COP28 hướng đến giải quyết vấn đề khí thải methane
COP28 hướng đến giải quyết vấn đề khí thải methane
Methane là mục tiêu then chốt của các quốc gia muốn cắt giảm khí thải nhanh chóng và làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.
Các cuộc thảo luận về khí hậu thường xoay quanh việc giảm CO2 – loại khí nhà kính nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, methane (CH4) – một loại khí thải khác có khả năng khiến Trái Đất ấm lên – nhiều khả năng cũng sẽ trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào tuần tới.
Methane là mục tiêu then chốt của các quốc gia muốn cắt giảm khí thải nhanh chóng và làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. Nguyên nhân là do lượng lớn khí methane đang rò rỉ vào khí quyển từ cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch. Methane xuất hiện rất nhiều trong tự nhiên và là thành phần chính của khí tự nhiên.
Đây là tác nhân lớn thứ hai gây ra biến đổi khí hậu, đóng góp khoảng 16% vào tình trạng nóng lên toàn cầu. Khí methane tồn tại trong khí quyển chỉ khoảng 10 năm nhưng có tác động làm nóng lên mạnh hơn nhiều so với CO2. Cụ thể, trong 100 năm, tác động làm Trái Đất nóng lên của methane cao gấp 28 lần so với CO2. Nếu tính trong 20 năm, thì mức chênh lệch là 80 lần.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hiện chưa thể tính toán chính xác lượng khí methane được giải phóng, dù đã có những tiến bộ trong việc giám sát khí thải thông qua việc sử dụng vệ tinh. Các nhà khoa học cũng đang lo lắng về sự gia tăng đều đặn của khí methane trong khí quyển, với nồng độ hiện cao hơn 2,5 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp.
IEA cho biết khoảng 60% lượng khí thải methane có liên quan đến hoạt động của con người, trong khi khoảng 40% là từ các nguồn tự nhiên, chủ yếu là vùng đất ngập nước. Nông nghiệp là thủ phạm lớn nhất, khi gây ra 25% lượng khí thải.
Hầu hết trong số này là từ hoạt động chăn nuôi (chất thải của bò và cừu) và trồng lúa, nơi những cánh đồng ngập nước tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát thải khí methane.
Ngành năng lượng là nguồn phát thải khí methane lớn thứ hai do con người gây ra. Methane rò rỉ từ cơ sở hạ tầng năng lượng, chẳng hạn như đường ống dẫn khí đốt và từ việc giải phóng khí thải trong quá trình bảo trì. Rác thải sinh hoạt thải cũng thải ra một lượng lớn khí methane khi phân hủy trong các bãi chôn lấp.
Báo cáo gần đây của IEA ước tính rằng việc cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải methane liên quan đến lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch có thể ngăn nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 0,1 độ C vào giữa thế kỷ này. Con số này dù khiêm tốn nhưng khả thi hơn việc ngừng sử dụng ngay lập tức mọi phương tiện.
Điều này có thể đạt được bằng cách sửa chữa cơ sở hạ tầng bị rò rỉ và loại bỏ việc đốt và thông hơi thường xuyên trong quá trình bảo trì đường ống. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol coi đây là một trong những lựa chọn tốt nhất và hợp lý nhất về chi phí để hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể điều chỉnh chế độ ăn của gia súc, thông qua việc bổ sung thành phần giúp cải thiện sức khỏe của vật nuôi và bảo vệ hành tinh. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, đối với việc trồng lúa, việc thay đổi cách quản lý nước là biện pháp triển vọng nhất để giảm khí thải.
Ở cấp quốc gia và khu vực, năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã triển khai “Cam kết khí methane toàn cầu” nhằm đến năm 2030, giảm 30% lượng khí thải methane trên toàn thế giới, so với mức của năm 2020. Cả Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đưa khí methane vào các kế hoạch hành động về khí hậu.
Trong khi đó, các tập đoàn dầu khí lớn cũng đề xuất Sáng kiến Khí hậu trong lĩnh vực dầu khí nhằm đến năm 2030 đạt được mức phát thải ròng bằng 0 đối với các hoạt động khai thác và sản xuất.
Các nhà khoa học đang kêu gọi COP28 nhất trí về việc tăng cường đáng kể cam kết về khí methane, với mục tiêu giảm khoảng 60% khí thải trong lĩnh vực năng lượng, phù hợp với các quy định gần đây của EU. Theo các nhà khoa học, nếu COP28 đạt được cam kết như vậy thì đây sẽ là một thành công lớn./.
An Đông (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị