Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố trong vụ án thứ 5
Trong đó, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là vụ án thứ 5 bà Nhàn bị xử lý hình sự.
Ngoài ra, các bị can Đỗ Văn Sơn (cựu Trưởng Ban quản lý dự án 2 Công ty AIC), Nguyễn Trọng Đường (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, cựu Giám đốc VNCERT), Ngô Quang Huy (cựu Phó Chánh Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông, cựu Phó Giám đốc VNCERT) cùng bị đề nghị truy tố về tội danh trên.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. |
Kết luận điều tra xác định năm 2016, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khi đó là ông Trương Minh Tuấn phê duyệt dự án mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin trên mạng” (gọi tắt là Dự án).
Sau đó VNCERT được thành lập, có nhiệm vụ chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về ứng cứu sự cố máy tính và an toàn thông tin mạng theo phân công của Bộ trưởng…
Từ ngày 10/10/2019, VNCERT sáp nhập thành đơn vị trực thuộc Cục An toàn thông tin, (Bộ Thông tin và Truyền thông), VNCERT được giao là chủ đầu tư dự án.
Theo Kết luận điều tra, từ giai đoạn Công ty VNCERT (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) xây dựng danh mục trang thiết bị và phần mềm của Dự án, bà Nhàn đã chỉ đạo Nguyễn Văn Thế (Trưởng ban KT7 Công ty AIC) phối hợp với VNCERT để đưa ra các hãng bán hàng giới thiệu sản phẩm, xác định nhu cầu mua sắm của chủ đầu tư.
Từ đó, AIC đàm phán giá đầu ra với các hãng bán hàng để thống nhất giá dự toán, đảm bảo AIC được lợi nhuận 40%, và được định hướng là đơn vị sẽ trúng thầu cung cấp trang thiết bị.
Sau khi chủ đầu tư triển khai các bước xin phê duyệt, hợp thức các bước tư vấn dựa trên danh mục và giá thiết bị đã thống nhất giữa Công ty AIC và chủ đầu tư, bà Nhàn tiếp tục chỉ đạo cấp dưới thiết lập “quân xanh”, “quân đỏ” để dự thầu với mục đích để AIC trúng gói thầu số 8.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi của bà Nhàn gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 17,2 tỷ đồng, phạm vào tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra xác định cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, nguyên Giám đốc VNCERT Nguyễn Trọng Đường là đại diện chủ đầu tư. Quá trình triển khai gói thầu số 8, bị can Đường đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia vào tất cả giai đoạn để thống nhất trước danh mục và giá thiết bị phần mềm trong quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch lựa chọn nhà đầu, lập hồ sơ mời thầu, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng gói thầu.
Đối với cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn và cựu Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, theo Cơ quan điều tra, ông Tuấn khai biết bà Nhàn từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, không chỉ đạo Nguyễn Trọng Đường phối hợp với Vụ Kế hoạch Tài Chính để tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia xây dựng dự án, đấu thầu và trúng thầu.
Với cựu Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, Cơ quan điều tra xác định, ông Hồng có hành vi ký phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và kế hoạch đấu thầu đợt 1 của Dự án. Thời điểm ký các thủ tục, ông Hồng mới được phân công phụ trách lĩnh vực này 10 ngày, do tin tưởng vào chuyên viên và lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính trong việc báo cáo thẩm định, nên đã ký phê duyệt mà không kiểm tra, xem xét; mặt khác, tài liệu điều tra chưa chứng minh được yếu tố vụ lợi của ông Hồng. Vì vậy, đề xuất phân hóa theo hướng không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự, mà kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và hành chính.
Nguồn: Báo lao động thủ đô