Copenhagen – Thành phố của xe đạp và thân thiện với môi trường
Copenhagen – Thành phố của xe đạp và thân thiện với môi trường
Theo dõi MTĐT trên
Copehagen có tới hơn 400 km là đường dành riêng cho xe đạp và khoảng 50% người dân ở đây sử dụng xe đạp hàng ngày. Nhiều năm qua, Copenhagen luôn được xếp loại là thành phố xanh bậc nhất châu Âu.
Các thành phố trên khắp thế giới đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến tác động của hàng thập kỷ quy hoạch thành phố theo định hướng xe hơi: tắc nghẽn, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ít hoạt động thể chất, khí thải CO2 và không gian công cộng kém hấp dẫn. Đi xe đạp là một cách thức quan trọng góp phần giải quyết những thách thức này.
Sử dụng xe đạp như một nét đẹp văn hóa
Những năm gần đây, Copenhagen luôn nằm trong top 5 thành phố tốt nhất thế giới dành cho người đi xe đạp và người dân ở đây rất tự hào về việc di chuyển bằng xe hai bánh của họ. Bà Sophie Hastorp Andersen, nữ Thị trưởng Copenhagen tâm sự: “Đối với người dân Copenhagen, đi xe đạp là một cách sống và chúng tôi tự hào được gọi là thành phố đi xe đạp tốt nhất thế giới (2019).”
Hiện nay, số lượng xe đạp được sử dụng ở Copenhagen cao gấp 5 lần lượng xe máy, ô tô. Mặc dù nhiệt độ thấp nhưng hơn 50% dân số sử dụng xe đạp hàng ngày; 63% thành viên trong quốc hội Đan Mạch sinh sống tại thành phố sử dụng xe đạp đi làm; 58% số trẻ em đạp xe đến trường; trẻ em 3 – 6 tuổi được nhà trường và cha mẹ hướng dẫn sử dụng văn hóa đi xe đạp. Thành phố Copenhagen đã hỗ trợ tối đa giúp việc đi xe đạp trở nên tiện lợi hơn so với các phương tiện khác. Hiện thành phố có đến hơn 20 công ty chuyên thiết kế và sản xuất xe đạp, với gần 300 cửa hàng.
Xe đạp đã trở thành phương tiện giao thông chính trong cuộc sống hàng ngày của người dân tại Copenhagen. Đối với du khách tham quan, đạp xe cũng là cách để ngắm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp của thành phố. Trung bình mỗi ngày, người dân Copenhagen đi xe đạp khoảng 1.27 triệu km, cao gấp 1.000 lần mức trung bình của thế giới và 56% số người sử dụng phương tiện này vì sự tiện lợi.
Theo một cuộc khảo sát của Tổ chức Icebike tiến hành vào năm 2015, có 95% người dân hài lòng khi Copenhagen là thành phố của xe đạp; 75% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy an toàn khi tham gia giao thông ở Copenhagen. Nhờ đẩy mạnh sử dụng xe đạp, tai nạn giao thông ở Copenhagen đã giảm rõ rệt, số vụ tai nạn gây chết người thấp, chỉ bằng hơn 1/2 so với mức trung bình của các thành phố châu Âu khác.
Sử dụng xe đạp còn góp phần giảm lượng khí thải và ô nhiễm tiếng ồn, giúp Copenhagen trở thành một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm thấp và không khí trong lành nhất thế giới. Đặc biệt, nhờ xe đạp, người dân vận động nhiều hơn, sức khỏe và đời sống tinh thần cũng được nâng cao hơn. Đó cũng là một trong những lý do để Copenhagen có tên trong danh sách những thành phố hạnh phúc nhất thế giới. Các chuyên gia y tế cũng nhận định, nhờ sử dụng xe đạp thường xuyên mà Copenhagen là một trong những nơi có tuổi thọ con người cao nhất thế giới.
Nhiều chính sách ưu tiên cho xe đạp
Những năm 50, giống như các thành phố ở Bắc Mỹ, Copenhagen cũng từng trải qua những “cuộc xâm lăng xe hơi”, tuy nhiên họ đã nhận thấy vấn đề nghiêm trọng của xe ô tô đối với môi trường nên đã thực hiện các chính sách giảm thiểu việc sử dụng ô tô, thay vào đó là khuyến khích người dân sử dụng xe đạp thân thiện với môi trường.
Năm 1997, trong Chương trình phát triển đô thị, thành phố đưa ra những khái niệm đầu tiên về “đô thị xanh” với hệ thống đường dành riêng cho xe đạp xuyên qua các công viên và những khu vực nhiều cây xanh. Đến năm 2000, thành phố đã xây dựng 22 tuyến đường xanh cho xe đạp, với tổng chiều dài khoảng 110 km. Chính quyền thành phố cũng dành 20 – 25% ngân sách đường bộ cho xe đạp, tổng ngân sách đầu tư hạ tầng và tiện ích dành riêng cho loại phương tiện này lên đến hơn 134 triệu Euro trong hơn 10 năm qua. Hiện nay, trên toàn thành phố có trên 400 km đường dành riêng cho xe đạp và thường xuyên được bảo dưỡng, đảm bảo an toàn cho người tham gia.
Để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, năm 2001, chính quyền thành phố phát động Chiến dịch “Đạp xe đi làm” và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tiếp đó, hàng loạt chương trình cổ động đi xe đạp cũng được thực hiện như “thời trang dành cho xe đạp”, “hội họa xe đạp”; Tổ chức các buổi biểu diễn hòa nhạc cho “giới xe đạp”, “công chức thành phố đi xe đạp”, “sinh viên đi xe đạp”.
Cùng với đó, thành phố tổ chức các giải đua xe đạp không chuyên và bán chuyên nghiệp, các tour du lịch cũng được thiết kế gắn với văn hóa xe đạp. Đặc biệt, thành phố còn triển khai đồng bộ các chính sách khác nhằm ưu tiên cho sử dụng xe đạp. Số lượng bãi xe được khuyến khích nhân rộng, đất công cộng được ưu tiên cho hai mục đích chính là cây xanh và bãi xe đạp. Hiện đã có gần 50.000 bãi xe đạp trên khắp các tuyến phố, trong khi bãi xe cho phương tiện cơ giới bị hạn chế và chuyển qua những khu vực xa trung tâm. Ngoài ra, xe đạp còn được phép mang lên tàu, hoặc phối hợp với các phương tiện khác khi người dân di chuyển đường dài.
Sự gia tăng của việc đi xe đạp trong thập kỷ qua ở Copenhagen là kết quả của sự đầu tư liên tục vào cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp, với hơn 40 € bình quân theo đầu người. Sự đầu tư đáng kể đó không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe người dân khi ngày càng có nhiều người sử dụng xe đạp, một hình thức tập thể dục tuyệt vời, ít chịu tác động, tăng cơ bắp, chắc xương và tăng cường sức khỏe tim mạch. Mặt khác nó còn đem đến những lợi ích lớn về kinh tế.
Số liệu cho thấy mỗi khi ai đó đạp xe 1 km ở Copenhagen, thành phố thu được 4,80 krone (tương đương khoảng 0,75 USD). Nếu chuyến đi đó thay thế cho một hành trình bằng ô tô, mức lợi tăng lên 10,09 krone/km (khoảng 1,55 USD). Và với 1,4 triệu km được đạp xe mỗi ngày, thành phố được lợi từ 1,05 triệu USD đến 2,17 triệu USD ngày.
Những lợi ích này đến từ nhiều nguồn, bao gồm thời gian đi làm ngắn hơn do giảm – hoặc thậm chí loại bỏ – tắc nghẽn giao thông và giảm thời gian nghỉ ốm. Theo Hiệp hội Xe đạp Đan Mạch, chi tiêu bán lẻ cũng tăng lên. Khoảng 1/3 tổng chi tiêu ở các phố cao cấp và siêu thị đến từ những người đã đến cửa hàng bằng xe đạp.
Cùng với những lợi ích kinh tế và xã hội kéo theo, sự hấp dẫn của thành phố xe đạp Copenhagen cũng đã tạo nên nguồn cảm hứng cho các thành phố khác trên thế giới khuyến khích người dân đi xe đạp nhiều hơn.
Cơ sở hạ tầng đơn giản, an toàn
Điều gì khiến người dân Copenhagen thích đi xe đạp hàng ngày, bất chấp điều kiện thời tiết? Đó chính là nhờ vào cơ sở hạ tầng giao thông đơn giản, an toàn và kết nối cao. Đạp xe qua Copenhagen (và xa hơn nữa) bạn sẽ nhận thấy rằng, dù trong bất kể hoàn cảnh nào, đi xe đạp khá dễ dàng vì tính đơn giản của nó.
Hạ tầng dành cho xe đạp xuất hiện theo bốn kiểu cơ bản: đường phố an toàn, làn đường dành cho xe đạp được sơn kẻ, đường dành cho xe đạp riêng biệt và các tuyến đường xanh giúp bạn đến nơi cần đến. Tất cả dễ nhận biết mà không yêu cầu hướng dẫn.
Tại các giao lộ đông đúc hơn, một loạt các chi tiết thiết kế khác nhau giúp việc đi xe đạp trở nên an toàn hơn. Giống như ô tô và người đi bộ, người đi xe đạp có tín hiệu giao thông riêng cho họ với ba màu: đỏ, vàng và xanh lục. Các tín hiệu xe đạp thường khởi động trước tín hiệu cho ô tô vài giây. Chi tiết đơn giản này giúp người đi xe đạp vào giao lộ trước và ra khỏi điểm mù của ô tô.
Để bảo vệ người đi xe đạp khỏi va chạm bên phải, nhiều giao lộ đông đúc hơn có vạch dừng dành cho ô tô. Thiết kế vạch dừng lùi khiến người đi xe đạp dừng trước người điều khiển ô tô 5 mét. Và cũng giống như tín hiệu báo trước màu xanh lá cây, thiết kế này giúp người đi xe đạp vượt lên phía trước, thoát khỏi điểm mù của ô tô.
Và một chi tiết nữa được thấy ở các ngã tư đông đúc hơn là lan can hoặc bậc dành cho xe đạp. Chi tiết đơn giản này trên đường phố là một thiết kế thông minh vừa cho người đi xe đạp thấy rằng họ được đánh giá cao, vừa tạo ra nhiều tương tác dễ đoán hơn. Với những lan can này được đặt ở đèn đỏ, người đạp xe có thể ngồi thoải mái trên yên xe đạp của mình trong khi chờ tín hiệu đèn giao thông thay đổi. Và khi có màu xanh lá cây, lan can đóng vai trò là bàn đạp, cho phép người đi xe đạp có lực để khởi động.
Những lan can này còn có một giá trị tâm lý là khi ngồi thoải mái ở tín hiệu đèn đỏ, người đi xe đạp ít có khả năng mất kiên nhẫn và vượt đèn đỏ. Và những người xếp sau trong hàng đợi, ít có khả năng phá vỡ các quy tắc trước một người kiên nhẫn chờ đợi trước mình. Như vậy, lan can vừa như là động lực, vừa như những vật cản đối với người đi xe đạp, tạo cho các giao lộ trở nên dễ đoán hơn.
Với hàng loạt chính sách khuyến khích sử dụng xe đạp của chính quyền thành phố, việc phối hợp hiệu quả của các tổ chức dân sự cũng như sự đồng lòng của người dân, nên chỉ chưa đầy một thập kỷ, Copenhagen đã chuyển thành công từ sử dụng phương tiện xe cơ giới sang xe đạp trong đời sống hàng ngày, liên tục được bình chọn là thành phố thân thiện với môi trường nhất thế giới, trở thành hình mẫu cho nhiều đô thị trên thế giới học tập.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị