Cuộc chuyển mình của ‘ông lớn’ ngành thép IPC Group
Theo tìm hiểu của VietTimes, ‘hệ sinh thái’ IPC Group của ông Phí Phong Hà bao gồm ít nhất 7 thành viên, được phân chia tương đối rõ ràng thành hai lĩnh vực chính, là chế tạo, gia công, chế biến, lắp dựng kết cấu thép và năng lượng tái tạo.
Trong đó, CTCP Tập đoàn IPC (IPC) là pháp nhân đóng vai trò hạt nhân, xây dựng vị thế vững chắc cho IPC Group ở lĩnh vực gia công, chế biến thép.
Thành lập từ năm 2000, IPC tiền thân là Công ty TNHH IPC, chuyên kinh doanh các loại thép nhập khẩu.
Sau một thời gian hoạt động thương mại, IPC bắt đầu xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc sản xuất kết cấu thép với nhà máy đầu tiên tại Hải Phòng có diện tích 39.168 m2, năng lực sản xuất đạt 24.000 tấn/năm. Đến năm 2018, IPC xây dựng nhà máy tiếp theo ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên với diện tích 47.376 m2, có năng lực sản xuất khoảng 20.000 tấn/năm.
Được biết, công ty này đã cung cấp kết cấu thép cho nhiều công trình, dự án lớn như: Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast, Nhà máy xi măng Tân Thắng, Nhà máy xi măng Xuân Thắng, Dự án nhiệt điện Nghi Sơn 2, Dự án nhiệt điện Long Phú, Dự án Vietinbank Tower.
IPC làm ăn ra sao?
Tính đến cuối năm 2020, quy mô tổng tài sản của IPC đạt mức 2.287,8 tỉ đồng, tăng 1,4 lần so với thời điểm cuối năm 2019.
Song, dữ liệu của VietTimes cũng cho thấy, khối tài sản của IPC được hình thành chủ yếu từ nguồn vốn nợ phải trả, lên tới 1.714,8 tỉ đồng (tại ngày 31/12/2020), cao gấp 3 lần so với quy mô vốn chủ sở hữu.
Đáng chú ý, phần lớn vốn chủ sở hữu của IPC được hình thành từ khoản lợi nhuận chưa phân phối, được tích tụ trong nhiều năm, lên tới 487,8 tỉ đồng. Trong khi đó, quy mô vốn góp của IPC rất khiêm tốn, chỉ ở mức 80 tỉ đồng, với cơ cấu cổ đông gồm 3 thể nhân, là các ông Phí Phong Hà (nắm giữ 55% VĐL), Lâm Quang Hiếu (15% VĐL), Nguyễn Hồng Kiên (15% VĐL) và Hoàng Hà (15% VĐL).
Cập nhật tới ngày 7/1/2021, IPC đã nâng vốn điều lệ lên mức 200 tỉ đồng. Ông Phí Phong Hà (SN 1974) là Chủ tịch HĐQT, còn ông Nguyễn Hồng Kiên (SN 1974) đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc.
Ông Phí Phong Hà còn đứng tên ở một số pháp nhân khác như: Công ty TNHH Thép IPC Sài Gòn, CTCP Kỹ thuật IPC, CTCP Xây dựng Kết cấu thép IPC, CTCP IPC Metal.
Cuộc chuyển mình của IPC Group
Dữ liệu của VietTimes thể hiện, doanh thu thuần của IPC trong năm 2020 đạt 4.156 tỉ đồng, giảm tới 15% so với thực hiện năm 2019.
Trong khi đó, tổng doanh thu của các thành viên thuộc IPC Group đã suy giảm 3 năm liên tiếp, từ mức 10.065 tỉ đồng năm 2018 xuống chỉ còn 7.882,5 tỉ đồng vào năm 2020.
Cùng khoảng thời gian này, các nhà sản xuất thép lớn được thị trường biết tới rộng rãi như Hoà Phát (Mã CK: HPG) hay Hoa Sen (Mã CK: HSG) liên tiếp ghi nhận những kết quả tích cực về doanh thu và lợi nhuận.
Điều đó cho thấy IPC (và nhóm IPC Group) của ông Phí Phong Hà chịu sức ép cạnh tranh không hề nhỏ trong ngành thép.
Song, vị doanh nhân sinh năm 1974 đã thể hiện sự nhạy bén trong kinh doanh với việc tạo dựng vị thế mới cho IPC Group trong lĩnh vực năng lượng tái tạo từ khá sớm, trong vai trò tổng thầu EPC.
Một số hợp đồng EPC đáng chú ý của IPC Group có thể kể tới như: Dự án Nhà máy điện mặt trời KN Vạn Ninh – Khánh Hòa (1.566,9 tỉ đồng); Cụm dự án Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1, Mỹ Sơn 2 – Ninh Thuận (2.300 tỉ đồng); Dự án điện gió Lạc Hoà II – Sóc Trăng (2.546,1 tỉ đồng); Dự án điện gió Hoà Đông II – Sóc Trăng (4.549,9 tỉ đồng).
Ngoài ra, tập đoàn cũng là nhà cung cấp tấm pin ủy quyền của Canadian Solar, Seraphim, Jinko… và còn là đối tác của một số hãng sản xuất biến tần lớn như Tmeic, Sungrow, Huawei, Fimer, Sma, Solis./.
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu