Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường được giảm án
Sau khi xem xét các tình tiết mới, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường được Tòa phúc thẩm giảm nhẹ tội. Theo đó, bị cáo Trương Quốc Cường nhận hình phạt 3 năm tù (án sơ thẩm 4 năm tù) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo Tòa phúc thẩm, bị cáo Cường đã nộp thêm 500 triệu đồng tiền khắc phục hậu quả; quá trình công tác, cựu Thứ trưởng này có nhiều thành tích, đóng góp cho ngành Y tế, có hơn 50 bằng khen, huân, huy chương; trong quá trình tố tụng, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi. Tòa phúc thẩm cho rằng, đây là một số tình tiết mới để xem xét giảm hình phạt cho bị cáo.
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế được giảm án 1 năm tù. |
Ngoài bị cáo Cường, một bị cáo khác là Phạm Anh Kiệt (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn) cũng được Tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt.
Tòa phúc thẩm tuyên bị cáo Kiệt 13 năm tù (án sơ thẩm 14 năm tù) về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”; tổng hợp với bản án 3 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 16 năm tù.
Đối với các bị cáo còn lại, Tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, gồm: Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế); Nguyễn Việt Hùng (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế); Phạm Hồng Châu (nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế).
Ngô Anh Quốc (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma); Phan Cẩm Loan (nguyên Phó Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma); Lê Thị Vũ Phương (nguyên Kế toán trưởng Công ty VN Pharma); Phạm Quỳnh Trang (nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại hàng hải Quốc tế H&C); Nguyễn Thị Quyết (nhân viên Phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma).
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trương Quốc Cường với vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Phó Chủ tịch thường trực, được Chủ tịch ủy quyền điều hành Hội đồng xét duyệt thuốc đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao.
Bị cáo Cường đã thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc, đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, với trị giá hơn 148 tỷ đồng.
Mặc dù nhận được nhiều thông tin về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng bị cáo Trương Quốc Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy thuốc.
Việc này, dẫn đến hậu quả các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng các loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada, không rõ nguồn gốc xuất xứ để điều trị cho người bệnh, tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng.
Nguồn: Báo lao động thủ đô