Củ gừng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhất là hỗ trợ kiểm soát đường huyết

Gừng là một nguyên liệu quen thuộc trong gian bếp nhiều gia đình, nhưng ít ai biết rằng loại củ này lại chứa đựng hàng loạt công dụng quý giá cho sức khỏe. Từ hàng ngàn năm trước, gừng đã được dùng như một vị thuốc dân gian, và ngày nay, y học hiện đại tiếp tục xác nhận nhiều lợi ích nổi bật của nó.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Kate Donelan (Mỹ), gừng có thể giúp giảm buồn nôn, cải thiện tiêu hóa, giảm viêm, giảm đau và hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Đây là một trong những thực phẩm hỗ trợ phòng ngừa và điều trị hiệu quả nhiều vấn đề sức khỏe.

Về mặt tiêu hóa, gừng giúp dạ dày làm rỗng nhanh hơn và tăng cường vận động ruột, từ đó làm dịu các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu. Chuyên gia Erin Palinski-Wade cho biết, gừng đặc biệt hiệu quả trong việc giảm buồn nôn ở người say tàu xe, phụ nữ mang thai hoặc bệnh nhân đang điều trị hóa trị.

Gừng cũng chứa hợp chất gingerol – chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng kháng viêm tự nhiên, hỗ trợ giảm đau trong các bệnh lý như viêm khớp, đau cơ và có tiềm năng phòng ngừa bệnh tim mạch và thoái hóa thần kinh.

Củ gừng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cũng nên lưu ý khi sử dụng. Ảnh minh họa

Ngoài ra, gừng giúp điều hòa đường huyết, giảm cholesterol, tăng cường miễn dịch và hỗ trợ hoạt động của hệ tim mạch. Nhiều người sử dụng trà gừng khi cảm lạnh hoặc cúm vì tin rằng nó giúp cơ thể chống lại virus và vi khuẩn. Gừng cũng cung cấp một lượng nhỏ vitamin C, magie và kali – những khoáng chất quan trọng cho huyết áp và sức đề kháng.

Theo Bệnh viện Vinmec, một số nghiên cứu cho thấy gừng có thể giúp cải thiện lượng đường huyết lúc đói ở bệnh nhân đái tháo đường, đồng thời làm giảm cholesterol LDL (“có hại”), chất béo trung tính và hoạt động của một số enzym liên quan đến bệnh tim. Những kết quả này cho thấy gừng có thể góp phần kiểm soát các biến chứng do đái tháo đường và chế độ ăn nhiều chất béo gây ra.

Thêm vào đó, gừng còn được nghiên cứu về khả năng hỗ trợ giảm cân. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng gừng giúp ngăn ngừa tình trạng béo phì và tạo cảm giác no lâu hơn sau bữa ăn – nhờ đó giúp kiểm soát lượng calo hấp thụ hàng ngày.

Dù mang lại nhiều lợi ích, người dùng vẫn cần sử dụng gừng điều độ. Liều khuyến cáo là 3–4 gram mỗi ngày (tương đương 1–2 thìa cà phê gừng tươi). Lạm dụng có thể gây trào ngược axit, kích ứng miệng, tiêu chảy.

Đặc biệt, những người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, sỏi mật, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng gừng thường xuyên hoặc sử dụng như thực phẩm chức năng. Trường hợp sắp phẫu thuật cũng cần lưu ý vì gừng có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu.

Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 củ gừng tươi

Theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, cây gừng nên thu hoạch vào vụ Thu- Đông từ cây trồng gần 1 năm tuổi trở lên để có gừng già, đào lấy cả khóm, giũ sạch đất cát rồi rửa sạch, cắt bỏ rễ con và tạp chất. Tùy theo cách chế biến để có các vị thuốc là: sinh khương, ổi khương, can khương, bào khương, thán khương (hắc khương, tiêu khương).

Trong đó yêu cầu đối củ gừng tươi phải mập, phân nhánh ngang; củ chính và nhánh gần hình trụ hoặc hơi dẹt, dài 3cm đến18cm, đường kính ngang 0,5cm đến 2,5cm. Vỏ ngoài mỏng màu vàng nâu hay nâu xám với các vòng ngang là vết tích của bẹ lá. Đầu các nhánh có chồi mầm, với đỉnh sinh trưởng ở trong. Lát cắt ngang có màu ngà vàng; ở củ chính có vòng lỗi, có xơ, đôi khi có xen lẫn màu xanh lục nhạt. Mùi thơm, vị cay nóng.

Vân Thảo (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích