Cuba thử nghiệm thành công nhà máy điện sinh học đầu tiên
Cuba thử nghiệm thành công nhà máy điện sinh học đầu tiên
Nhà máy điện sinh học của Cuba có vốn đầu tư hơn 300 triệu USD, được xây dựng bằng cách liên kết một nhà máy đường và một nhà máy phát điện sử dụng nguyên liệu sinh khối từ bã mía và cây marabú.
Ngày 19/12, truyền thông Cuba loan tin nước này đã thử nghiệm đồng bộ hóa thành công nhà máy điện sinh học đầu tiên với nhà máy đường Ciro Redondo, ở tỉnh miền Trung Ciego de Ávila.
Theo báo Granma, sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng của đất nước, khi tạo nên mối liên kết giữa một nhà máy đường và một nhà máy phát điện sử dụng nguyên liệu sinh khối từ bã mía và cây marabú, một loại cây bụi gai rễ chùm có khả năng sinh trưởng và phát tán mạnh trong nhiều địa hình, chịu được nhiều loại điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Khoản đầu tư xây dựng và hiện đại hóa nhà máy vượt 300 triệu USD, phù hợp với chính sách của nhà nước về tăng sản lượng đường và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Mặc dù được thiết kế với công suất 60 megawatt, nhà máy điện sinh học này sẽ chỉ đóng góp khoảng 45 megawatt vào lưới điện quốc gia bởi phần còn lại sẽ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu của chính nhà máy trong thời gian thu hoạch. Dự kiến nhà máy sẽ sử dụng 70% nguyên liệu sinh khối từ bã mía và 30% từ cây marabú.
Các chuyên gia tính toán rằng khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định sẽ tiết kiệm được 100.000 tấn dầu mỗi năm, đồng thời giảm phát thải 300 tấn carbon dioxide vào khí quyển./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị