minh họa)

Cùng đó, dự thảo cũng sửa đổi quy định về thời điểm ban hành Quyết định thu hồi đất sau thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đối với trường hợp phải bố trí tái định cư thì chỉ được ban hành quyết định thu hồi đất sau khi đã bàn giao đất ở, nhà ở tái định cư cho người có đất thu hồi.

Đồng thời có quy định về một số trường hợp được phép thu hồi đất nếu được người có đất bị thu hồi đồng ý và đã nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở hoặc đã được bố trí tạm cư. Quy định này nhằm đẩy việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước theo đúng nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi có đất bị thu hồi phối hợp với đơn vị, tổ chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư điều tra, xác định, thống kê đầy đủ các thiệt hại thực tế về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, thu nhập từ việc sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, nguyện vọng tái định cư, chuyển đổi nghề để đảm bảo quyền lợi, sinh kế cho người có đất bị thu hồi.

Về bồi thường về đất, quy định điều kiện bồi thường về đất cho từng đối tượng sử dụng đất mà không dẫn chiếu sang điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm tháo gỡ vướng mắc phát sinh, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện; chỉnh sửa quy định về điều kiện được bồi thường về đất để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Quy định này thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW, tạo điều kiện cho địa phương không có đất cùng mục đích với đất thu hồi được bồi thường bằng đất khác sẽ giảm áp lực cho ngân sách nhà nước khi phải ứng vốn chi trả bồi thường bằng tiền.

Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định cho phép bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nếu người bị thu hồi đất có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà.

Về bồi thường tài sản, dự thảo Luật sửa đổi quy định đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân theo hướng bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương. Quy định này bảo đảm cho người bị thu hồi đất có đất ở và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ theo đúng nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Đồng thời, bổ sung quy định giao UBND cấp tỉnh ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về về nhà, công trình xây dựng, cây trồng, vật nuôi đảm bảo phù hợp với giá thị trường và phải xem xét điều chỉnh khi có biến động để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất. Quy định nêu trên nhằm đảm bảo trả đúng giá trị thiệt hại tài sản cho chủ sở hữu tài sản và thống nhất với nguyên tắc thị trường khi xác định giá đất để bồi thường…

Có đáp ứng đủ các điều kiện với quỹ đất hiện nay?

Có thể thấy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh giá là chính sách có vai trò quan trọng, tác động lớn đến đời sống xã hội. Tại dự thảo Luật, những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm như bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cơ bản được sửa đổi khá cụ thể, đảm bảo tính minh bạch, giúp hạn chế khiếu kiện… Tuy nhiên, một trong những vấn đề còn nhiều bất cập được các chuyên gia và các đại biểu quốc hội đặc biệt quan tâm đó là các điều kiện tái định cư.

Cụ thể, về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, dự thảo Luật quy định, khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.

Đề cập vấn đề này tại phiên họp Quốc hội ngày 3/11 vừa qua, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn đại biểu thành phố Hà Nội) nêu ý kiến, với những quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đáp ứng đủ các điều kiện trên. Nếu quy định cứng như trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư sẽ trở nên khó khả thi, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu cho rằng, việc bố trí tái định cư phải phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền là cực kỳ khó bởi lẽ phong tục tập quán là những nét văn hóa đặc trưng, mang màu sắc riêng, không địa phương nào giống địa phương nào. Khi được tái định cư, có người được bố trí tái định cư ngay tại địa phương nhưng cũng có người phải tái định ở nơi khác vì quỹ đất nơi có đất bị thu hồi đã hết.

Do đó, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc, căn bản, không quy định cứng để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.

Về điều kiện tái định cư, tại khoản 43 Điều 3 dự thảo Luật quy định, tái định cư là việc Nhà nước thực hiện bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tại khu tái định cư hoặc địa điểm khác phù hợp cho người có đất thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở hoặc hỗ trợ bằng giao đất ở, nhà ở tái định cư cho người không đủ điều kiện bồi thường về đất ở mà không còn chỗ ở nào khác.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính băn khoăn khái niệm “không còn chỗ ở nào khác” được hiểu là chỗ tại địa phương nơi có đất bị thu hồi hay là trên toàn quốc. Theo đại biểu, việc xác định một người “không còn chỗ ở nào khác” rất khó, vì hiện tại trong hệ thống quản lý dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay chưa phản ánh đầy đủ và kịp thời. Nếu viết như dự thảo có thể dẫn đến cách hiểu “không còn chỗ ở nào khác” là trong phạm vi toàn quốc.

Vì vậy, để bảo đảm nguyên tắc và quyền lợi hợp pháp của người dân, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, đại biểu kiến nghị cần giới hạn phạm vi điều chỉnh khái niệm “không còn chỗ ở nào khác” là chỗ ở trong một địa bàn phạm vi xã, phường nơi có đất bị thu hồi. Việc sửa đổi này cũng là sự kế thừa, phù hợp với nguyên tắc bồi thường tái định cư tại điểm a khoản 1 Điều 79 Luật 2013 hiện đang được áp dụng.

Đỗ Đạt

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích