Công ty nước mặt Sông Đuống lỗ 1.100 tỉ, nợ vay tới 4.000 tỉ đồng

Công ty nước mặt Sông Đuống lỗ 1.100 tỉ, nợ vay tới 4.000 tỉ đồng

Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống đang đối diện với nhiều khó khăn về mặt tài chính khi lỗ luỹ kế hơn 1.100 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu.

Âm vốn, lỗ luỹ kế hơn 1.100 tỉ đồng

Như Lao Động đã thông tin, Sở Tài chính Hà Nội vừa có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn. Là doanh nghiệp tư nhân tham gia vào hoạt động cung cấp nước sạch cho khu vực nội đô TP Hà Nội, thế nhưng trong khi các doanh nghiệp khác báo lãi đậm thì Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống (Nước mặt Sông Đuống) lại đang đối diện với vô vàn khó khăn về mặt tài chính.

Cụ thể, kết thúc năm 2022, Nước mặt Sông Đuống đưa về khoảng 400 tỉ đồng doanh thu (báo cáo riêng lẻ), tăng 125% so với năm 2021. Lợi nhuận gộp công ty ghi nhận lãi 104 tỉ đồng, tăng hơn 180 tỉ đồng sau 1 năm.  

Tuy nhiên, chi phí tài chính trong kì lên tới hơn 318 tỉ đồng, tăng 6% và chi phí quản lí doanh nghiệp thậm chí tăng tới 100%, lên 38 tỉ đồng… là những nguyên nhân khiến Nước mặt Sông Đuống lỗ sau thuế hơn 257 tỉ đồng. Trong năm 2021, doanh nghiệp này cũng lỗ hơn 402 tỉ đồng.

Khoản lỗ ròng 2 năm liên tiếp nâng mức lỗ luỹ kế của Nước mặt Sông Đuống tính đến cuối năm 2022 lên xấp xỉ 1.109 tỉ đồng. Điều này dẫn đến vốn chủ sở hữu âm 109 tỉ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu chỉ xấp xỉ 1.000 tỉ đồng.

Như vậy có thể thấy, hoạt động kinh doanh nước sạch của Nước mặt Sông Đuống đưa về biên lợi nhuận gộp khá cao, lên đến 26%. Thế nhưng các loại chi phí neo cao đã ăn mòn đến âm lợi nhuận của công ty trong kì.

tm-img-alt
Sau vài năm hoạt động, Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống đang gánh khoản lỗ lũy kế hơn 1.100 tỉ đồng.

Nợ vay xấp xỉ 4.000 tỉ đồng, khả năng trả nợ yếu

Tại ngày 31.12.2022, tổng tài sản của Nước mặt Sông Đuống đạt 4.051 tỉ đồng, giảm 5% sau 12 tháng.

Trong đó, tài sản ngắn hạn có 160 tỉ đồng, với tiền mặt còn 42 triệu đồng, tiền gửi ngân hàng không kì hạn gần 7 tỉ đồng, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng còn 14 tỉ đồng, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 2,5 tỉ đồng. Nước mặt Sông Đuống còn gần 66 tỉ đồng các khoản phải thu với các bên liên quan. Tài sản dài hạn có 3.890 tỉ đồng, chiếm chủ yếu là tài sản cố định.

Ở bên kia nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Nước mặt Sông Đuống còn 4.160 tỉ đồng, cao hơn tổng tài sản doanh nghiệp đang có. Trong đó, chiếm hơn 99% là nợ vay tài chính với gần 4.000 tỉ đồng. 

Nợ vay tài chính lên đến hàng nghìn tỉ đồng nên trong năm 2022, Nước mặt Sông Đuống phải chi đến 312 tỉ đồng để trả chi phí lãi vay, chiếm đến 78% doanh thu công ty thu về trong năm (400 tỉ đồng). Điều này tương ứng với việc, có 100 đồng doanh thu, Nước mặt Sông Đuống phải dành đến 78 đồng để trả chi phí lãi vay. 

Chưa kể, tính đến cuối năm 2022, nợ ngắn hạn của đơn vị này là 486 tỉ đồng, vượt xa tài sản ngắn hạn 160 tỉ đồng, đồng nghĩa với hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại Nước mặt Sông Đuống là 0,32.

Theo lý thuyết, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.

Tính đến cuối năm 2022, cổ đông góp vốn của Nước mặt Sông Đuống bao gồm Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội 10%, Công ty TNHH MTV ứng dụng Công nghệ mới và du lịch 5%, Công ty Cổ phần Nước Aqua One 51% và WHAUP (SG) 2DR PTE.Limited sở hữu 34%.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích