Cuộc họp lần thứ 35 của Nhóm công tác cao su và các sản phẩm cao su ASEAN (RBPWG)

Tham dự hội nghị có đại diện từ 07 quốc gia thành viên (Cambodia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippines, Thái Lan, Việt Nam) và Ban Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam gồm đại diện đến từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) và Hiệp hội Cao su Việt Nam.

Bà Trần Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Tiêu chuẩn Chất lượng về Hóa chất và sản phẩm công nghiệp hóa chất, dầu khí, khoáng sản, xây dựng, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, điều hành với vai trò là Chủ tịch tại Cuộc họp lần thứ 33.

Hội nghị đã cập nhật thông tin về những phát triển gần đây liên quan các sáng kiến hội nhập kinh tế ở ASEAN, đồng thời nghe báo cáo kết quả Cuộc họp lần thứ 26 của Nhóm đặc trách sản phẩm cao su (TFRBP) và Cuộc họp lần thứ 5 của Ủy ban Phòng thử nghiệm cao su ASEAN (ARTLC) cũng như báo cáo của Malaysia và Việt Nam về việc tham gia với tư cách là trưởng các dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế ISO trong lĩnh vực cao su theo chương trình làm việc của Ban Kỹ thuật về cao su của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế – ISO/TC 45.

Hội nghị thông qua báo cáo về tiến độ phát triển mạng lưới phòng thử nghiệm về sàn cao su, cao su thô thiên nhiên và kế hoạch đào tạo ISO/IEC 17025 và thử nghiệm liên phòng đối với cao su sàn của Ủy ban Phòng thử nghiệm cao su ASEAN. Hội nghị cũng cập nhật Danh sách các phòng thử nghiệm được công nhận trong mạng lưới phòng thử nghiệm cao su ASEAN.

Tại Hội nghị lần thứ 26, Nhóm đặc trách sản phẩm cao su (TFRBP) yêu cầu các nước thành viên phản hồi về việc khảo sát 15 tiêu chuẩn ISO mới vào danh sách hài hòa tiêu chuẩn ASEAN, các tiêu chuẩn này chủ yếu thuộc nhóm tiêu chuẩn cao su nguyên liệu (latex cao su, cao su thô thiên nhiên). Ngoài ra, TFRBP cũng cập nhật về tiêu chuẩn xác định cho các sản phẩm cao su mới và sáng tạo (ví dụ: bộ cách ly bảo về chống động đất bằng cao su sử dụng trong ứng dụng cầu) cho công tác hài hòa tiêu chuẩn.

 Sản phẩm cao su. Ảnh minh họa.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa ASEAN giúp doanh nghiệp các nước thành viên trong khối ASEAN thuận lợi hơn trong việc tránh và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại một cách bài bản và thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tạo cơ hội cho việc hợp tác và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực cao su và sản phẩm cao su.

Ngoài những nội dung trên, Hội nghị cũng thảo luận về các chương trình xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước thành viên. Chương trình được hỗ trợ bởi Ủy ban Tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản. Những hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ nhóm công tác cao su là một điển hình, đóng góp tích cực vào hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ASEAN, khẳng định vị trí, vai trò của công tác tiêu chuẩn hóa đối với các lĩnh vực sản phẩm cụ thể. 

Trần Thị Thanh Xuân – VSQI

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích