Cuộc đổi chủ tại dự án Tháp đôi Prime Thái Nguyên

Tháng 7/2021, Công ty TNHH Prime Thái Nguyên đã chính thức triển khai thi công trở lại dự án Tổ hợp Nhà ở – Khách sạn – Trung tâm thương mại Thái Nguyên (hay còn có tên gọi khác là dự án Tháp đôi Prime Thái Nguyên).

Đây là dự án thương mại dịch vụ nằm ở một trong những vị trí đất vàng của TP. Thái Nguyên, với mặt tiền hướng ra đài phun nước trung tâm thành phố.

Phối cảnh dự án Prime Thái Nguyên
Phối cảnh dự án Prime Thái Nguyên

Theo tìm hiểu, dự án ban đầu có tên gọi là Trung tâm Xúc tiến thương mại Thái Nguyên, được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận đầu tư vào ngày 30/10/2007, chủ đầu tư là CTCP Prime Group.

Tổng diện tích đất của dự án là trên 6.000m2, trong đó tòa nhà dự kiến cao 17 tầng, trên 35.000m2 xây dựng, vốn đầu tư khoảng 213 tỷ đồng.

Giai đoạn đầu Prime Group triển khai đúng tiến độ, đã xây xong phần móng đế, tầng hầm của tòa nhà, nhưng do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên buộc phải tạm dừng dự án.

Đến tháng 10/2019, Công ty TNHH Prime Thái Nguyên được chấp thuận đầu tư dự án theo quyết định chủ trương đầu tư số 3244. Dự án sau đó đổi tên dự án thành dự án Tổ hợp Nhà ở – Khách sạn – Trung tâm thương mại Thái Nguyên (hay còn được biết đến là dự án Tháp đôi Prime Thái Nguyên).

Bên cạnh đó, diện tích sàn xây dựng dự án được tăng lên trên 59.000m2, gồm 2 tòa tháp (1 tháp 26 tầng và 1 tháp 17 tầng), tổng mức đầu tư trên 680 tỷ đồng.

Danh tính chủ dự án Tháp đôi Prime Thái Nguyên

Theo tìm hiểu, Prime Group hay Prime Thái Nguyên, trước khi về tay chủ mới, thuộc sở hữu của một nhóm các cổ đông liên quan tới doanh nhân Thái Phong Nhã.

Với Prim Thái Nguyên – chủ dự án tòa tháp đôi cùng tên, doanh nghiệp được thành lập vào năm 2006 với 2 cổ đông sáng lập là Thái Phong Nhã (99%), Nguyễn Thanh Xuân (1%). Đến đầu năm 2016, doanh nghiệp thay máu cơ cấu cổ đông với 3 cá nhân mới là Chu Phương Đông (83,33%), Chu Thái Hà (8,33%) và Nguyễn Thị Hồng Vân (8,33%).

Trong khi đó, trước thời điểm Prime Thái Nguyên đổi chủ, cơ cấu cổ đông Prime Group đã có sự dịch chuyển đáng chú ý từ năm 2013.

Cụ thể, các cổ đông người Việt là Thái Phong Nhã, Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Văn Nghĩa đã đồng loạt thoái hết vốn khỏi doanh nghiệp trong giai đoạn 2013 – 2016. Ở chiều ngược lại, bên mua vào là Công ty TNHH xi măng Siam (Thái Lan). Dữ liệu cho thấy Siam phải chi hơn 7,4 tỷ Bath, tương đương hơn 5.167 tỷ đồng để sở hữu 100% vốn Prime Group và 24 công ty thành viên.

Trở lại với chủ mới Prime Thái Nguyên, như đã đề cập, ông Chu Phương Đông là cổ đông lớn nhất nắm hơn 83% vốn doanh nghiệp. Ông cũng từng được báo giới đề cập (hồi năm 2014) là chủ một dinh thự “khủng” tại TP. Thái Nguyên.

Ngoài Prime Thái Nguyên, doanh nhân họ Chu cũng là Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc và cổ đông chi phối nắm 93,34% vốn tại CTCP Luyện kim đen Thái Nguyên (thành lập năm 2006) – đơn vị sở hữu nhiều nhà máy tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, như: Dây chuyền luyện gang 100.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất phôi thép công suất 165.000 tấn/năm; dự án mở rộng sản xuất (đầu tư dây chuyền sản xuất phôi thép) với số vốn đầu tư 370 tỷ đồng.

Hiện tại, Luyện Kim đen Thái Nguyên đang sở hữu một số mỏ sắt quy mô lớn cũng tại địa bàn huyện Đồng Hỷ như: Mỏ sắt Chỏm Vung Tây, Cây Thị (sản lượng khai thác 30.000 tấn/năm), Mỏ sắt Gần Đường, xã Nam Hoà (5.000 tấn/năm).

Ngoài ra, doanh nghiệp còn thực hiện thủ tục để đầu tư một số dự án mỏ, như: Làng Phan II; Tây Hàm Chim và dự án mỏ Đồng Hỷ (gồm các điểm: Chí Son, Cây Thị, Ao Nang, Cầu Đã, Bồ cu II. Vốn đầu tư dự kiến thực hiện các dự án mỏ này là khoảng 60 tỷ đồng.

Với việc sở hữu nhiều nhà máy, mỏ khai thác, không ngạc nhiên khi tổng tài sản Luyện Kim đen Thái Nguyên liên tục tăng trưởng giai đoạn 2016-2019.

Cụ thể, tài sản công ty tại ngày 31/12/2019 đạt 951,3 tỷ đồng, tăng 54,3% so với số đầu kỳ, tăng gấp 4 lần so với năm 2016. Cùng với đó, vốn chủ sở hữu công ty trong năm 2019 cũng tăng mạnh 78,5% lên 396,6 tỷ đồng.

Đi cùng với sự gia tăng của quy mô tài sản, doanh thu Luyện Kim đen Thái Nguyên cũng có xu hướng tăng. Riêng năm 2019, doanh thu công ty là 343,1 tỷ đồng, tăng 43,1% so với năm 2018 – đây là con số doanh thu cao nhất mà công ty của doanh nhân Chu Phương Đông đạt được trong giai đoạn 2016-2019.

Tuy nhiên, trừ đi giá vốn và các chi phí, lãi thuần công ty chỉ còn 3,5 tỷ đồng, giảm 32,6% so với năm 2018. Đây lại là mức lãi thấp nhất của Luyện Kim đen Thái Nguyên trong 4 năm tài chính gần nhất.

Trong khi đó, với Prime Thái Nguyên, do dự án tòa tháp đôi cùng tên đang trong quá trình triển khai, doanh nghiệp này không ghi nhận doanh thu/lãi thuần giai đoạn 2017-2019.

Trên bảng cân đối kế toán, tài sản/vốn chủ sở hữu Prime Thái Nguyên tại ngày 31/12/2019 là 145 tỷ đồng.

p

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích