Cử tri kiến nghị về bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải điều trị ngoài giờ hành chính
Tồn tại một số cơ sở vi phạm
Ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội về đề nghị có chính sách hỗ trợ để tăng lượng thuốc có giá trị cao hơn cho bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, cơ quan này đã ban hành các Thông tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, mua sắm và cung ứng thuốc. Trong đó, Thông tư số 05/2024/TT-BYT quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá, giúp tối ưu hóa chi phí và đảm bảo chất lượng thuốc; hướng dẫn triển khai đàm phán giá với một số loại thuốc có giá trị cao để đưa vào danh mục thuốc được BHYT chi trả.
Người dân chờ khám bệnh tại Bệnh viện K – cơ sở Tân Triều. |
Thời gian tới, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung Thông tư ban hành danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả, nhằm mở rộng phạm vi và đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh.
Về kiến nghị tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, các cơ sở kinh doanh thuốc đã phát triển thành một hệ thống cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế và người bệnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu về thuốc phòng bệnh và chữa bệnh trên toàn quốc, đặc biệt trong các tỉnh huống thiên tai và dịch bệnh.
“Đa số các cơ sở kinh doanh dược phẩm tuân thủ đầy đủ các quy định chuyên môn theo các văn bản pháp luật về dược.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số cơ sở vi phạm các quy định như sản xuất thuốc không đạt chất lượng, kinh doanh ngoài phạm vi cho phép, bán thuốc cho khách hàng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc. Những vi phạm này không chỉ ảnh hưởng xấu đến thị trường kinh doanh thuốc mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dân”, theo Bộ Y tế.
Hiện nay, hoạt động kinh doanh thuốc đang chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ sở kinh doanh. Vì vậy, việc tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm đóng vai trò quan trọng trong quản lý Nhà nước về dược.
Trong năm 2023, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã kiểm tra tại 60 cơ sở kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và các cơ quan quản lý về dược. Tuy nhiên, do hạn chế về nhân lực, việc kiểm tra toàn diện trên toàn quốc vẫn gặp khó khăn…
Bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị ngoài giờ hành chính
Cử tri thành phố Hà Nội cũng kiến nghị tình trạng bệnh viện tuyến đầu quá tải, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị ngoài giờ hành chính, làm ảnh hưởng đến người bệnh. Cử tri đề nghị quan tâm công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật với ngành y tế, nhằm khắc phục bất cập nêu trên.
Trả lời nội dung này, Bộ Y tế cho biết để từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện, đặc biệt ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản và thực hiện một số Đề án như: Bệnh viện “vệ tinh” giúp các kíp chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện hạt nhân tới các bệnh viện vệ tinh tuyến dưới.
Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giai đoạn 2018 – 2020.
Bộ Y tế cũng tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 – 2025 với mục tiêu nâng cao chất lượng chuyên môn tại y tế xã, phường tạo tiền đề cho việc tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế theo 3 cấp chuyên môn.
Đồng thời xây dựng, cải tạo và mở rộng được nhiều khoa, phòng, bệnh viện, từng bước giảm quá tải tại các chuyên khoa trọng điểm và các chuyên khoa khác nói chung.
Đến nay, số bệnh viện trên toàn quốc đã tăng hơn 16% từ 1.415 bệnh viện vào năm 2014 lên 1.643 bệnh viện tính đến năm 2023. Tổng số giường bệnh thực kê năm 2022 là 409.244 giường bệnh tăng hơn 41% so với năm 2014 là 288.496.
Với nhiều giải pháp đã và đang được triển khai, Bộ Y tế cho biết, cơ bản khắc phục được tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương, tuy nhiên còn tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố.
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục các giải pháp đồng bộ, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện Đề án Bệnh viện “vệ tinh” giai đoạn đến năm 2030 với mục tiêu khắc phục triệt để quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương, đặc biệt với các chuyên khoa còn quá tải trong năm và các thời điểm. Đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường, thực hiện các giải pháp và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến tỉnh…
Nguồn: Báo lao động thủ đô