Covid-19 “cú hích” để doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội ở các tỉnh, thành phố, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng hình thức làm việc tại nhà, họp, làm việc đều chuyển sang online. Đây chính là thực hiện chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp, là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số với việc áp dụng công nghệ mới như: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, tổ chức việc làm.
Covid-19 “cú hích” để các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. (ảnh minh họa) |
Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2021, cả nước có 114 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động; đồng thời, có tới 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch Covid-19 là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp không đủ sức trụ lại trên thị trường. Do đó, việc áp dụng chuyển đổi số là hình thức được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng và thành công, đặc biệt là việc đưa doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19.
Chia sẻ về việc doanh nghiệp chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thái Bình Dương (Hà Nội) cho biết, là doanh nghiệp hoạt động đa ngành quen với kiểu làm việc truyền thống, chủ yếu dùng văn bản giấy tờ, bàn giao công việc trực tiếp. Trước nguy cơ phải ngừng hoạt động, ông Minh đã quyết định phải chuyển đổi số. Tất cả công ty làm việc qua mạng, mọi giao dịch chuyển sang online, thanh toán với khách hàng trên nền tảng ví điện tử… Chỉ hơn 1 tháng, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian đi lại, giấy tờ, mực in, tiền điện nước hiệu suất công việc lại tăng lên nhiều.
Cũng đề cập đến vấn đề này, theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), hiện cả nước mới chỉ có 15% doanh nghiệp đang có kế hoạch chuyển đổi số, còn hơn 70% doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số và phản ứng thụ động với thay đổi của thị trường. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp, song trình độ khoa học, công nghệ còn thấp, có 80-90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.
Nhận định chuyển đổi số là hành trình dài, buộc các quốc gia, doanh nghiệp, cá nhân phải chạy đua để thay đổi toàn diện, theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, ở nước có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam quá trình này sẽ gặp nhiều khó khăn và chậm hơn kỳ vọng. Bởi khung pháp lý cho doanh nghiệp chưa hoàn thiện, hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, nguồn nhân lực công nghệ cao còn thiếu do giáo dục đào tạo chưa đáp ứng… Tuy vậy, dù khó khăn, doanh nghiệp vẫn phải là đơn vị tiên phong chuyển đổi số, đi đầu trong nền kinh tế số, không chỉ phát triển kinh doanh, mà vì tính sống còn.
Đồng quan điểm trên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để đẩy nhanh chuyển đổi số, doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam cần phải “khởi nghiệp” lại, xây dựng lại chiến lược, tầm nhìn làm việc để không bị các thị trường từ bỏ. Đặc biệt là khi xu hướng thế giới đang chuyển đổi số mạnh mẽ, phải thay đổi cung cách làm việc, bỏ đi những “hành lý” nặng nề, đừng để nó kéo ngã doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số giờ không còn là nhu cầu, muốn hay không mà đã là yêu cầu bắt buộc phải làm.
Vì thế, để các doanh nghiệp chuyển đổi số, khâu đột phá là phải có một cơ chế về thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu, phân cấp dữ liệu, không cát cứ về dữ liệu, bảo vệ an toàn dữ liệu. Nhà nước đã bỏ ngân sách ra để làm cơ sở dữ liệu dân cư, đất đai, doanh nghiệp… đó phải xem như tài sản của toàn dân, hãy để người dân và doanh nghiệp được sử dụng. Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Chuyển đổi số cần sự đồng hành của doanh nghiệp, Chính phủ và cả xã hội và dịch Covid-19 được xem như một cú hích để hành trình đó diễn ra nhanh hơn.
Nguồn: Báo lao động thủ đô