Cục Kiểm tra văn bản ‘tuýt còi’ yêu cầu đổi tên Trung tâm đào tạo lái xe
Ngày 21/2, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã ký Kết luận kiểm tra về Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT ngày 31/12/2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, cuối năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) có Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT gửi các địa phương, yêu cầu các cơ sở có tên gọi là Trung tâm dạy nghề và Trung tâm đào tạo lái xe ôtô đã được thành lập hợp pháp phải rà soát, thực hiện đổi tên. Trong đó, tên mới phải có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”.
Luật Dạy nghề năm 2006 có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2007, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015, theo đó, với nội dung hướng dẫn tại Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT như nêu trên, các cơ sở là Trung tâm dạy nghề và các Cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải thực hiện đổi tên bao gồm: các cơ sở được thành lập, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề theo Luật Dạy nghề năm 2006 (từ 1/6/2007 đến trước 1/7/2015) và các cơ sở được thành lập, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 (từ 1/7/2015 đến nay, trong trường hợp tên gọi các cơ sở này không có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”).
Ảnh minh họa. Ảnh: VGP |
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lý giải, việc thay đổi này dựa vào quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, cho phù hợp với quy định về giáo dục nghề nghiệp.
Sau khi công văn được ban hành, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đến Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhưng không nhận được “hồi âm”.
Sau khi nhận được các phản ánh, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra văn bản theo thẩm quyền. Viện dẫn các văn bản liên quan, trong đó có Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Nghị định số 143/2016/NĐ-CP, Cục Kiểm tra văn bản cho rằng, không có quy định về việc các cơ sở dạy nghề thành lập theo Luật Dạy nghề năm 2006 phải đổi tên nhằm bảo đảm trong tên gọi có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”.
Hơn nữa, cuối năm 2016, Thông tư của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới có hiệu lực, trong đó quy định về tên gọi “trung tâm giáo dục nghề nghiệp”. Do vậy, yêu cầu các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và Cơ sở đào tạo lái xe ôtô thành lập trước năm 2016 phải đổi tên là không có cơ sở pháp lý.
Việc buộc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp phải làm thủ tục, hồ sơ để đổi tên sẽ gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đào tạo. Ngoài ra, yêu cầu tất cả trung tâm dạy nghề đã được thành lập và hoạt động hợp pháp phải đổi tên gọi một cách thuần tuý sẽ dẫn đến thủ tục phiền hà, phát sinh nhiều chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ sở; trong khi ở góc độ quản lý nhà nước thì quan trọng nhất lại là yêu cầu các cơ sở này phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện thành lập, hoạt động mới theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
Cũng theo kết luận của Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thì Công văn nêu trên của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là văn bản hành chính, nhưng có nội dung mang tính quy phạm pháp luật là trái pháp luật, vi phạm hành vi bị nghiêm cấm.
Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương xử lý các nội dung trên và thông báo kết quả xử lý trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Kết luận này.
Theo thông tin do Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cung cấp tại buổi làm việc với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ngày 3/2/2023, hiện nay có tổng số có 384 cơ sở đào tạo lái xe ô tô đang hoạt động, trong đó có 242 trung tâm đào tạo lái xe (hoặc trung tâm đào tạo nghề lái xe); 142 cơ sở thuộc Trường Trung cấp nghề và Trường Cao đẳng nghề các loại.
Nguồn: Báo lao động thủ đô