COP28: Các cam kết khí hậu chưa đủ mạnh để giảm phát thải ngành năng lượng
COP28: Các cam kết khí hậu chưa đủ mạnh để giảm phát thải ngành năng lượng
Những cam kết đưa ra tại COP28 sẽ chỉ giúp giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính của ngành năng lượng cần cắt giảm vào năm 2030 để ngăn chặn Trái Đất ấm lên.
Ngày 10/12, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo những cam kết đưa ra tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) đến thời điểm này sẽ chỉ giúp giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính của ngành năng lượng cần cắt giảm vào năm 2030 để ngăn chặn Trái Đất ấm lên.
Trong một báo cáo, IEA nhận định: “Các cam kết này là bước tiến trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của ngành năng lượng, nhưng chưa đủ mạnh để giúp thế giới đạt được các mục tiêu về khí hậu, đặc biệt là mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.”
Nhận định của IEA dựa trên kết quả đánh giá những cam kết không mang tính ràng buộc được các chính phủ và lãnh đạo ngành dầu khí đưa ra tại COP28, diễn ra tại Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), tính đến thời điểm này.
Các cam kết bao gồm tăng gấp 3 lần sản lượng năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng đến năm 2030 và cắt giảm mạnh lượng khí thải methane.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, đến nay, 130 quốc gia đã ký kết cam kết về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
Ngoài ra, khoảng 50 công ty dầu khí chiếm 40% sản lượng toàn cầu đã ký một thỏa thuận không ràng buộc về không phát thải khí methane và hạn chế đốt dầu sản xuất (routine flaring) trong thập niên này.
Đây là những cam kết tự nguyện không giống như các quyết định được đưa ra với sự đồng thuận của gần 200 quốc gia tại COP28.
Trước đó, IEA cho rằng lượng phát thải từ lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch cần giảm 75% từ nay đến năm 2030 để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, mục tiêu được xem là tiềm năng để kiềm chế mức tăng nhiệt trung bình toàn cầu dưới 2 độ C theo Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị