Cuộc sống đảm bảo thì chắc chắn người lao động không bao giờ bán sổ bảo hiểm

Rút bảo hiểm một lần hầu hết rơi vào công nhân lao động

Đây là trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) tại phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

“Giải pháp nào để người lao động không bán sổ bảo hiểm xã hội? Chính sách thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và tạo động lực cho người lao động?”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) hỏi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, bán sổ bảo hiểm xã hội thực chất là người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội sau đó rút bảo hiểm xã hội để hưởng chính sách một lần và ngại đi làm thủ tục hoặc vì một số lý do gì đó thì nhượng lại sổ bảo hiểm xã hội đó cho người khác để hưởng.

Cuộc sống đảm bảo thì chắc chắn người lao động không bao giờ bán sổ bảo hiểm
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) chất vấn tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: VPQH)

Cho đến giờ này, có khoảng 870.000 người đã rút bảo hiểm xã hội một lần, nếu so với năm 2020 thì con số này gia tăng rất nhiều, có nhiều lý do, trong đó có đời sống khó khăn…

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, có 3 chuyện căn cơ phải làm:

Thứ nhất, việc đầu tiên là nhất thiết phải chăm lo cho đời sống người lao động. Bởi vì phần đa rút bảo hiểm một lần và bán sổ bảo hiểm rơi hầu hết vào công nhân lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn và gặp phải những hoàn cảnh éo le. Vì vậy, giải quyết gốc của nó chính là phải nâng cao đời sống, người ta thấy đời sống tốt rồi, cuộc sống đảm bảo rồi chắc chắn không bao giờ bán sổ bảo hiểm.

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để cho người lao động hiểu và thấy rằng sự cần thiết cũng như lợi ích lâu dài của bảo hiểm xã hội, để cho người ta có một khoản lương hưu khi về già. Như các nước phát triển, chúng tôi cùng với Chủ tịch Quốc hội đi nghiên cứu thì người ta nói là khi nào ở các nước phát triển phải trở thành văn hóa an sinh, hay nói cách khác là văn hóa bảo hiểm thì bấy giờ mới thành công.

Thứ ba, phải tổng kết Nghị quyết 93 để thực hiện Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, giải pháp căn cơ là phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

“Hôm trước trong quá trình thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội đã kết luận, chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ và phấn đấu năm 2022 sẽ trình với Quốc hội xem xét, trong đó theo chúng tôi bên cạnh việc hưởng chính sách một lần thì sẽ tăng cường các lợi ích khác đối với người lao động. Ví dụ như anh không rút bảo hiểm một lần thì ngoài chuyện tiền ra, anh còn được hưởng chính sách khác như đi thăm quan, du lịch… Kinh nghiệm các nước thì họ thường làm theo cách này, họ khuyến khích như vậy.

Quỹ hưu trí, tử tuất không thể sử dụng cho việc khác

Cũng liên quan đến bảo hiểm xã hội, đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn Đồng Nai) cho hay, quỹ kết dư các quỹ bảo hiểm xã hội hiện còn tới gần 1 triệu tỷ đồng, các quỹ ngắn hạn cũng còn nhiều. “Là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ trưởng suy nghĩ gì về vấn đề này? Tại sao lúc này không tung ra nhiều hơn các gói hỗ trợ nhằm chia sẻ với người dân hoặc đầu tư xây dựng nhà cho công nhân”, đại biểu hỏi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, mừng vì các quỹ bảo hiểm phát triển tương đối lành mạnh, ảm bảo thực hiện được đầy đủ các chính sách theo quy định của bảo hiểm, kết dư tương đối bền vững. Đương nhiên thời gian tới khi sửa Luật Bảo hiểm sẽ điều chỉnh các chính sách cho phù hợp hơn.

Cuộc sống đảm bảo thì chắc chắn người lao động không bao giờ bán sổ bảo hiểm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

Thời gian vừa qua, Bộ trưởng cho biết, đã sử dụng một số kết dư và giảm một số quỹ bảo hiểm ngắn hạn cho người lao động, người sử dụng lao động, cụ thể là giảm quỹ bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động từ đóng 1% xuống còn 0,5% cho người sử dụng lao động để lấy tiền đó hỗ trợ người lao động với số tiền là khoảng 5.000 tỷ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, Chính phủ đã quyết định bằng Nghị quyết 116 trích ra 38.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp và bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp và trong gói Nghị quyết 68 khoảng hơn 10.000 tỷ đồng nữa.

“Như vậy là chúng ta đã sử dụng khoảng trên 50.000 tỷ đồng từ các quỹ bảo hiểm ngắn hạn để hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động. Hiện nay, quỹ chúng ta còn xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng. Nhưng trong 1 triệu tỷ đồng này thì gần 900.000 tỷ đồng là của Quỹ hưu trí, tử tuất. Quỹ hưu trí, tử tuất là quỹ dài hạn, đó là lương, là cuộc sống của vài triệu người. Quỹ hưu trí, tử tuất thì về nguyên tắc không thể sử dụng cho việc khác được.

Các nước cũng không bao giờ cho phép như vậy, bởi vì đây là quỹ ngoài ngân sách, quỹ của những người tham gia bảo hiểm, nguyên tắc quan trọng nhất là có đóng thì mới có hưởng, đóng ít thì hưởng ít, đóng nhiều thì hưởng nhiều. Theo nguyên tắc đó, chúng ta không thể lấy quỹ cho những đối tượng khác được”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề nghị Quốc hội sử dụng ngân sách Nhà nước, sử dụng các nguồn khác chứ không lấy vào Quỹ bảo hiểm xã hội để xây nhà ở cho công nhân vì không đúng nguyên tắc, không đúng quy định, đồng thời cũng không đảm bảo tính an toàn, bền vững của quỹ.

“Hiện nay, chúng ta có khoảng 900.000 tỷ đồng nhưng 1 năm chúng ta phải chi tiền lương cho người nghỉ hưu khoảng hơn 200.000 tỷ đồng. Như vậy, kết dư hiện nay cũng chỉ gấp 4 lần. Về nguyên tắc thì quỹ này là phải bảo toàn và phát triển bền vững”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích