Cuộc sống đảo lộn nơi bị ngập nước cả tuần ở TP Thủ Đức
Bì bõm lội nước, xe chết máy, sinh hoạt bị đảo lộn… là những gì mà người dân tại một số hẻm ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, trải qua suốt tuần qua.
18h, những con hẻm trên đường 41, phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TP.HCM), sâu hun hút, tối mịt. Ánh điện phát ra từ nhà dân chỉ đủ nhìn rõ mặt người.
Cả hẻm vang tiếng máy bơm thoát nước, thỉnh thoảng có tiếng thở dài của người dân trong những ngày sống với cảnh ngập nước.
Mất ngủ
Hai tháng cuối năm, mưa lớn cùng triều cường tăng dần. Như mọi khi, sau bữa cơm tối, cả nhà ông Nguyễn Văn Thành (50 tuổi, đường 41) lại ra ngoài xem nước đã dâng cao đến đâu. Lội qua dòng nước, ông ngán ngẩm.
“Đêm nào trời đổ mưa, chúng tôi không dám ngủ. Ám ảnh nước lên, phải thức canh xem có ngập nhà hay không. Giờ không mưa đã ngập, mưa xuống còn khổ đến chừng nào”, ông Thành nói.
Rút kinh nghiệm từ mùa mưa những năm trước, ông Thành quyết định vay mượn tiền nâng nền nhà cao hơn mặt đường. Dẫu vậy, sinh hoạt của gia đình 3 thế hệ vẫn gặp nhiều khó khăn.
Đêm nào trời mưa, chúng tôi không dám ngủ, phải thức canh xem có ngập nhà hay không. Ông Nguyễn Văn Thành |
“Bữa nay nước dâng cao hơn thường lệ nên vẫn tràn vào thềm trước nhà. Vợ chồng tôi bảo nhau kê lại bàn ghế, dọn hết đồ vào nhà trong, lấy chỗ đưa xe máy vào tránh ngập”, ông Thành kể.
Chị Thúy Nga (24 tuổi), con gái ông Thành càng rầu rĩ hơn khi công việc bán hàng online bị đảo lộn. Trước đây, khi hẻm chưa xảy ra tình trạng ngập sâu, mỗi tối chị thường để con trai 5 tuổi ra ngoài chơi cùng bạn bè trong xóm.
Tranh thủ thời gian đó, chị trả lời tin nhắn khách hàng và gửi hàng cho khách. Giờ đây, khi không được đi chơi, con trai chỉ đi theo mẹ. Cùng với việc nhiều shipper từ chối vào tận nhà lấy hàng vì lo xe chết máy, chị vừa phải trông con, vừa lội nước ra đầu đường gửi đồ.
Không chỉ riêng gia đình ông Thành, chị Nga mà cả tuyến đường 41 có nhiều hẻm nhỏ, mỗi hẻm lại có hơn chục trẻ nhỏ. Lo nước ô nhiễm, nhiều gia đình không cho con ra ngoài, mọi sinh hoạt thu hẹp lại trong mỗi ngôi nhà. Việc đưa trẻ đến lớp cũng gặp nhiều khó khăn.
Cũng giống như bao hộ dân khác, khi nước bắt đầu lên, Kim Hồng (21 tuổi), sinh viên thuê trọ, tìm mọi cách chống nước tràn vào nhà. Khác ở chỗ, người thuê trọ không thể tự ý sửa nhà, nâng nền. Họ bất đắc dĩ dùng gạch, ván chắn trước cửa.
“Phòng tôi thuê không có giường, chỉ trải nệm dưới sàn nhà nên ngủ cũng không yên, sợ nước vào ướt hết. Ráng ngăn được bao nhiêu nước thì hay bấy nhiêu”, Kim Hồng chia sẻ.
Người dân sinh hoạt, đi lại khó khăn vì nước ngập. Ảnh: An Huy. |
Cùng lúc đó, anh Nguyễn Văn Hải (35 tuổi), chủ một sạp rau củ đang sắp xếp từng khay hàng vào nhà. “Nước lên thì phải dọn hết đồ vào trong nhà, kê đồ lên cao. Giờ chỉ khách quen mới biết nhà mình đang bán hàng”, anh Hải lắc đầu, cười trừ.
Hướng mắt về con đường ngập, Hải kể anh chuyển về đây buôn bán từ sau dịch Covid-19, thường ngày lượng khách ghé mua khá. Thế nhưng, những trận mưa kèm theo triều cường khiến đường ngập trong nước, khách vãng lai gần như không ghé qua nữa.
Nói về khó khăn những ngày qua, Hải cho biết nhà anh ở gần ngay mương nước nên ngoài ngập thì mùi hôi thối của rác thải cũng ảnh hưởng đến cuộc sống và việc kinh doanh.
Rác bịt kín rạch
Mạng xã hội chuyền tay nhau những tấm ảnh người dân lội bì bõm trong nước, xe chết máy phải dắt bộ. Trên thực tế, người dân tại nhiều con hẻm trên đường 41 đã chịu cảnh này từ rất lâu. Tuy nhiên, chỉ mới hơn một tuần nay, nước mới rút chậm và ngập sâu như thế.
Hơn 5 năm sống tại đây, quá quen với việc nước lên nhưng lần đầu tiên ông Thành chứng kiến cảnh tượng nước ngập cả tuần không rút. Ông kể có nhà hàng xóm khóa trái cửa, bỏ nhà đi nơi khác vì không chịu nổi cảnh “sống chung với nước”.
Con rạch bị bịt kín rác, nước không thoát kịp. Bà Hồng Hạnh |
“Chẳng biết họ đi đâu, nước lên là cả nhà họ đi và dặn khi nào nước rút thì thông báo giúp để về dọn dẹp”, ông Thành nói.
Người dân tại khu vực cho biết muốn khu dân cư hết ngập thì con rạch tại gần đó phải rút bớt nước. “Dạo gần đây ngày nào cũng mưa và con rạch bị bịt kín rác, nước không thoát kịp gây ngập”, bà Hồng Hạnh (43 tuổi) chia sẻ.
Khi nào nước rút để cuộc sống trở lại bình thường là câu hỏi của nhiều người dân nhưng chưa có lời đáp. Giờ đây, họ chỉ biết “gõ cửa” chính quyền, trông đợi sớm có giải pháp để không còn phải lội nước, đẩy xe đi làm, đưa con đến trường.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, cho biết một số con hẻm trên đường số 41 bị ngập do mưa lớn và nước rút chậm.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phường xác định hệ thống thoát nước tại khu dân cư thoát ra rạch Đĩa. Tuy nhiên, đoạn cuối rạch này có 15 m cống bị tắc nghẽn do rác, nước không thoát kịp gây ngập. Một số hẻm trên đường Tam Bình cũng có hiện tượng thoát nước chậm khi mưa lớn.
“UBND phường Hiệp Bình Chánh đang phối hợp với người dân khảo sát và thuê đơn vị nạo vét đoạn cống tại rạch Đĩa”, ông Tuấn nói.
Ngoài hẻm 17, trên tuyến đường Tam Bình có hẻm 28 kết nối hệ thống thoát nước ra đường Tam Bình cũng có hiện tượng nước thoát chậm khi mưa lớn.
Nguồn: Báo xây dựng