Cục đường sắt đề xuất hơn 420 tỷ đồng để sửa chữa cầu Long Biên và cầu Phú Lương
Cục đường sắt đề xuất hơn 420 tỷ đồng để sửa chữa cầu Long Biên và cầu Phú Lương
Cục Đường sắt Việt Nam -Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất cấp 425 tỷ đồng để sửa chữa hai cầu đường sắt Long Biên và Phú Lương do đã xuống cấp nghiêm trọng.
Cục Đường sắt Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về các giải pháp khắc phục các điểm xung yếu xuống cấp. Trong báo cáo, Cục này đề xuất lập dự án cải tạo, sửa chữa cầu Long Biên (tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng) và cầu Phú Lương (tuyến đường sắt Gia Lâm – Hải Phòng).
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, cầu Long Biên đã qua khai thác hơn 120 năm và hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được cải tạo sửa chữa để đảm bảo an toàn chạy tàu.
Năm 2014, Thủ tướng giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư dự án khôi phục cầu Long Biên. Giai đoạn 1 của dự án là gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025, với tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng.
Năm 2023, công trình đã được kiểm định đánh giá tình trạng kết cấu, trong đó một số kết cấu không đảm bảo điều kiện ổn định.
Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị cần đánh giá hiện trạng kỹ lưỡng và xem xét khả năng đầu tư dài hạn để đảm bảo an toàn khai thác với nguồn vốn đầu tư phát triển trước khi tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội triển khai và khi chưa triển khai tuyến đường sắt vành đai phía Đông. Đề xuất bao gồm thay mới và gia cố hệ dàn chủ, hệ dầm mặt cầu, hệ liên kết dọc dưới đối với hệ dầm Pháp; chống gỉ cho mặt trên mạ thượng, vị trí tiếp giáp đáy tà vẹt trên nhịp T66 đối.
Cầu Long Biên sẽ được thay thế một số bộ phận kết cấu chống đỡ và thân trụ phụ bằng thép đã bị gỉ; gia cố, sửa chữa và chống gỉ kết cấu hệ cọc thép tại các trụ phụ trên cầu.
Với cầu Phú Lương Km 59+800 tuyến đường sắt Gia Lâm – Hải Phòng, được xây dựng từ năm 1973; là cầu thép bắc ngang qua sông Thái Bình, thuộc địa phận tỉnh Hải Dương. Cầu thiết kế đường sắt chạy giữa và hai đường bộ hành hai bên.
Sau thời gian dài sử dụng, nhiều vị trí kết cấu thép của cầu bị rỉ mọt, xuống cấp, ảnh hưởng đến tính chịu lực của kết cấu công trình. Các vị trí liên kết giữa dầm dọc với dầm ngang bằng liên kết ri vê, bu lông bị rỉ mọt, lỏng lẻo; Dầm dọc, dầm ngang và hệ thống giàn bị rỉ, thủng nhiều vị trí. Tại vị trí liên kết thanh đứng cụt với dầm ngang bị rỉ, thủng, dẫn đến xê dịch so với vị trí ban đầu 50mm. Vì vậy, theo Cục Đường sắt VN, cần sớm có phương án cải tạo sửa chữa bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn.
Tổng mức đầu tư hai dự án dự kiến 425 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2031.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị