Cục Đăng kiểm: Không phải tất cả xe máy phải kiểm định khí thải từ 1/1/2025
Trước đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024. Trong luật này quy định xe máy phải kiểm định khí thải tại các trung tâm đăng kiểm từ đầu năm 2025.
Việc kiểm định khí thải xe máy sẽ do đăng kiểm viên tại các trung tâm đăng kiểm thực hiện. Xe máy đạt kiểm định khí thải cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận tương tự như ô tô.
Thông tin kiểm định khí thải bắt buộc với xe máy gây được sự chú ý trong xã hội, nhất là khi xe máy là phương tiện phổ biến tại Việt Nam (72,8% người Việt sử dụng).
Tuy nhiên theo Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nhưng không có nghĩa là tất cả xe máy sẽ phải kiểm định khí thải ngay từ ngày này.
Việc kiểm định khí thải sẽ được thực hiện theo lộ trình do Chính phủ ban hành. Lộ trình này do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng và trình Chính phủ.
Khí thải xe máy gây ra nhiều mối đe dọa cho sức khỏe và môi trường. Ảnh minh họa
Theo ông Nguyễn Tô An, Chính phủ sẽ ấn định lộ trình, thời điểm, tiêu chuẩn áp dụng, cách thức triển khai và nhóm xe máy cụ thể phải kiểm định khí thải. Đơn cử, xe máy mới có thể không phải kiểm định khí thải trong 2-3 năm đầu.
Trước lo ngại về việc phát sinh quy trình, thủ tục, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết việc kiểm định khí thải của xe máy rất đơn giản và nhanh chóng, chỉ mất vài phút, nên không gây nhiều xáo trộn cho người dân và xã hội. Chỉ có xe kiểm định không đạt mới cần bảo dưỡng, sửa chữa lại để đạt yêu cầu.
Ô nhiễm khí thải xe máy đang là mối đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe và phát triển kinh tế của các đô thị lớn. Các loại khí độc hại có trong khí thải xe máy thường là CO, NOx, HC…những chất này về lâu dài gây ra các bệnh nguy hiểm như tim mạch, hô hấp, vô sinh, ung thư. Tại 5 thành phố lớn nhất của Việt Nam ước tính thiệt hại kinh tế do khí thải xe máy từ 0,5 tới 0,6% GDP.
Hàng năm, Việt Nam các phương tiện giao thông đã thải ra 6 triệu tấn CO2, 61 nghìn tấn CO, 35 nghìn tấn NO2, 12 nghìn tấn SO2 và hơn 22 nghìn tấn CmHn. Nồng độ các chất có hại trong không khí ở các đô thị lớn vượt quá mức cho phép nhiều lần, riêng SO2 cao gấp 2-3 lần.
Quy chuẩn khí thải và tiếng ồn của xe máy chuyên dùng
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 13:2023/BGTVT về Chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng được ban hành kèm theo Thông tư 45/2023/TT-BGTVT (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024).
Quy chuẩn quy định đối với xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng thì khí thải có độ khói tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng sử dụng động cơ cháy do nén là 60%HSU.
Đối với xe máy chuyên dùng sử dụng động cơ cháy cưỡng bức thì thành phần CO tối đa cho phép là 3,5 % thể tích. Thành phần HC tối đa cho phép: Đối với động cơ 4 kỳ là 800 phần triệu thể tích-ppm; đối với động cơ 2 kỳ là 7800 phần triệu thể tích-ppm. Phương pháp đo theo TCVN 6438 Phương tiện giao thông đường bộ – Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải.
Mức ồn tối đa cho phép phát ra khi đỗ là 110 dB(A) với phương pháp đo theo TCVN 7880 Phương tiện giao thông đường bộ – Tiếng ồn phát ra từ ô tô – Yêu cầu và phương pháp thử trong phê duyệt kiểu.
An Dương (T/h)