Cục Hạ tầng kỹ thuật: 20 năm một chặng đường phát triển
(Xây dựng) – 20 năm qua, Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và khẳng định mình. Cục có nhiều thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng chính sách, thúc đẩy hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan ngành, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, hiệu quả, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Xây dựng ghi nhận.
Trách nhiệm nặng nề, vai trò quan trọng
Năm 2003, khi Luật Xây dựng được Quốc hội thông qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, từ đó Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký Quyết định số 691/QĐ-BXD ngày 19/5/2003 thành lập Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Nói về lý do thành lập Vụ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, người trực tiếp ký quyết định thành lập chia sẻ: “Thời điểm đó, Bộ chưa có cơ quan quản lý về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, do đó các văn bản, quy định về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật như cấp thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng… rất hạn chế, bởi vậy rất cần có 1 đơn vị là đầu mối để tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong công tác quản lý, điều hành, xây dựng chính sách để phù hợp với sự phát triển của kinh tế đất nước, mà trước hết là tại các đô thị, do đó rất cần thiết phải thành lập Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị. Vai trò của Vụ rất quan trọng, trách nhiệm rất nặng nề”.
5 năm sau, cụ thể hóa Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hà̀nh Quyết định số 460/QĐ-BXD ngày 02/4/2008 về việc thành lập Cục Hạ tầng kỹ thuật thay thế Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị. Mục tiêu để làm rõ hơn vai trò, vị trí, nhiệm vụ và phù hợp với yêu cầu quản lý phát triển trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật.
Đến ngày 01/12/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1155/QĐ-BXD quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, Cục gồm 6 đơn vị: Văn phòng; Phòng Quản lý cấp nước; Phòng Quản lý thoát nước và xử lý nước thải; Phòng Quản lý cây xanh, công viên, nghĩa trang; Phòng Quản lý giao thông, chiếu sáng, không gian ngầm đô thị; Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Hiện nay, Cục được Bộ trưởng giao nhiệm vụ tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật đối với lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: Cấp nước đô thị và khu công nghiệp; thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung và khu công nghiệp; quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn; công viên, cây xanh đô thị; chiếu sáng đô thị; nghĩa trang (trừ nghĩa trang liệt six) và cơ sở hỏa táng; kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; quản lý xây dựng ngầm đô thị; quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
20 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Cục đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; góp phần đẩy mạnh liên kết vùng, khu vực và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; hạ tầng các đô thị lớn được quy hoạch bài bản; xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu đồng bộ, hiện đại…
Kể từ khi thành lập đến nay, Cục đã xây dựng, tham mưu cho lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định; xây dựng trình Bộ trưởng ban hành gần 10 Thông tư, tham mưu lãnh đạo Bộ lập, thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt 13 đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật liên vùng và 7 đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, Cục còn được Bộ Xây dựng giao là đơn vị đầu mối của Bộ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt – Trung, Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia…
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Cục Hạ tầng kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá: “Trong suốt 20 năm hình thành và phát triển, Cục Hạ tầng kỹ thuật luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Bộ Xây dựng giao, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong 9 lĩnh vực mà Cục quản lý. Tôi tin tưởng tới đây, Cục Hạ tầng kỹ thuật tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp này, vượt khó vươn lên để hoàn thành mọi nhiệm vụ lãnh đạo Bộ giao”.
Chắp bút xây dựng nhiều Luật
Năm 2023, lãnh đạo, nhân viên Cục Hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật cụ thể như:
Đối với Luật Cấp, thoát nước, Cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ hoàn thiện Hồ sơ đề nghị theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ tại Tờ trình số 53/TTr-BXD ngày 02/11/2023. Ngày 01/12/2023, Chính phủ đã có Nghị quyết (số 203/NQ-CP) phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2023, Chính phủ đánh giá cao Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan lập Hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Cấp, thoát nước. Chính phủ cũng cơ bản nhất trí với 3 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước do Bộ Xây dựng trình.
Đối với Luật Quản lý phát triển đô thị, Cục phối hợp với Cục Phát triển đô thị hoàn thiện 2 Chương trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật này, trình Bộ Tư pháp thẩm định. Dự kiến sẽ trình Chính phủ thống nhất thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12/2023.
Đối với Luật Quy hoạch Đô thị – Nông thôn sửa đổi, Cục bám sát các nội dung dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị – Nông thôn và đồng hành với Vụ Quy hoạch Kiến trúc để triển khai thực hiện xây dựng Luật đảm bảo các chính sách về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật trong Luật sửa đổi được thống nhất và thông suốt trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Cục Hạ tầng kỹ thuật còn phối hợp với các Cục, Vụ khác tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc ban hành, sửa đổi nhiều thông tư, nghị định quan trọng khác.
Phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới
Kế thừa và phát huy thành tựu đạt được thời gian qua, Cục Hạ tầng kỹ thuật xác định một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như xây dựng và ban hành luật về lĩnh vực cấp, thoát nước, không gian ngầm đô thị, hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn.
Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm tại các đô thị lớn, tập trung lĩnh vực giao thông đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đô thị. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, đặc biệt đối với các tuyến đường sắt đô thị.
Triển khai hiệu quả các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đến năm 2030. Tăng cường công tác kiểm soát, quản lý xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch. Khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng và phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh, tiêu thụ năng lượng xanh tại đô thị. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đẩy mạnh quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, nhất là công tác quy hoạch không gian ngầm ở các thành phố trực thuộc Trung ương.
Thúc đẩy việc nghiên cứu, áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến trong quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật; Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Nâng cao hiệu quả hợp tác theo Biên bản ghi nhớ và kế hoạch đã ký kết; Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý hạ tầng kỹ thuật ở các cấp thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài.
Từ sự nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, chủ động của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong suốt 20 năm qua, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2017); hai lần nhận Bằng khen của Thủ tướng (năm 2008 và 2013); hai lần nhận Bằng khen Tập thể Lao động xuất sắc của Bộ Xây dựng (năm 2014 và 2015).
Nguồn: Báo xây dựng