Cuộc sống hàng chục triệu người dân châu Á bị đe doạ bởi nước biển dâng

Cuộc sống hàng chục triệu người dân châu Á bị đe doạ bởi nước biển dâng

MTĐT –  Thứ tư, 08/03/2023 17:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Có đến hơn 50 triệu người ở các siêu đô thị châu Á sẽ bị ảnh hưởng trong thế kỷ này do tình trạng nước biển dâng.

Mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu trong thế kỷ này có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho các siêu đô thị châu Á cũng như đảo nhiệt đới ở Thái Bình Dương và phần tây Ấn Độ Dương.

Đó là kết luận của các nhà khoa học từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Đại học La Rochelle ở Pháp và Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NCAR), công bố trên tạp chí Nature Climate Change.

Vấn đề chung của khu vực

Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động nặng nề đối với khu vực Đông Nam Á. Nước biển dâng là nguyên nhân đe dọa cơ sở hạ tầng và cuộc sống của người dân các nước trong khu vực.

Dựa vào đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu và những biến động tự nhiên của đại dương, các chuyên gia cảnh báo một phần của các thành phố lớn nhất tại châu Á có thể biến mất vào năm 2100 do tình trạng nước biển dâng cao.

tm-img-alt
Các siêu đô thị châu Á như thủ đô Manila của Philippines có thể đối mặt rủi ro vì mực nước biển dâng cao. Ảnh: CNN

Biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính làm nhiệt độ toàn cầu nóng lên và tác động dao động tự nhiên của nhiệt độ mặt nước biển. Những dao động ấy có thể góp phần làm mực nước biển dâng lên dọc theo một số đường bờ biển nhất định.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khu vực Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, do dân cư sống tập trung đông đúc ven biển.

Theo Viện Nghiên cứu Deltares (Hà Lan), khoảng 157 triệu người đang sống ở những nơi thấp 2m so với mực nước biển, con số này sẽ tiếp tục tăng lên nếu như mực nước biển dâng cao trong những thập niên tới.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo, mực nước biển có thể sẽ dâng thêm 0,8m từ nay tới năm 2100. Nếu mực nước biển tăng lên 1m sẽ khiến cho một số vùng đồng bằng đông dân cư chìm dưới nước, khi đó 28 triệu người tại Indonesia, 23 triệu người tại Thái Lan và 38 triệu người Việt Nam có thể sẽ phải đối diện với nguy cơ này.

Bà Cheryl Tay – nghiên cứu sinh tại Trường Môi trường châu Á thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore lưu ý rằng, nhiều thành phố ven biển ở châu Á hiện đang phát triển và đô thị hóa nhanh chóng, do đó, việc khai thác nước ngầm để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt ngày càng tăng.

tm-img-alt
Khoảng 5,6 triệu người dân tại Yangon – thành phố lớn nhất của Myanmar, có thể chịu tác động từ tình trạng nước biển dâng. Ảnh: Getty

Ảnh vệ tinh chụp 48 thành phố ven biển từ năm 2014-2020 ghi nhận tốc độ chìm trung bình là 16,2mm mỗi năm. Một số thành phố có mức sụt lún đất khoảng 43mm một năm. Hiện thành phố Jakarta của Indonesia đang lún xuống với tốc độ 4,4mm mỗi năm.

“Lũ lụt có thể làm hư hại tài sản và cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp cực đoan, lũ lụt có thể ảnh hưởng đến sinh kế do làm hư hại đất sản xuất nông nghiệp và buộc người dân phải di chuyển khi không thể ở được nơi đó”, bà Cheryl Tay nói.

Mực nước biển dâng trung bình toàn cầu hiện nay là 3,7mm mỗi năm. Tại Singapore, mực nước biển trung bình đang tăng với tốc độ từ 3-4mm mỗi năm. Dữ liệu của Cơ quan Khí tượng Singapore cho thấy, mực nước biển ở đây đã tăng 14cm kể từ mức trước năm 1970.

Thủ đô Jakarta (Indonesia) cũng đang chìm xuống do sụt lún. Hệ thống đường ống ở đây không cung cấp đủ nước sạch cho người dân. Do đó họ chủ yếu sống dựa vào nguồn nước giếng lấy từ các tầng nước nông, kết quả là mặt đất phía trên ngày càng sụt xuống.

Theo National Geographic, trong 15 năm nữa, 80% diện tích phía Bắc của Jakarta sẽ nằm dưới mực nước biển. Trong 50 năm nữa, các đường phố hiện tại có thể ở dưới mực nước ít nhất 30 cm.

Với hơn 50 người chết và 300.000 dân buộc phải sơ tán, trận lụt năm 2007 chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho Jakarta khi nước ngập hơn 1/3 thành phố.

Các chuyên gia cảnh báo, không chỉ các thành phố ven biển châu Á đối mặt nguy cơ ngập lụt, một số siêu đô thị ở Đông Nam Á cũng có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng nước biển dâng cao.

Theo nghiên cứu trên, thủ đô Manila của Philippines sẽ chứng kiến hiện tượng lũ lụt ven biển xảy ra thường xuyên hơn 18 lần trong thế kỷ tới so với trước đây, thuần túy chỉ do biến đổi khí hậu. Thậm chí, trong kịch bản nghiêm trọng nhất, tần suất xảy ra thiên tai như vậy có thể lên đến 96 lần do sự kết hợp giữa hiện tượng nóng lên toàn cầu và dao động tự nhiên của nhiệt độ mặt nước biển.

Bên cạnh thành phố Manila, các chuyên gia cảnh báo tình trạng nước biển dâng cũng đang đe dọa thủ đô Bangkok của Thái Lan, thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, Yangon của Myanmar, các thành phố Chennai và Kolkata ở Ấn Độ, một số hòn đảo nhiệt đới phía tây Thái Bình Dương và phía tây Ấn Độ Dương.

Theo nghiên cứu mới nhất, tình trạng nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu trong thế kỷ này có thể ảnh hưởng tới hơn 50 triệu người dân các siêu đô thị châu Á, trong đó gần 30 triệu người tại Ấn Độ.

Nhà khoa học Aixue Hu của trung tâm NCAR, một trong những thành viên tham gia báo cáo nghiên cứu, cho biết các nhà hoạch định chính sách cũng như người dân trên thế giới nên chuẩn bị những kịch bản đối phó với những mối đe dọa tiềm tàng của tình trạng nước biển dâng.

Lourdes Tibig, cố vấn khoa học khí hậu của Viện Khí hậu và Các thành phố bền vững ở Philippines, cho rằng cảnh báo từ nghiên cứu trên tờ Nature Climate Change cho thấy các nước cần sớm tìm giải pháp giải quyết hiệu quả vấn đề biến đổi khí hậu. Ông Tibig nhấn mạnh: “Thế giới cần hành động nhiều hơn nữa trong nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu để đảm bảo an sinh cho hàng triệu người sống ở các siêu đô thị ven biển”.

Trồng rừng ngập mặn ngăn nước biển

Bên cạnh các biện pháp như xây dựng đê biển và hệ thống thoát nước, trồng rừng ngập mặn là một phương thức hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng nước biển dâng.

Theo nghiên cứu của Đại học Southamton (Anh) cùng Đại học Auckland và Đại học Waikato (New Zealand), rừng ngập mặn giúp chống xói mòn các khu vực bờ biển do các rễ cây giữ lại đất. Hơn nữa, rừng ngập mặn còn tạo ra một hệ thống kênh rạch, những con kênh này bị bồi lắng bùn đất trở nên nông dần, tạo thành hệ thống ngăn nước thủy triều tràn vào sâu trong nội địa

Bà Cheryl Tay cho rằng, các chính phủ nên xây dựng các hệ thống phòng thủ ven biển như xây tường chắn biển, hoặc sử dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên như trồng rừng ngập mặn.

“Chính phủ các nước cũng nên giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Nếu việc khai thác các nguồn tài nguyên như nước ngầm, dầu và khí đốt là lý do gây ra sụt lún đất cho một thành phố cụ thể, thì cần có các giải pháp phù hợp” – bà nhấn mạnh.

Các thành phố cần tìm kiếm các nguồn nước khác để thay thế cho việc sử dụng nước ngầm, đồng thời cần bổ sung nước ngầm để hạn chế tình trạng sụt lún đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tuấn Khang (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích