Cứ mưa là ngập – Bình Dương có giải pháp gì?

(Xây dựng) – Thời gian gần đây, trên địa bàn Bình Dương thường xảy ra ngập úng cục bộ ở nhiều khu vực mỗi khi trời mưa, nhất là ở các tuyến đường giao thông huyết mạch như Quốc lộ 13, ĐT 743… Nguyên nhân thì có nhiều, xong việc triển khai các dự án thoát nước đô thị thường chậm cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập càng ngập hơn.

cu mua la ngap binh duong co giai phap gi
Ngập trên địa bàn thành phố Thuận An – Bình Dương.

Thực trạng ngập úng đô thị

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Bình Dương, năm 2021, các điểm ngập trên địa bàn tỉnh đã được lên chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng tạo thuận lợi trong việc ưu tiên, phân bổ nguồn vốn để giải quyết tình trạng ngập nước. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số điểm ngập nước do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn trong nguồn vốn ảnh hưởng tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm phục vụ tiêu thoát nước cho cả khu vực làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống ngập nước như hiện nay. Tính đến tháng 12/2021, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 58 điểm ngập cần xử lý.

Các khu vực thành phố Thuận An, Dĩ An, Bến Cát vẫn còn nhiều điểm ngập, một số địa phương đã có tình trạng phát sinh thêm điểm ngập (thị xã Bến Cát phát sinh 9 điểm ngập; Dĩ An, Thuận An, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng phát sinh 01 điếm ngập) và chậm triển khai giải pháp giải quyết điểm ngập (Thủ Dầu Một, Thuận An, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng).

Tại các tuyến đường giao thông, hệ thống thoát nước trước đây hầu hết chỉ phục vụ cho thu nước mặt, không phù hợp tiêu thoát nước lưu vực, hiện đang bị quá tải, xuống cấp và không đảm bảo khả năng thoát nước như: Quốc lộ 13, ĐT 741, Quốc lộ 1K, ĐT 744, ĐT 748…

Chính vì vậy, chiều ngày 16/4 và ngày 5/5 mưa lớn xảy ra trên địa bàn gây ngập úng sâu, nhất là các tuyến đường giao thông nhiều phương tiện chết máy phải đẩy bộ, một số vị trí còn có rác từ các điểm tập kết trôi vào dòng nước gây mất vệ sinh. Cụ thể như tuyến đường C1, D1, X1, đường Lê Thị Trung, phường An Phú, thành phố Thuận An; đường Lê Hồng Phong, phường Dĩ An… tình trạng ngập càng nghiêm trọng hơn khi nước mưa từ trong các khu dân cư đổ ra kết hợp với nước dồn ứ mặt đường đã gây ngập kéo dài, nhiều thời điểm giao thông qua khu vực tê liệt do xe chết máy và ùn tắc giờ cao điểm.

Ông Nguyễn Văn Dũng (phường Lái Thiêu, Thuận An) cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ mưa lớn khoảng 1 tiếng là ngập từ các hẻm ra tới Quốc lộ. Ở các điểm ngập này, nguyên nhân chính được xác định do hệ thống thoát nước chủ yếu tiếp nhận nước mặt đường, trong khi hệ thống thoát nước ở các khu dân cư xây dựng chưa đồng bộ, khi mưa lớn sẽ chảy hết về tuyến Quốc lộ 13 gây ngập sâu cục bộ. Đặc biệt, một số nhà trọ công nhân đã xây dựng từ lâu có cốt nền thấp bị nước tràn vào nhà làm xáo trộn mọi sinh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Ngoài ra, việc triển khai các phương án thi công hệ thống thoát nước khu vực Bình Hòa (thành phố Thuận An) đã làm hẹp dòng chảy tới khu vực hạ lưu và việc xây dựng trục thoát nước Bưng Biệp – Suối Cát (thành phố Thủ Dầu Một) còn chậm nên việc xử lý các điểm ngập còn nhiều hạn chế.

Giải pháp giải quyết ngập

Trước tình trạng ngập úng trên địa bàn, năm 2020 UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước Bình Hòa do Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.

Mục tiêu của dự án là tiêu thoát nước cho diện tích 1.143ha, gồm: 495ha Khu công nghiệp VSIP và phần lưu vực còn lại thuộc các phường Bình Hòa, Lái Thiêu và An Phú, thành phố Thuận An. Phạm vi dự án là cải tạo kênh Bình Hòa từ sau bậc nước số 1 với tổng chiều dài khoảng 1.970m, thời gian thực hiện từ năm 2021-2023.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết: Dù UBND tỉnh Bình Dương đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng, bố trí nguồn vốn giải quyết tình trạng ngập nước trên địa bàn, nhưng hiện còn khá nhiều điểm ngập. Do đó, ngày 5/5/2022 Sở Xây dựng tiếp tục ban hành văn bản gửi Sở Giao thông vận tải Bình Dương và Tổng Công ty Becamex IDC về việc xử lý điểm ngập trên Quốc lộ 13, đoạn qua địa bàn phường Lái Thiêu.

Trước đó, ngày 22/2/2022, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký văn bản gửi các Sở, ngành, các địa phương và chủ đầu tư các công trình hạ tầng giao thông về việc thực hiện công tác xử lý chống ngập nước trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các cơ quan đơn vị tùy theo chức năng nhiệm vụ thực hiện. Sở Xây dựng tiếp tục theo dõi, tổng hợp, đôn đốc xử lý và chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan, các địa phương có giải pháp giải quyết dứt điểm các điểm ngập nước trên địa bàn.

Là đơn vị quản lý giao thông, Sở Giao thông vận tải được giao chủ động nghiên cứu và tham mưu UBND tỉnh các giải pháp giải quyết các điểm ngập liên quan các tuyến đường Quốc lộ, đường tỉnh, các dự án đường BOT.

Bên cạnh đó, Bình Dương yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các giải pháp: Tăng cường công tác phối hợp thực hiện thanh, kiểm tra để kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm kênh, mương, rạch, suối, thường xuyên khai thông, nạo vét dòng chảy thoát nước.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích