Cuối năm liệu có xảy ra cơn sốt bất động sản?
Ở chiều ngược lại, một số dự báo cho rằng, khó có thể diễn ra cơn sốt bởi thị trường vẫn xuất hiện tâm lý dè chừng của người mua.
Ngay khi dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam dần được kiểm soát, trong điều kiện thích ứng an toàn, thị trường bất động sản quay lại đà phục hồi.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Batdongsan.vn, trong tháng 10/2021, nhu cầu tìm mua nhà đất toàn quốc đã tăng hơn 55% so với tháng 9 và 8% so với cùng thời điểm 2020. Riêng thời điểm cuối tháng 10, mức độ quan tâm nhà đất tăng hơn 67%, ngay sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách và tiến hành giao thương trở lại với nhiều tỉnh thành miền Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, từ nay đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản chưa có nhiều thay đổi lớn. Nhà đầu tư thực hiện các giao dịch lướt sóng, ngắn hạn sẽ không thực sự khả thi, nhất là khi Việt Nam chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch và còn những hạn chế trong mặt giao tiếp xã hội, cũng như các hoạt động kinh doanh. Để đảm bảo an toàn dòng vốn, các nhà đầu tư nên nhắm vào tầm nhìn trung hoặc dài hạn.
Từng chia sẻ về diễn biến của thị trường bất động sản sau dịch, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐs cho rằng, thị trường nhà đất sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, thị trường đi ngang trong 3 tháng, giao dịch xuất hiện rải rác tại một số khu vực. Giai đoạn 2, thị trường sốt nhẹ trong 3 tháng. Và giai đoạn 3, thị trường bình ổn trong 6 tháng, điều chỉnh tăng hoặc giảm nhẹ theo đà phục hồi của nền kinh tế, trước khi bắt đầu chu kỳ mới.
Thời điểm hiện tại, hoạt động đi xem bất động sản đã ổn hơn rất nhiều, giao dịch đất nền tại các tỉnh vùng ven TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã có dấu hiệu tích cực trở lại. Đà phục hồi này theo ông Quang nhanh dự đoán trước, nhưng chỉ diễn ra cục bộ ở một vài địa phương và một số phân khúc nhất định. Do đó, khả năng sốt giá nhẹ chưa thể xảy ra ít nhất cho đến tết Nguyên đán.
Ông Quang cho rằng, giai đoạn hiện nay chính là thời cơ cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp lựa chọn đúng khu vực có triển vọng tăng giá cũng như sản phẩm đang có giá tốt. Riêng với những nhà đầu tư mới “nhảy” vào thị trường, ông cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp, cần thời gian quan sát thêm. Bởi diễn biến hiện tại chưa thể hiện rõ bản chất của thị trường, mới chỉ mang tính hiện tượng.
Quan điểm về điều này, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, có thể nói, cuối năm, thị trường có thể sôi động và phục hồi hơn so với quý 3 nhưng khó gọi là bùng nổ giao dịch. “Đồng thời, tôi cũng không đồng thuận với một số ý kiến cho rằng sẽ có những cơn sốt đất hoặc sốt nóng bất động sản vì “bị nén” sau một thời gian”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng, sức mua chung trong cuối năm, về cơ bản tương tự hoặc tăng nhẹ so với trước đó, nhưng vẫn suy giảm so với Quý I hoặc cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân do người mua bị ảnh hưởng về thu nhập, một số khác cũng đang thận trọng quan sát. Thị trường thứ cấp chưa tích cực nên cũng tác động đến sức mua của thị trường sơ cấp. Thị trường cuối năm vẫn dựa vào những người có tiềm lực tài chính lựa chọn bất động sản là kênh hàng đầu để đầu tư lâu dài và đa dạng hoá/bảo toàn giá trị tài sản.
“Phân tích sâu hơn, mặc dù có tâm lý tích cực và niềm tin vào thị trường, nhưng cũng phải nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức thị trường đã và đang đối mặt trong thời gian qua và trong cuối năm, đó là: Nguồn cung mới vẫn hạn chế, không được dồi dào; Nhiều dự án vẫn chưa được tháo gỡ vướng mắc về pháp lý; Một số vấn đề về pháp lý vẫn chưa theo kịp sự thay đổi và phát triển của thị trường, ví dụ dễ thấy là loại hình condotel vẫn chưa có quy định rõ ràng, cụ thể trong văn bản luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sở hữu cũng như những quy định về trách nhiệm của các bên liên quan; Sự bất hợp lý về cung cầu giữa các phân khúc; Mức giá đã tăng cao trong mấy năm qua…”, ông Hoàng cho biết.
Cùng nhìn thận trọng về thị trường, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho hay, hoạt động mua bán hăng hái của nhà đầu tư ở một vài khu vực xuất phát từ nỗ lực của một số môi giới cũng như chủ đầu tư những dự án nhỏ. Nhưng thực tế, các nhà đầu tư chưa thể tự do “lùng sục” sản phẩm tốt tại những vùng đất mới. Cùng với đó, phần đông nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng quan sát, vì đang có sự mâu thuẫn giữa lòng tham và thực tế tài chính của họ. Các thông tin họ nghe ngóng được cho thấy giá bất động sản còn tăng nhưng dòng tiền của họ đang bế tắc. Họ muốn bỏ tiền đầu tư bất động sản thay vì kiếm tiền qua kinh doanh, nhưng lại đang gặp khó khăn về thu nhập và trả nợ.
Ngoài ra, cơ hội để khai phá những vùng đất tiềm năng với giá “mềm” ngày càng hiếm. Thị trường không còn nhiều khả năng tạo được những cơn sóng đầu tư như cách đây vài năm.
Tuy vâỵ, việc tìm kiếm bất động sản là kênh đầu tư an toàn theo các chuyên gia vẫn là tâm lý chủ đạo của nhà đầu tư ở thời điểm này. Việc cân nhắc bỏ tiền vào phân khúc bất động sản nào để yên tâm, lợi nhuận ổn tuỳ thuộc vào tài chính cũng như sở thích của nhà đầu tư.