Cuộc đời đáng tự hào của nữ cán bộ 65 năm tuổi Đảng

Bản lĩnh của nữ Đảng viên ưu tú

Trước khi nghỉ hưu, bà Liên công tác tại Trạm Y tế Nhà máy cơ khí Yên Viên. Bắt đầu từ vị trí y tá, rồi y sĩ, không ngừng phấn đấu, bà học nâng cao và trở thành bác sĩ, rồi được đoàn thể tin tưởng bầu giữ chức vụ trạm Trưởng trạm y tế, chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho một trong những cái nôi của ngành công nghiệp Việt Nam.

Cuộc đời đáng tự hào của nữ cán bộ 65 năm tuổi Đảng- Ảnh 2.Đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước, đến thăm, động viên nhân dịp đảng viên Nguyễn Thị Liên được Đảng, Nhà nước trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, năm 2023.

Bà Liên xuất thân từ gia đình trí thức thuộc dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Cụ thân sinh của bà có 6 người con (4 gái, 2 trai) trong đó bà Liên là con gái thứ hai. Cụ là người rất nghiêm khắc rèn dạy con kỹ lưỡng theo những giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Quan điểm giáo dục đó có ảnh hưởng lớn đến tính cách và sự nghiệp cuộc đời của bà Liên.

Bà bước vào sự nghiệp cách mạng với bằng cấp y tá. Những năm 1960 đế quốc leo thang đánh phá miền Bắc, các thế hệ cán bộ công nhân phải đi sơ tán nơi rừng thiêng nước độc. Chồng công tác xa, bà Liên một nách hai con vừa phải đảm đương công việc vừa nuôi dạy con, vừa học hành nâng cao trình độ bản thân. 

Cuộc đời đáng tự hào của nữ cán bộ 65 năm tuổi Đảng- Ảnh 3.

Đảng viên Nguyễn Thị Liên (SN 1936), nguyên Trạm trưởng Trạm Y tế Nhà máy Cơ khí Yên Viên.

Cuộc đời đáng tự hào của nữ cán bộ 65 năm tuổi Đảng- Ảnh 4.Đảng viên Nguyễn Thị Liên (hàng đầu tiên, người thứ 4 từ trái qua) tham gia hoạt động tại Đảng bộ xã Yên Viên.

Cuộc đời đáng tự hào của nữ cán bộ 65 năm tuổi Đảng- Ảnh 5.Đảng viên Nguyễn Thị Liên phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, năm 2010

Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình đang là chiến lược trọng tâm của quốc gia. Sẵn chuyên môn y tế, lại sở trường trong công tác dân vận, bà Liên đã đồng hành cùng chính quyền địa phương, Chi hội Phụ nữ đến từng nhà, vận động từng người dân thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Ngoài công tác đoàn thể, thời gian rảnh rỗi, bà thường kêu gọi chị em bạn hữu trong khu dân cư tham gia các phong trào thể thao như chơi bóng chuyền, tập khí công dưỡng sinh. “Bà Liên là người đa tài và nhiều đam mê. Với chiếc xe đạp cũ, bà cần mẫn theo các nhóm tập dưỡng sinh ở xã, huyện về hướng dẫn lại cho chị em trong khu. Bà tập rất khéo và nắm bắt rất nhanh các động tác mới”, bà Vũ Thị Sinh (73 tuổi), Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố Cơ khí Yên Viên kể.

Cuộc đời đáng tự hào của nữ cán bộ 65 năm tuổi Đảng- Ảnh 6.Đảng viên Nguyễn Thị Liên (hàng đầu, người thứ 3, từ trái sang) vận động chị em lối xóm tham gia phong trào tập dưỡng sinh, bảo vệ sức khỏe.

Ông Nguyễn Văn Kỷ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Viên – không khỏi bồi hồi khi nhắc đến nữ cán bộ cơ sở ấy. Hơn ai hết, ông Kỷ là cán bộ trưởng thành từ công tác Đoàn và có nhiều năm gắn bó với chính quyền xã Yên Viên. Nhắc tới bà Liên, ông Kỷ đánh giá: “Sự ổn định và phát triển của Đảng bộ chính quyền xã Yên Viên sẽ không thể đạt những thắng lợi nếu thiếu đi vai trò của những cán bộ dân vận như bà Liên. Họ là những nhân tố có sức ảnh hưởng lớn được dân tín nhiệm, cán bộ yêu quý và kính trọng”.

Ông Kỷ vẫn nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ đảm đang, nhiệt huyết với chiếc xe đạp cũ luôn có mặt đúng giờ trong các cuộc họp, tập huấn hay các sự kiện của xã. Lần nào lên xã họp bà cũng ghé qua phòng Chủ tịch ân cần hỏi thăm công việc, gia đình và động viên tinh thần để người cán bộ trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Cuộc đời đáng tự hào của nữ cán bộ 65 năm tuổi Đảng- Ảnh 7.

Ở tuổi 87, đảng viên Nguyễn Thị Liên (người ngồi) đón nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, năm 2023.

Đối nhân xử thế vẹn trọn “Nghĩa – Nhân”

Khi chúng tôi tiếp cận để hỏi chuyện về bà Liên, người chị, người bạn lớn đã khuất, bà Sinh cố nén giọt nước mắt lăn dài. Hai bà là hàng xóm thân thiết mấy chục năm nay, khi tối lửa tắt đèn, vui buồn đều san sẻ với nhau. Nhớ lại thời bao cấp khốn khó, cũng như bao người phụ nữ khác, hai bà đều vun vén cho gia đình bằng những đồng lương ít ỏi. 

Cuộc đời đáng tự hào của nữ cán bộ 65 năm tuổi Đảng- Ảnh 9.

Tổ dân phố Cơ khí Yên Viên

Bà Sinh ấn tượng nhất phẩm chất luôn nhận phần thiệt về mình ở bà Liên: “Hôm đó cơ quan được phân chia đàn gà cuối năm, con to con nhỏ lẫn lộn. Trong lúc mọi người chưa biết phân chia như nào, bà Liên đã nhanh ý chọn ngay con gà bé nhất cho mình. Đức tính nhường nhịn ấy được mọi người ghi nhớ và rất nể trọng”.

Doanh nhân Vũ Thành Long (SN 1967), người con cả của bà Liên kể, những năm bao cấp nhà nhà thiếu ăn, mẹ tôi cũng chật vật áo cơm như bao người. Thậm chí đến giờ bà vẫn nổi tiếng là người chắt chiu, tằn tiện, tiết kiệm. Nhưng dẫu khó khăn, hễ có đồ gì ngon, bà Liên đều nghĩ tới việc sẻ chia chia với đồng nghiệp, hàng xóm.

Chúng tôi ghé thăm mái ấm của kỹ sư Nguyễn Hữu Kế và bà Nguyễn Thị Nhẫn. Cuộc hôn nhân của họ là trái ngọt từ sự mối mai vun vén, thấu hiểu của người phụ nữ sâu sắc như bà Liên. Hơn 30 năm trước ông Kế là người đàn ông góa vợ nuôi 2 con nhỏ sống trong khu tập thể dưới sự đùm bọc giúp đỡ của bà con láng giềng. 

Bà Nhẫn công tác ở cơ quan khác, sống gần khu tập thể và chưa có gia đình. Cám cảnh gà trống nuôi con, nhận thấy ông Kế là người tốt bụng, chịu thương chịu khó và chung tình, bà Nhẫn hiền lành đôn hậu, bà Liên đã “vén tay” tác thành cho hai người. 

Bà Nhẫn về góp gạo thổi cơm chung cùng ông Kế, hai người không có con chung, nên cùng nhau chăm sóc dạy dỗ con riêng của ông Kế. May mắn các con ông trưởng thành, đã có gia đình riêng và ai cũng hiếu thuận với bố mẹ. Mặc dù tất bật lau dọn chăm sóc cho ông Kế rất vất vả nhưng khi tôi hỏi “Bây giờ cho làm lại cô có lấy chú Kế nữa không?”, bà Nhẫn không ngần ngại gật đầu: “Vẫn lấy! Tôi rất hạnh phúc với cuộc hôn nhân này, tôi biết ơn chị Liên đã vun vén tác thành cho tôi”.

Câu chuyện ngụ ngôn về “Thành thật và Thông minh”

Anh Minh Hiệp, người bạn học thuở thiếu thời của con trai cả bà Liên, đồng thời là hàng xóm sống chung khu tập thể với bà Liên cũng khẳng định: “Bà Liên nghiêm khắc và rèn dạy con thì không ai bằng. Dù bà không bao giờ chửi mắng, lúc nào cũng nhẹ nhàng, nhưng có uy lực khiến người khác nể sợ. Những năm trước giai đoạn đổi mới, chồng đi làm xa, con thì đang tuổi mải chơi và ngỗ nghịch, bà Liên kiên nhẫn sát sao với con không rời bước, kịp thời uốn nắn, kéo con về quỹ đạo đúng đắn”.

Anh Long nhớ lại: “Hồi đó tôi học cấp 2, có thông minh nhưng ham chơi và liều lĩnh. Một lần tôi phạm lỗi, mẹ gọi tôi ‘Long muốn nghe chuyện không để mẹ kể cho nghe nha!'”. Câu chuyện về Thành Thật và Thông Minh cùng đi ngao du trên một chiếc thuyền thì gặp nạn và được chiếc thuyền khác cứu giúp nhưng cơ hội chỉ dành cho 1 người. Thông Minh giành ngay cơ hội, đẩy Thành Thật xuống nước, Thành Thật bị sóng cuốn trôi dạt vào hoang đảo.

“Ở đó Thành Thật đã lần lượt thấy thuyền của Sung Sướng, Địa Vị, Cạnh Tranh đi qua nhưng tất cả đều từ chối cứu cậu. Vào lúc nguy nan và tuyệt vọng nhất thì chợt nghe thấy một âm thanh vừa đôn hậu vừa thân thiết: “Cậu bé! Hãy lên thuyền đi!”.

“Trên hành trình trở về nhà, ông lão Thời Gian chỉ vào những con thuyền từng chở Thông Minh, Sung Sướng, Địa Vị, Cạnh Tranh đã bị sóng đánh lật rồi trầm mặc nói: “Đã không còn Thành Thật, thì Thông Minh sẽ chỉ làm hại chính mình, Sung Sướng sẽ không được lâu dài, Địa Vị chỉ là thứ giả tạo và Cạnh Tranh cũng sẽ thất bại mà thôi!”, anh Long nhớ lại.

Hồi đó còn nhỏ, anh Long vẫn chưa thật hiểu sâu sắc câu chuyện mẹ kể. Mãi cho đến khi đầu hai thứ tóc, khi đã kinh qua những thăng trầm của cuộc đời, anh mới hiểu thấu thông điệp mà mẹ muốn truyền tải khi đó. Và bài học về sự “thành thật” cũng là phương châm sống của anh trong kinh doanh, trong cách đối nhân xử thế đối với các cán bộ, công, nhân viên trong doanh nghiệp của mình.

“Từ nay cháu là đồng chí của bà rồi!”

Tôi hỏi bà Sinh, người bạn gần gũi nhất với bà Liên: “Cô và hàng xóm láng giềng có biết nhiều về con cháu bà Liên không?”. Bà Sinh lắc đầu: “Chúng tôi chỉ biết so với chúng tôi chị ấy về hưu an nhàn hơn vì con cái phương trưởng tự lập, có thời gian để sống với đam mê nhiệt huyết của mình, giúp đỡ gần gũi người xung quanh”.

Bà Sinh khẳng định, các con trai con dâu bà Liên rất hiếu thuận, quan tâm chăm sóc mẹ chu đáo và bà Liên rất hài lòng về con cháu. Đặc biệt, khi cháu đích tôn (Vũ Thành Đạt, SN 1996) của bà được kết nạp Đảng, bà rất vui và mất ngủ cả đêm. Bà Liên vẫn hay nhắc đi nhắc lại: “Từ nay cháu là đồng chí của bà rồi!”.

Cuộc đời đáng tự hào của nữ cán bộ 65 năm tuổi Đảng- Ảnh 15.

Đảng viên Nguyễn Thị Liên tặng hoa, chúc mừng cháu trai (Vũ Thành Đạt, SN 1996), nhân ngày cháu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 2022.

Cuộc đời đáng tự hào của nữ cán bộ 65 năm tuổi Đảng- Ảnh 16.

Cháu trai, đảng viên Vũ Thành Đạt trong ngày bà nội, đảng viên Nguyễn Thị Liên đón nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng vào năm 2023.

Dù tuổi đã bước sang tuổi 87 nhưng bà vẫn luôn tự lập, lựa chọn tách biệt cuộc sống của mình khỏi các con cháu. Bà từ chối mọi sự xa xỉ tiện lợi, ngay cả việc thuê người dọn nhà cũng chỉ đến khi ốm mệt không kham nổi nữa bà mới chịu. “Bao năm chị em công tác, sinh hoạt vui chơi cùng nhau chả bao giờ thấy bà ấy diện bộ quần áo mới. Lúc nào cũng chỉn chu sạch sẽ nhưng giản dị lắm, toàn quần áo mặc lại từ các chị em gái cho”, bà Sinh xúc động nói.

Cho đến những ngày cuối đời tuổi cao bệnh trọng, mẹ tôi vẫn chủ động tài chính từ tiền tiết kiệm mà con cái chưa phải lo gì cả! Có mấy lạng cao vợ chồng tôi biếu cụ vẫn để nguyên. Chỉ khi mẹ tôi nằm xuống tôi mới được tự tay mặc cho mẹ tấm áo mới đầu tiên”.

“Ngoài ngôi nhà tập thể được phân nơi ông bà sống ổn định bao năm, thời trẻ mẹ tôi cũng tiết kiệm chắt chiu mua được một mảnh đất ở trung tâm xã. Lúc trước đó là nguồn thu nhập thêm thắt vào cuộc sống của hai ông bà. Còn giờ là món quà ông bà tặng lại cho anh em chúng tôi. Mẹ tôi luôn công bằng như vậy”, Doanh nhân Vũ Thành Long kể lại.

Hơn 20 năm trước, khi người con cả xin ra khỏi cơ quan nhà nước theo đuổi đam mê kinh doanh sản xuất, bà Liên buồn và giận lắm! Sau này sự nghiệp của con ổn định, lần nào gặp con, bà chỉ hỏi: “Con đã trả đủ lương cho công nhân chưa?”. Rồi bà căn dặn: “Thời buổi nhiễu nhương, con đừng ham lợi mà làm điều phi pháp nhé!”.

Với cuộc đời bà sôi nổi, nhiệt huyết bao nhiêu thì trong lòng, bà trầm tư, sâu lắng bấy nhiêu. Cả đến việc chuẩn bị cho chuyến đi xa vĩnh biệt mọi người bà cũng chuẩn bị chu đáo. Bà có một cuốn sổ nhỏ trong đó ghi lại những lời dặn dò con cháu, dạy đối nhân xử thế, dạy lẽ sống, dạy sự thuận hòa được bà chuyển hoá thành thơ cho dễ nhớ, dễ đọc.

Từng lời tri ân, cảm ơn dành cho mọi người trong giờ phút tiễn biệt cũng được bà soạn sẵn cho con. Bà không thể biết được trong tang lễ của bà có những lãnh đạo cấp quốc gia đến viếng bà, nhưng bà trân trọng tấm lòng của bà con lối xóm, chính quyền đoàn thể và đồng nghiệp, họ hàng thân quyến nên bà vẫn trọn vẹn đến từng chi tiết.

Cách đây không lâu, bà Liên, người phụ nữ can trường, người đảng viên ưu tú với 65 năm tuổi Đảng ấy đã giã biệt thế gian với một nụ cười. Nhưng tấm gương sáng ấy vẫn còn mãi ngát hương thơm với sự nghiệp cách mạng cao quý của Đảng, là một hình mẫu sống động về nhân cách con người, giáo dục con cháu trở thành những công dân yêu nước, đảng viên ưu tú.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích