Cụ bà 86 tuổi sống trong căn nhà gần 10m2, cạnh giường có ngôi mộ màu vàng
Sa cơ, gia đình cụ bà Lê Thị Sang chọn khu nghĩa địa, đóng cọc, quây tôn làm nơi tá túc. Gần nửa đời người gắn bó, chăm sóc, cụ xem ngôi mộ giữa gian nhà như mộ người thân đã mất của mình.
5h sáng, tiếng chuông đồng hồ báo thức reo lên, việc đầu tiên cụ Lê Thị Sang (86 tuổi, ngụ phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) làm là thắp nhang, khấn vái ngôi mộ cạnh giường và việc này cũng được lặp lại vào 17h chiều mỗi ngày.
Chăm lo tổ ấm cho… người dưng |
Cụ Sang kể, cụ sinh ra ở TP.HCM, tới năm 1955 thì theo chồng về Cần Thơ sinh sống. Chăm chỉ làm ăn tích góp, mua đất, cất nhà, vợ chồng cụ có với nhau 4 người con (2 trai, 2 gái).
“Các con dần lập gia đình, mỗi đứa một phương. Ngày đó gia đình khấm khá nhờ nghề buôn ve chai nhưng chồng tôi mê đánh xổ số. Ông đánh vé số quá trời mới thành ra thiếu nợ. Các con cũng chẳng thể giúp gì, đành bán nhà trả nợ phần nào”, cụ Sang ngậm ngùi nhớ lại.
Không tấc đất cắm dùi, vợ chồng cụ đánh liều tìm đến khu nghĩa địa gần đó, “bất đắc dĩ” lấn đất của người chết, đóng cọc, quây tôn làm nơi trú ngụ qua ngày.
Căn nhà nằm sâu trong hẻm Hoàng Văn Thụ, rộng chưa đến 10m2 được quây tôn là nơi tá túc của cụ Lê Thị Sang |
Cụ kể, hồi mới chuyển về đây nhiều khi mất ăn, mất ngủ vì sống gần những ngôi mộ. Cảm giác sợ hãi bao trùm mỗi khi đêm xuống. Nhưng vì hoàn cảnh, vợ chồng cụ đành chấp nhận, dần dần cũng thành quen. Tuy nhiên, những người lạ đi ngang không khỏi tò mò và ớn lạnh trước cảnh người sống “sống cùng” người chết.
Thời gian thấm thoắt trôi, khu nghĩa địa ngày nào được di dời, nhà cửa mọc lên nhiều hơn, các phần mộ cũng được người thân cất bốc đi nơi khác, duy chỉ có ngôi mộ giữa nhà cụ Sang vẫn nằm im lìm.
Ngôi mộ giữa gian nhà cụ Sang là của người chủ sạp buôn vải ở chợ |
Nói về người dưới mộ, cụ Sang cho biết đó là cụ Nguyễn Thị Có, sinh năm 1913. Cụ Có trước đây là chủ sạp buôn vải ở chợ, rất giàu có. Khi sinh con út vào năm 1956, cụ không may bị băng huyết và tử vong.
“Tôi thường xuyên nhang khói, trái cây ngày rằm, ông nhà thì quét sơn vào mỗi dịp cuối năm. Con cháu cụ Có thường ghé thăm mộ 2 lần vào dịp tết Nguyên đán và Thanh minh. Thấy vợ chồng tôi chăm sóc ngôi mộ như người thân nên họ đồng ý cho chúng tôi ở lại”, cụ bộc bạch.
Năm 2009, chồng cụ Sang qua đời, mình cụ tới lui trong căn nhà hiu quạnh. Thương mẹ già yếu, cô con gái thứ hai đón cụ về ở chung, thế nhưng dài nhất cũng chỉ được vài ngày, cụ lại khăn gói trở về vì không muốn phiền hà con cháu.
Chật vật tuổi xế chiều
11h trưa, nhà quây tôn bịt kín mít, nắng chiếu thẳng vào khiến căn phòng thêm nóng nực. Chiếc bếp than đun nước không ngừng toả nhiệt, mồ hôi cụ cứ thế tuôn ra. Chiếc quạt điện, vật “cứu cánh” duy nhất giữa mùa nắng nóng nhưng cụ vẫn không dùng đến vì sợ phiền.
“Quạt bật chỉ để đuổi muỗi, giăng kín mùng rồi lại tắt đi. Dùng điện nhờ hàng xóm, sợ tốn tiền, phải tiết kiệm cho người ta. Hàng xóm bảo tôi dùng thoải mái, tốn không đáng bao nhiêu nên đừng ngại”, cụ Sang kể.
Hiện tại, cụ sống nhờ chu cấp hàng tháng của con.
Giữa trưa nắng gắt, cụ ngồi trước cửa nhà hóng mát |
Cụ Sang cho hay, chợ gần nhà nên ráng lội đi, tới đâu mệt nghỉ tại đó. “Tôi không làm gì ra tiền nên phải mua ăn hà tiện, 50.000 đồng tiền thịt heo kho ăn 4, 5 ngày. Tôi không ăn cá do xương nhiều, mắc cổ một lần khiếp đến giờ. Cũng may có hàng xóm, phường quan tâm, cho gạo nên đỡ đần phần nào”, cụ nói.
Ở tuổi xế chiều, cụ Sang đã nặng tai, đi lại khó khăn nhưng vẫn có thể tự lo cơm nước hàng ngày |
Chi tiêu tiết kiệm là thế nhưng tuần nào cụ cũng nhất quyết dành ra một khoản mua thuốc diệt côn trùng, bởi căn nhà cụ thường xuyên bị chuột, muỗi, mối “ghé thăm”. Mỗi lần mở cuốn lịch thấy tổ mối, cụ bà lại cảm thấy lạnh sống lưng.
Gần nửa đời người gắn bó, chăm sóc, cụ xem ngôi mộ như mộ người thân đã mất của mình. Bây giờ, tuổi ngày càng cao, cụ Sang chỉ mong khỏe mạnh, sống vui những tháng năm còn lại.
Nguồn: Báo xây dựng