Đã có 3 người tử vong vì mưa lũ ở Hà Giang

Theo báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ ngày 9 đến chiều 10/6, hai người bị lũ cuốn trôi là Lý Chàn Họ (sinh năm 1997) là bố và con là Lý Hưng Thịnh (sinh năm 2021) trú tại thôn Tân Thượng (xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì). Sau nhiều giờ tìm kiếm, đến nay, các lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của hai bố con.

Đã có 3 người tử vong vì mưa lũ ở Hà Giang
Ngập lụt diện rộng tại nhiều nơi ở Hà Giang. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)

Ngoài ra, tại huyện Quản Bạ, mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở taluy dương khiến bà Lò Thị Cho (sinh năm 1982) trú tại thôn Na Cho Cai (xã Nghĩa Thuận) tử vong.

Mưa lớn kéo dài suốt trong đêm 9 và sáng 10/6 khiến các địa phương của tỉnh Hà Giang thiệt hại nặng nề về tài sản. Cụ thể, tại thành phố Hà Giang, theo thống kê sơ bộ có 39 điểm ngập úng cục bộ khiến trên 350 ngôi nhà bị hư hỏng.

Tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần và Vị Xuyên, hàng chục ngôi nhà bị ngập nước, nhiều nhà bị sập hoàn toàn.

Mưa lớn kéo dài nhiều giờ khiến hàng chục ha hoa màu các loại bị hư hỏng nặng. Nhiều chuồng trại chăn nuôi gia súc bị hư hỏng, gần 50 con gia cầm bị chết.

Tại các xã Thuận Hòa và Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên), 2 cây cầu treo bị lũ cuốn trôi. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn từ thành phố Hà Giang đi 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn bị tắc cục bộ chưa thể qua lại.

Ngoài ra, trên 130 phương tiện xe ôtô và xe máy ở thành phố Hà Giang bị ngập chìm trong nước… Tổng thiệt hại ban đầu ước tính gần 19,5 tỷ đồng.

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện đã trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục; huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục nhà cửa, cây trồng, vật nuôi… giúp người dân ổn định cuộc sống và sản xuất.

Cùng với các lực lượng vũ trang trên địa bàn giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống; tổ chức người dân ở vùng có nguy cơ cao, đề phòng nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở những điểm xung yếu, ưu tiên số 1 là bảo đảm an toàn về người; đồng thời di dời khẩn cấp người dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở đất; hỗ trợ, hướng dẫn người dân đi qua các điểm xung yếu, sạt lở, bảo đảm an toàn cho người dân khi lưu thông trên các vùng có mưa lũ, sạt lở đất.

P.V

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích