“Của để dành” cho người lao động

Trong năm 2023, một trong những câu chuyện được đưa ra bàn thảo, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận đó là sửa đổi Luật BHXH bởi những thay đổi của chính sách có tác động rất lớn và liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của hàng chục triệu người lao động (NLĐ) đang làm việc, đã nghỉ hưu, nghỉ chế độ, người sử dụng lao động… và đặc biệt là an sinh xã hội của đất nước.

Trên cơ sở các chính sách được Quốc hội thông qua, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn, bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; về quy định hưởng BHXH 1 lần; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; về căn cứ đóng BHXH bắt buộc; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực Nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; về chi phí quản lý BHXH.

“Của để dành” cho người lao động
Tham gia vào quan hệ lao động, phần lớn NLĐ đều mong sau này có chế độ lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già. (Ảnh: B.D)

Nhận định về dự thảo Luật BHXH sửa đổi, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật lần này đã thể chế hóa mạnh mẽ nội dung, yêu cầu cải cách chính sách BHXH theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và bảo đảm quyền an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp.

“Trong các chính sách sửa đổi của dự thảo Luật lần này, tôi quan tâm nhất tới 2 chính sách: BHXH một lần và giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm theo quy định hiện hành xuống còn 15 năm”, ông Quảng chia sẻ.

Ông Quảng phân tích, trong các chế độ của BHXH, chế độ hưu trí là chính sách tốt nhất, bền vững nhất, bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ. Tại Dự thảo Luật lần này, Ban soạn thảo đã sửa đổi theo hướng quy định NLĐ khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng. Như vậy, chính sách hướng tới đảm bảo điều kiện tốt cho quyền lợi của NLĐ, nhất là NLĐ tham gia vào quan hệ lao động muộn.

Qua tham khảo đa số ý kiến của NLĐ, họ đều đồng tình với quy định này. Việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu không chỉ tạo thuận lợi cho NLĐ, mà còn góp phần làm giảm tình trạng rút BHXH một lần, bởi nhiều người khi biết sẽ được hưởng lương hưu, biết đến chế độ hưu trí bền vững, chắc chắn sẽ ở lại với hệ thống BHXH.

“Ai cũng biết chế độ hưu trí là “của để dành” quý giá dành cho NLĐ khi về già. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút và “giữ chân” NLĐ trong hệ thống BHXH là hết sức quan trọng”, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.

Nhưng trong những năm gần đây, tình trạng rút BHXH một lần tăng cao. NLĐ rời khỏi hệ thống BHXH ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi trước mắt và lâu dài của họ, và tác động tới chính sách an sinh xã hội của đất nước. Những người rút BHXH một lần đồng nghĩa họ không được hưởng chế độ hưu trí. Khi tuổi đời còn trẻ, khỏe thì rút BHXH một lần, về già NLĐ không có lương hưu, sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của họ cũng như chính sách an sinh xã hội mà Đảng và Nhà đang thực hiện. Do đó, điểm mấu chốt là cần giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần.

Bày tỏ đồng thuận cao với phương án rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm nhằm tạo thuận lợi cho NLĐ, giúp mở rộng đối tượng hưởng lương hưu cũng như giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần, ông Võ Mạnh Sơn – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Thực tế cho thấy, vì lý do nào đó, NLĐ không có cơ hội tham gia BHXH khi còn trẻ tuổi, đến độ tuổi trung niên (40 – 45 tuổi) mới tham gia BHXH. Do đó, nếu giữ nguyên quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu là 20 năm mới được hưởng lương hưu, thì những đối tượng này sẽ rất thiệt thòi. Ngoài ra, với những NLĐ không đóng BHXH liên tục, thì việc giảm thời gian tối thiểu sẽ giúp nhiều người đủ số năm tham gia và được hưởng lợi hơn.

“Hiện còn những ý kiến lo ngại về việc nếu giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH thì lương hưu của NLĐ sẽ rất thấp, khó đảm bảo cuộc sống. Song, tôi cho rằng, dù mức lương hưu có thấp, thì chế độ hưu trí vẫn đảm bảo đời sống cho NLĐ hơn là khi không có chế độ an sinh của Nhà nước; đó là chưa kể đến việc NLĐ còn được hưởng nhiều quyền lợi an sinh khác”, ông Võ Mạnh Sơn nêu quan điểm.

Bảo Duy

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích