COP27: EU kêu gọi giảm dần tất cả các nhiên liệu hoá thạch
COP27: EU kêu gọi giảm dần tất cả các nhiên liệu hoá thạch
Theo dõi MTĐT trên
Liên minh Châu Âu ủng hộ lời kêu gọi của Ấn Độ giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như một phần của thỏa thuận COP27
Người đứng đầu chính sách khí hậu của khối EU, Frans Timmermans cho biết hôm 15/11, Liên minh Châu Âu ủng hộ lời kêu gọi của Ấn Độ giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như một phần của thỏa thuận COP27, miễn là nó không làm suy yếu các thỏa thuận trước đó về việc giảm sử dụng than.
Ấn Độ, nước mua than lớn thứ hai thế giới, muốn các nước đồng ý loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hóa thạch tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Ai Cập, thay vì một thỏa thuận hạn chế hơn về loại bỏ than đã được thống nhất tại COP26 năm ngoái.
Timmermans nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi ủng hộ bất kỳ lời kêu gọi nào nhằm loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hóa thạch. Nhưng chúng tôi cũng phải đảm bảo rằng lời kêu gọi này không làm giảm các thỏa thuận trước đó mà chúng tôi đã có về việc giảm dần than đá, vì vậy nếu nó vượt trên những gì chúng tôi đã đồng ý ở Glasgow, thì EU sẽ ủng hộ đề xuất này”.
Nhận xét của Timmermans được đưa ra ngay cả khi EU tăng cường tìm kiếm than và khí đốt tự nhiên trong thời gian tới để đối phó với cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng do nhu cầu cao và sự gián đoạn nguồn cung kể từ khi căng thẳng quân sự ở Ukraine diễn ra.
Đề xuất này có thể mang lại lợi ích cho Ấn Độ bằng cách giảm bớt sự tập trung toàn cầu vào việc sử dụng than của nước này, nhưng cũng có khả năng vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nước đang phát triển có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào muốn tránh hạn chế sử dụng than.
Khalid Abuleif, quan chức Bộ năng lượng Saudi và nhà đàm phán COP27, cho biết đất nước của ông, nhà sản xuất lớn nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, lo ngại các cuộc đàm phán cuối cùng sẽ làm hỏng ngành nhiên liệu hóa thạch.
Ấn Độ là một trong những quốc gia chống lại những nỗ lực loại bỏ than tại các cuộc đàm phán về khí hậu năm ngoái ở Glasgow khi thỏa thuận cuối cùng vào phút cuối đã bỏ qua lời kêu gọi loại bỏ từng giai đoạn năng lượng đốt than, thay thế bằng giảm dần.
Timmermans cho biết EU không tìm cách điều khiển kế hoạch đầu tư của một quốc gia mà muốn gửi cảnh báo về việc đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.
Đại Phong (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị