Covid-19 thúc đẩy sự chuyển dịch sang mô hình đô thị mới
Trong lịch sử, những trận đại dịch kinh hoàng, lấy đi mạng sống của hàng trăm nghìn người luôn trở thành những dấu mốc khiến người ta phải suy nghĩ lại về mô hình quy hoạch của các thành phố. Chúng tồn tại những lỗ hổng đủ để tạo điều kiện thuận lợi bùng phát dịch bệnh.
Vào thế kỷ XIX, những ngôi nhà tồi tàn ở Paris (Pháp) cùng hệ thống cống nước thải hạn hẹp, thói quen xả nước thải ra đường của người dân đã tạo điều kiện hoàn hảo cho bệnh tả hoành hành khắp thành phố. Sau khi Nam tước Haussmann được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng ở Seine (bao gồm cả Paris), chính quyền thành phố đã ý thức về vấn đề này và triển khai xây dựng hệ thống cống ngầm quy mô nhất từng được thực hiện ở châu Âu, biến Paris thành thành phố có cảnh quan tao nhã quen thuộc ngày nay.
Trong thời kỳ hậu Covid-19, chúng ta có thể sẽ được chứng kiến một cuộc cách mạng trong kiến trúc và quy hoạch đô thị với sự xuất hiện của những mô hình sáng tạo mới trên khắp thế giới. Dưới đây là 3 trong số những đặc điểm quan trọng của mô hình đô thị mới hậu Covid-19 được dự đoán trong một nghiên cứu về Covid-19 có tên “City Policy Responses” (Tạm dịch: Chính sách phản ứng với Covid-19 của thành phố) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD):
Thành phố thông minh và công nghệ kỹ thuật số phát triển mạnh
Việc sử dụng công nghệ trên quy mô lớn cho phép tối ưu khoảng cách giữa người với người và tiết kiệm không gian. Đối với các thành phố, chuyển đổi kỹ thuật số có tầm ảnh hưởng đặc biệt với việc sử dụng đất, quản lý tài sản, di chuyển đô thị, thiết kế cơ sở hạ tầng, hòa nhập xã hội cũng như cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Vai trò quan trọng của số hóa như một phần quan trọng trong chiến lược ứng phó với đại dịch đã thúc đẩy nhiều thành phố bình thường hóa việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số và hướng tới xây dựng thành phố thông minh.
Nhiều thành phố trên thế giới đã ứng dụng thành công kỹ thuật số để ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19. Tại Newcastle (Anh), công nghệ thành phố thông minh được sử dụng để đảm bảo giãn cách xã hội được thực hiện hiệu quả. Tại thành phố Daegu (Hàn Quốc), trong thời gian khủng hoảng vì dịch bệnh, các nghiên cứu dịch tễ học được phép sử dụng nguồn cấp thông tin của thành phố để theo dõi lịch trình di chuyển của ca bệnh. Seoul (Hàn Quốc) cũng đồng thời ứng dụng công nghệ định vị, dữ liệu sử dụng dịch vụ ngân hàng và giám sát bằng video để quản lý cộng đồng.
Một số thành phố khác như Mexico, Budapest (Hungary) lựa chọn những phương án ít can thiệp đến thông tin cá nhân hơn. Tại Mexico, thành phố này liên kết với ứng dụng Google Maps và Waze để kiểm soát các luồng giao thông, trong khi đó, Budapest sử dụng công nghệ thành phố thông minh để phát hiện những nơi tập trung đông người trái phép.
Trong tương lai gần, nhiều thành phố sẽ tiến hành xây dựng kho dữ liệu lớn nhằm phục vụ cho những công nghệ thông minh, đồng thời yêu cầu những đối tượng đang trong diện phải cách ly y tế buộc phải chấp hành theo hệ thống theo dõi số. Ban đầu, những kho dữ liệu được lập nên tại nhiều thành phố lớn với mục đích chia sẻ để góp phần giảm thiểu các vấn đề giao thông và ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, với sự xuất hiện của đại dịch đi kèm nhiều nguy cơ, kho dữ liệu đô thị cùng với nhiều công nghệ giám sát cư dân khác sẽ được ứng dụng để chủ động cô lập những người mang mầm bệnh và bảo vệ cộng đồng.
Mặc dù quyền riêng tư đang khiến việc ứng dụng công nghệ lấy thông tin từ kho dữ liệu quốc gia đối mặt với nhiều sự hoài nghi và tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận những tiện ích mà công nghệ mang lại trong việc giúp chính quyền chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Giải quyết bất bình đẳng trong xã hội đô thị
Trong giai đoạn hiện nay, sự phân biệt đối xử ở các thành phố đã trở nên rất rõ ràng và những hành động táo bạo, đổi mới được thực hiện bởi nhiều thị trưởng càng làm nổi bật vấn đề này. Một số thị trưởng trong Sáng kiến Thị trưởng về Tăng trưởng Toàn diện của OECD đã đặt tăng trưởng toàn diện vào trung tâm của các chiến lược phục hồi thành phố. Thị trưởng Hidalgo của Paris đang ưu tiên hỗ trợ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương trong các phương án ứng phó với đại dịch của mình, bao gồm dịch vụ giao thực phẩm và sắp xếp chỗ ở cho người vô gia cư. Bà cũng đã kéo dài nhiều biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, bao gồm các biện pháp “không cho thuê” và “không thuế” đối với các chủ nhà hàng, quán bar và quán cà phê buộc phải đóng cửa.
Để thu hẹp khoảng cách và giải quyết bất bình đẳng cơ cấu trong quá trình phục hồi hậu Covid-19, nhiều thành phố đã thực hiện những biện pháp trong nỗ lực phục hồi, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp địa phương và tạo việc làm, xây dựng và cải tạo nhà ở giá cả phải chăng và hỗ trợ các hộ gia đình nghèo. Đối tượng của những chiến lược phục hồi hậu Covid-19 của nhiều thành phố lớn trên thế giới đã có sự thay đổi để hướng tới công bằng xã hội, từ Paraty ở Brazil hỗ trợ những người lao động tự do, lao động phi chính thức, đến Vienna ở Áo thông báo xây dựng thêm 1.000 căn hộ giá cả phải chăng cho những người có thu nhập trung bình thấp. Những phương án giải quyết bất bình đẳng giữa những đối tượng trong xã hội sẽ là tiền đề tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp các thành phố chống chọi với làn sóng đại dịch trong tương lai.
Đô thị xanh trở thành xu hướng dẫn đầu
Covid-19 đã mở ra nhiều cơ hội để thực hiện phương án quy hoạch xanh đô thị, bởi sau một thời gian dài ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chất lượng không khí cùng nhiều vấn đề ô nhiễm trong thành phố đã được cải thiện tương đối, dù đây chỉ là tình trạng tạm thời.
Quy hoạch xanh hay phát triển thành phố xanh không chỉ giúp cải tạo không gian, mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân, giảm phát thải, giảm lượng khí cacbonic và ứng phó kịp thời với thiên tai. Do đó, trong chiến lược phục hồi hậu Covid-19 của nhiều thành phố đã bao gồm tham vọng xây dựng và phát triển kinh tế bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, trong đó hai vấn đề được quan tâm hàng đầu là giao thông công cộng và nguồn năng lượng tái tạo cung cấp cho toàn thành phố.
Về giao thông công cộng, các thành phố chủ trương thực hiện nhiều phương án giảm khí phát thải và tạo điều kiện cho những phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp, xe điện, hạn chế tiếp xúc giữa người với người trong giao thông bằng cách sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm cùng nhiều hạ tầng đầu tư khác nhằm thúc đẩy sử dụng phương tiện công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân.
Nhiều thành phố đã mạnh tay đầu tư xây dựng gia tăng làn đường dành cho xe đạp, như Bogota (Colombia) đã thông báo về việc xây thêm 35km đường dành cho xe đạp, cùng với 550km đường đã nằm trong chính sách của thành phố về hạ tầng dành cho xe đạp từ những năm 1970.
Thành phố Paris (Pháp) cũng đã thông báo tiến hành thay thế 50km đường vốn dành cho ô tô trở thành đường dành cho xe đạp và thêm 30 con phố chỉ dành cho người đi bộ. Bên cạnh đó, các thành phố cũng đã phân bố lại không gian dành cho phương tiện giao thông nhằm hướng tới giảm tắc đường và tai nạn giao thông, tăng cường hạ tầng cho các phương tiện giao thông công cộng và xe điện, cùng với đầu tư phát triển hình thức “đi chung” – chia sẻ phương tiện cá nhân.
Madrid (Tây Ban Nha) đã mở một bãi đỗ xe mới dành riêng cho các phương tiện đi chung vào cuối tháng 05/2020. Không gian mới nằm cách đại lộ Thủ đô của Tây Ban Nha 25m, bên cạnh một trong những lối ra của ga tàu điện ngầm Feria de Madrid. Thành phố cũng sẽ bổ sung thêm 45km làn xe buýt mới, chiếm 30% mạng lưới hiện tại, để hỗ trợ những cư dân muốn sử dụng phương tiện công cộng.
Về nguồn năng lượng tái tạo, các thành phố đang hướng tới tối ưu năng lượng cho các tòa nhà, cơ sở hạ tầng công… bằng cách sử dụng những nguồn năng lượng sạch có sẵn, như năng lượng mặt trời.
Thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã ban hành một kế hoạch về phát triển năng lượng mặt trời đầy tham vọng vào năm 2018 với mục tiêu đặt các tấm pin mặt trời trên tất cả các tòa nhà của thành phố và một triệu ngôi nhà từ năm 2018 đến năm 2022, ước tính tạo ra 4.500 việc làm. Cho đến nay, thành phố đã lắp đặt 98 MW hệ thống điện mặt trời trên các tài sản của thành phố, hơn 13.125 hộ gia đình đã nhận được tấm pin mặt trời và lượng khí thải gây ô nhiễm không khí PM2.5 đã được cắt giảm 8,7 tấn. Ngoài ra, Seoul cũng đã trở thành thành phố đầu tiên của Hàn Quốc công bố kế hoạch trợ cấp trị giá 1 tỷ won cho năm 2020 để xây dựng quang điện tích hợp trong các công trình thương mại và dân cư mới.
Như vậy có thể thấy, Covid-19 đã và đang thúc đẩy những dự án quy hoạch thành phố tương lai đầy tham vọng và đem đến những sự thay đổi toàn diện về cách con người sống và làm việc tại khu vực đô thị. Đại dịch đã tạo ra một cú hích mạnh buộc con người phải tư duy lại và tiến hành nhanh chóng những phương án thích nghi, trong đó hướng tới phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, công bằng xã hội và ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại. Trong tương lai, có lẽ chúng ta sẽ được chứng kiến thêm nhiều những sáng kiến vượt bậc của con người trong một thế giới đầy những cơ hội và cả thách thức./.