Cuộc đời thấm đẫm nước mắt của Ca sĩ Phi Nhung
Cuộc đời thấm đẫm nước mắt của Ca sĩ Phi Nhung
Phi Nhung đứng trên đỉnh cao sự nghiệp ca hát, nhưng cuộc đời của chị cũng có những nốt trầm khiến nhiều người phải rơi nước mắt.
Với giọng hát ngọt ngào pha lẫn chất khàn đặc trưng, ca sĩ Phi Nhung nhận được tình yêu thương của đông đảo khán giả trong nhiều năm qua. Nhắc tới Phi Nhung, khán giả không thể không nhớ tới những ca khúc gắn liền với tên tuổi của chị như Bông điên điển, Tình đẹp mùa chôm chôm, Ai khổ vì ai, Nhớ mẹ lý mồ côi… Chị còn được khán giả ưu ái đặt cho danh hiệu “Nữ hoàng băng đĩa”. Nhưng trước khi có một sự nghiệp thành công, cuộc đời Phi Nhung cũng từng trải qua không ít truân chuyên.
Tuổi thơ thiếu tình thương
Ca sĩ Phi Nhung tên thật là Phạm Phi Nhung, sinh năm 1970 tại Pleiku, là con lai giữa bố người Tây Ban Nha và mẹ là người Việt Nam. Chị là kết quả mối tình lầm lỡ của ba mẹ. Ông ngoại Phi Nhung bắt mẹ chị phá thai, thậm chí từng đánh đến ngất xỉu nhưng bà vẫn quyết giữ lại giọt máu của mình, trốn vào chùa sinh con.
Và vì là con lai, chị không thể đi theo mẹ, bị bỏ lại ở chùa. Sau một thời gian, bà ngoại ẵm Phi Nhung về nhà và được ông ngoại chấp thuận cho ở chung. Mẹ của ca sĩ Phi Nhung đã bước thêm một bước nữa và từ đó Phi Nhung không được gặp, không được kêu tiếng “Mẹ ơi”.
Đến năm 8 tuổi, Phi Nhung được mẹ gọi về ở chung với gia đình. Chị có thêm 5 người anh em cùng mẹ khác cha trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Học hết lớp 6, Phi Nhung phải nghỉ giữa chừng để theo đuổi công việc thợ may, phụ giúp gia đình. Không lâu sau, mẹ của chị đột ngột qua đời. Chị và các chị em lại nương nhờ bên nhà ngoại.
Nỗi đau mất mẹ chưa kịp nguôi ngoai, Phi Nhung lại tiễn biệt bà ngoại về thế giới bên kia. Những ngày tháng vất vả nối tiếp khi chị thay cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ các em. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền đã chôn vùi ước mơ làm ca sĩ thuở nhỏ của Phi Nhung. Thế nhưng, những bài cải lương, dân ca khi ấy lại là nguồn vui duy nhất của cô bé 13 tuổi.
Nỗ lực không ngừng để chạm tới danh xưng “Nữ hoàng băng đĩa”
Năm 1989, Phi Nhung sang Mỹ định cư theo diện con lai do một người mợ bảo lãnh, cư ngụ ở tại Tampa, Florida. Tại xứ lạ quê người, chị dành buổi sáng để học tiếng Anh trong tổ chức từ thiện và đăng kí lớp đào tạo cấp chứng chỉ dọn dẹp vệ sinh để đi làm ở khách sạn. Buổi đêm, Phi Nhung lại tranh thủ thời gian may vá thuê.
Năm đó, Phi Nhung phải làm đủ thứ việc, từ rửa chén, bưng bàn cho đến may vá. Số tiền chị kiếm được đều gửi về Việt Nam chăm sóc 5 đứa em nhỏ. Có những lúc, Phi Nhung kiệt sức nhưng không có ai để mà than thở.
Năm 1992, Phi Nhung mang bầu con gái Wendy nhưng không dám kể với người thân, phải tự đọc sách và hỏi thêm các đồng nghiệp ở xưởng may. Tới ngày sinh, chị tự đi xe vào bệnh viện mà không có ai theo cùng. Wendy tròn một tháng tuổi, Phi Nhung mang con đến xưởng may vừa làm việc vừa chăm sóc. Nhiều người không hiểu hoàn cảnh của chị, đã hỏi Phi Nhung làm việc cật lực như thế để sống, hay để chết?
Cuộc đời Phi Nhung bước sang một trang mới vào năm 1993. Trong một lần đi hát thiện nguyện ở chùa, chị tình cờ gặp Trizzie Phương Trinh, lúc ấy là ca sĩ có tiếng ở hải ngoại. Mến tài ca hát và khuôn mặt khả ái của người em đồng hương, Trizzie thuyết phục Phi Nhung sang California, bắt đầu gây dựng sự nghiệp ca hát. Một tuần suy nghĩ, Phi Nhung nuốt nước mắt, ẵm con sang California vì không muốn con sau này khổ như mình. Chị từng cho biết khi ấy chỉ còn 300 USD trong người.
Những ngày đầu, mẹ con Phi Nhung ở nhà Trizzie Phương Trinh. Gửi con nhờ người quen chăm, ban ngày chị làm nhân viên bán đĩa nhạc cho một trung tâm ca hát, tối phục vụ nhà hàng. Tranh thủ thời gian rảnh, chị vào studio học xướng âm, hát theo giọng Bắc để theo đuổi dòng nhạc trữ tình. Lần đầu thử giọng, chị bị Trizzie chê hát dở vì “phát âm sai chính tả nhiều quá”. Mỗi tối, chị lại nỗ lực tập hát tròn vành rõ chữ. Ròng rã hai năm, Phi Nhung ra mắt hai ca khúc đầu tiên “Nỗi buồn hoa phượng” (Thanh Sơn – Lê Dinh) và “Nối lại tình xưa” (Ngân Giang), song không có album riêng, chỉ góp mặt trong đĩa hát chung của Hương Lan và Mỹ Huyền.
“Khi tôi qua California, trong túi chỉ có 300 USD và ở luôn cho tới giờ. Mỗi ngày tôi ra bán đĩa cho trung tâm, tối đến thì vào phòng thu, xong mang sản phẩm về cho chị nghe. Cứ như vậy mà suốt 2 năm trời, chị mới chọn ra hai bài là ‘Nỗi buồn hoa phượng’ và ‘Nối lại tình xưa’”, Phi Nhung cho biết.
“Tôi được chị cho đi chụp hình. Lúc trang điểm mặt tôi nhìn giống Tây quá, khác với tôi bình thường, từ miệng đến mắt đều nhìn không phải của tôi, lại mặc cái áo hở cổ sâu, đứng trước gương nhìn bản thân mà tôi bật khóc, không chụp được hình. Nhưng chị Trizzie bắt tôi phải chụp bằng được, thế là tôi cố chụp mà không biết trông mình như thế nào. Chụp xong, hình của tôi được cho vào album nhưng chỉ được để bên trong, bìa đĩa bên ngoài là hình cô Hương Lan với chị Mỹ Huyền”.
“Sau đó, tôi cầm CD đó đi bán” – Phi Nhung kể tiếp – “Tôi khôn lắm, khách vào mua là tôi cứ mở hai bài của mình lên, mở đi mở lại cả ngày, rồi bảo họ – Cô ơi cô, có ca sĩ mới hát hay lắm kìa, cô mua đi. Họ nghe xong hỏi lại ca sĩ đó tên gì. Tôi đáp ca sĩ đó tên là Phi Nhung, cô mua đi. Thế là họ bắt đầu mua đĩa mà không biết tôi là ai”.
Góp mặt vào làng nhạc hải ngoại đầu thập niên 1990, Phi Nhung nhanh chóng đem lại luồng gió mới. Trước đó, Hương Lan đã phủ bóng lớn ở thể loại dân ca – trữ tình, thành công trên cả lĩnh vực tân nhạc và cổ nhạc. Đến lượt Phi Nhung, khán giả dần chú ý đến chất giọng mộc, thiên về bản năng, không chú trọng phô trương kỹ thuật thanh nhạc. Chị chọn lối ngân luyến vừa đủ nhưng vẫn nghe da diết, giọng hát như có chứa nước mắt. Chị dần trở thành ca sĩ được săn đón của nhiều hãng đĩa, trung tâm Âm nhạc.
Năm 1999, MV “Lý con sáo Bạc Liêu” (Phan Ni Tấn) của chị được đầu tư 30.000 USD, lập tức tạo hiệu ứng khi ra mắt. Một năm sau, Phi Nhung trình làng MV “Phải lòng con gái Bến Tre” (Nhạc: Phan Ni Tấn, Thơ: Luân Hoán) với kinh phí 40.000 USD. Hình ảnh Phi Nhung trong tà áo dài xưa, tái hiện chuyện tình bên bến phà Rạch Miễu đi vào lòng nhiều thế hệ khán giả mê nhạc trữ tình – dân ca đầu thập niên 2000. Một giai đoạn, Phi Nhung được nhiều đồng nghiệp, khán giả xem là “Nữ hoàng băng đĩa” với hơn 100 Album solo – thuộc hàng kỷ lục của làng Nhạc hải ngoại.
Góc kín về cuộc đời
Trái ngược với sự sôi nổi trên sân khấu, Phi Nhung khá kín tiếng về đời tư. Chị chưa từng một lần chia sẻ về chuyện tình cảm trên truyền thông. Chỉ đến năm 2017, giọng ca “Bông điên điển” mới chính thức công khai con gái ruột có tên Wendy, sinh năm 1992, đỗ thủ khoa chuyên ngành y tá và hiện làm việc ở một bệnh viện tại Mỹ.
Tiết lộ về lý do giấu con trong gần 20 năm, Phi Nhung cho biết chị mong muốn Wendy có cuộc sống bình yên, trưởng thành không bị chú ý.
Còn về thông tin cha của con gái, Phi Nhung giữ kín. “Cha Wendy rất tốt, hiền giỏi, nhưng không có duyên”, ca sĩ hiếm hoi chia sẻ.
Một lần trả lời phỏng vấn, chị thừa nhận dù trải qua nhiều cuộc tình sâu đậm, chị chưa đủ tự tin để đảm nhận trọn vẹn vai trò người vợ. Chị dồn hết tình thương chăm sóc các con – gồm một con ruột và 23 đứa con nuôi, trong đó có nhiều trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Ca sĩ từng cho biết chọn sống độc thân để nuôi đàn con vì chị cũng là đứa không cha, không mẹ từ nhỏ.
“Đời tôi may mắn được những người tốt bụng cưu mang. Ông trời thương nên tôi được là một nghệ sĩ, sống trong sự yêu thương của khán giả. Khi nhận được quá nhiều thứ, tôi phải cho đi”, Phi Nhung từng nói.
Tháng 7/2021, Phi Nhung lựa chọn ở lại Việt Nam thay vì sang Mỹ đoàn tụ cùng con gái. Ngay trước khi nhiễm COVID-19, Phi Nhung rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ phòng chống dịch như đóng góp cho Quỹ Vaccine, kêu gọi mua máy thở, gửi gạo tới người nghèo, tham gia bếp ăn tình thương cho người vô gia cư…
Cho tới những giây phút cuối, Phi Nhung vẫn luôn khẳng định: “Hạnh phúc nhất là được làm từ thiện cho dù ai nói đánh bóng tên tuổi. Nên ai nói gì tôi cũng không quan tâm. Hiện tại bây giờ càng làm từ thiện càng bị oan ức, nhưng tôi lại thích. Sống ngay thẳng thì không có gì phải sợ. Nếu có cơ hội và có thật nhiều tiền, tôi vẫn làm tiếp tục. Mọi người ơi, cho dù không có tiền, thì làm từ thiện bằng sức lao động, nấu ăn với anh em nghệ sĩ cũng thấy hạnh phúc. Đây là sở thích của tôi từ nhỏ đến giờ, thích làm những gì mà mình thích”.
Sự ra đi của Phi Nhung để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng những khán giả yêu giọng hát của chị, những bạn bè thân thiết, đồng nghiệp và gia đình. Sau hành trình dài đã qua, chị vẫn mãi là ký ức đẹp trong lòng công chúng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị