Cuộc sống con người dần bị đe doạ bởi tình trạng mất đa dạng sinh học
Cuộc sống con người dần bị đe doạ bởi tình trạng mất đa dạng sinh học
Ngày càng có nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Sự biến mất của chúng sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ sinh học trong môi trường tự nhiên, bao gồm cả con người.
Động vật, thực vật, nấm, sự đa dạng sinh học là một kho các hóa chất tự nhiên, mà một số loại trong đó có thể được sử dụng để điều trị các bệnh từ sốt rét đến ung thư.
Một loài ốc biển này có chất để làm thuốc giảm đau mạnh gấp ngàn lần morphin, hay một loại cây ở Bắc Mỹ có khả năng điều trị ung thư vú. Thế giới tự nhiên đã giúp con người điều trị các vấn đề sức khỏe trong hàng thiên niên kỷ qua và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các loại thuốc trị bệnh mới.
Khoảng 70 loại thuốc điều trị ung thư chỉ dựa trên những loại động, thực vật có trong tự nhiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tìm kiếm nguồn dược phẩm mới đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đa dạng sinh học đang biến mất ở mức đáng báo động. Gần 1/3 trong tổng số 150.000loài được liệt vào sách đỏ cần bảo vệ trước nguy cơ tuyệt chủng.
Bà E.J.Milner-Gulland, Đại học Oxford, Anh, nói: “Có hai điều đang đe dọa đa dạng sinh học nhiều nhất lúc này là khai thác quá mức và chuyển đổi sử dụng đất. Đa dạng sinh học là kết cấu duy trì sự sống của chúng ta trên hành tinh và nếu Trái đất không còn thiên nhiên hoang dã, con người rất khó để sống”.
Ngày 11/4, hàng chục con cá đuôi gai độc được phát hiện chết trên một bãi biển ở Rio de Janeiro, Brazil, gây ra sự hoang mang và lo lắng trong cộng đồng địa phương. Nhà sinh vật học từ Viện Mar Urbano lập luận rằng việc không có các loài khác chết trên bãi biển cho thấy, vụ việc có thể không phải do chất ô nhiễm hoặc thiếu oxy trong nước.
Ông Ricardo Gomes, nhà sinh học, Viện Mar Urbano, Brazil, chia sẻ: “Tại sao chỉ có cá đuối chết? Nếu thiếu oxy hoặc có chất ô nhiễm trong nước thì lẽ ra phải có những con cá khác thuộc loài khác cũng chết chứ, nhưng không, chỉ có cá đuối. Điều này có thể là minh chứng cho việc đánh lưới tràn lan, khiến nhiều động vật biển bị đánh bắt và vứt lại khi ngư dân không có nhu cầu sử dụng chúng”.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nơi nào có nhiều cây xanh hơn, chất lượng không khí tại đó trong lành hơn. Do đó, các chính phủ cam kết giải quyết vấn đề mất đa dạng sinh học bằng cách bảo vệ 30% diện tích mặt đất và đại dương trước năm 2030. Những cam kết này không chỉ để bảo vệ Trái đất mà còn nhằm bảo vệ sức khỏe của con người.
Tuấn Khang (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị