Cửa ngõ cho Thủ đô “cất cánh”

Kể từ khi mở rộng địa giới hành chính, tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, sau thời kỳ phát triển “nóng”, Thành phố phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, nhất là tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học, dẫn đến nhiều thách thức trong quy hoạch, giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường…

Xây dựng một Thành phố thông minh nhằm đáp ứng các yêu cầu quản trị của chính quyền và đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân, tạo ra những giá trị nhân văn cho cuộc sống cộng đồng là yêu cầu cấp thiết và là mục tiêu hướng tới của Thủ đô. Từ cơ sở này, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn và vị trí địa chiến lược của Thủ đô cho sự phát triển toàn diện, bền vững của địa phương, làm cơ sở cho việc quản lý và đầu tư phát triển Thủ đô Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức lập Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” và đã được Hội đồng nhân dân Thành phố biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ XIV.

Cửa ngõ cho Thủ đô “cất cánh”
Định hướng phát triển không gian toàn đô thị Hà Nội trong điều chỉnh quy hoạch chung.

Trong các điểm mới, đáng chú ý có đề xuất mô hình “Thành phố trong Thủ đô” nhằm tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho các “cửa ngõ” của Hà Nội gồm: Hòa Lạc, Xuân Mai (khu vực phía Tây); Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (khu vực phía Bắc) và có thể cả Phú Xuyên, Ứng Hòa (khu vực phía Nam)… nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logistics; thương mại quốc tế; tài chính… hình thành các trung tâm phát triển mới của Thủ đô.

Dẫn chứng về một số thành công nổi bật của một số thành phố trên thế giới như: Thành phố thông minh Seoul (Hàn Quốc), thành phố Medellin (Colombia) hay Dương Châu (Trung Quốc)… để lấy những bài học kinh nghiệm bổ ích cho quy hoạch phát triển Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang – nguyên Giám đốc Chương trình Định cư con người của Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho rằng, việc củng cố các thành phố nhỏ và trung gian sẽ không chỉ tạo dòng chảy và mối liên kết mạnh mẽ giữa thành thị và nông thôn mà còn tăng cường khả năng tiếp cận của người dân nông thôn và ven đô với các dịch vụ cơ bản đô thị bền vững như: Nước sạch, vệ sinh, cơ sở y tế, dịch vụ tài chính, giao thông, năng lượng và thực phẩm để có thể thu hút dân cư và đô thị hóa bền vững.

Sự gắn kết của các thị trấn và thành phố trung gian thành một thể liên tục đa trung tâm đòi sự phát triển đầu tư cân bằng, quy hoạch tổng hợp vùng và lãnh thổ, các hành lang và cụm phát triển, cũng như các liên kết và trao đổi liên vùng ở nhiều cấp độ. “Bài học kinh nghiệm phát triển vùng Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc ở Trung Quốc rất đáng chú ý và học hỏi khi tích hợp sự can thiệp của Nhà nước với sự điều tiết của thị trường. Sự hợp tác xuyên ranh giới lãnh thổ với sự thúc đẩy của chính quyền Trung ương bảo đảm hợp tác khu vực lâu dài, ổn định những hành động trong tương lai. Bằng cách kết hợp từ trên xuống lập kế hoạch và hợp tác theo chiều ngang”, Tiến sĩ Nguyễn Quang nhấn mạnh.

Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm, gồm: Đô thị trung tâm (Đô thị phía nam sông Hồng; Đô thị Long Biên, Gia Lâm); Thành phố phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Thành phố phía Tây (Đô thị vệ tinh Hòa Lạc, thị trấn Xuân Mai), các Đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên; Thị trấn sinh thái và thị trấn.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tuấn Nghĩa – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong tương lai, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các đô thị hiển nhiên sẽ là các đô thị thông minh. Diện mạo cũng như cấu trúc tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội đô thị tất yếu mang hình thái là những hệ sinh thái đô thị thông minh hơn và bản sắc hơn. Do đó, dù với tầm nhìn 30 năm hay dài hơn nữa, việc kiến tạo nền tảng và nhất quán thực hiện phát triển theo hướng đô thị thông minh ngay từ hôm nay không chỉ là nguyên tắc mà còn là “mệnh lệnh” cho các Thành phố, trong đó có Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến của cả nước…

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhiều thành phố cũng trải qua các quá trình phát triển lộn xộn và tự phát như Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều thành phố đã vươn mình (như Seoul, Singapore, Medellin, Thượng Hải, Dương Châu, Cairo…) bằng những chiến lược tái cấu trúc táo bạo, gắn kết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội và môi trường. Chìa khóa cho sự thay đổi đó nằm ở những hành lang phát triển kết nối sáng tạo những thành tố rời rạc và tự phát. Kết nối, sử dụng đất đa chức năng, phát triển các không gian đô thị sáng tạo, thông minh cho nhu cầu sống, dịch vụ, vui chơi giải trí và làm việc, bảo tồn và tái phát triển đô thị, khai thác cảnh quan các con sông, nâng cấp các khu ở, liên kết đô thị, nông thôn và vùng, khai thác nguồn lực tài nguyên, sinh thái và xã hội… là những giải pháp chiến lược ưu tiên. Tiềm năng phát triển những không gian sáng tạo và chuyển đối số cho hội nhập toàn cầu đã hiện hữu trong những hoạt động phát triển ở Thủ đô.

Anh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích