Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc và các đơn vị liên danh tiếp tục để xảy ra vi phạm tại nhiều dự án

(Xây dựng) – Không chỉ để xảy ra sai phạm tại một số dự án BT ở Bình Định, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc còn liên tiếp bị “điểm mặt”, nhắc tên tại Kết luận thanh tra tỉnh Quảng Ngãi; Thanh tra Chính phủ với loạt dự án đầu tư xây dựng đường Trì Bình – Cảng Dung Quất và Dự án Kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn di dân tái định cư, neo đậu tàu thuyền – đập Cà Ninh (giai đoạn 1), dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu ở Thái Nguyên…

cong ty co phan tap doan phuc loc va cac don vi lien danh tiep tuc de xay ra vi pham tai nhieu du an
Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc.

Loạt dự án ở Quảng Ngãi vướng nhiều sai sót, vi phạm

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã công bố Kết luận Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng đối với Dự án đường Trì Bình – Cảng Dung Quất.

Dự án trên được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-UBND ngày 29/4/2014 với tổng mức đầu tư là 1.503,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vượt thu, nguồn kết dư và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất (nay là Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi).

Trong khi đó, Nhà thầu thi công của Dự án chính là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc. Đây là một trong những đơn vị liên tục bị “nhắc tên” trong kết luận thanh tra mà UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa công bố.

Kết luận Thanh tra của UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ ra những vấn đề liên quan đến việc chấp hành các quy định pháp luật đầu tư xây dựng.

Về công tác nghiệm thu, thanh toán giá trị xây lắp, qua thanh tra cho thấy, ban quản lý dự án đã nghiệm thu, thanh toán tính tăng khối lượng bê tông mác 200 của hạng mục gia cố mái taluy cho nhà thầu thi công với số tiền là hơn 136 triệu đồng.

Tính tăng khối lượng với số tiền hơn 130 triệu đồng dẫn đến làm tăng giá trị hợp đồng đã ký kết, đến nay giá trị này chưa được nghiệm thu, thanh toán.

Kết luận thanh tra nêu rõ, trách nhiệm này thuộc về CTCP Tập đoàn Phúc Lộc, bên cạnh đó là các đơn vị như Chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án, Nhà thầu thi công CTCP xây dựng giao thông Quảng Ngãi, Công ty TNHH Xây dựng Đồng Khánh…

Về việc tạm ứng giá trị xây lắp, tư vấn, Ban quản lý dự án chưa tiến hành kiểm tra, đánh giá việc tạm ứng dẫn đến nay chưa thu hồi tạm ứng với số tiền là hơn 7,92 tỷ đồng. Trong đó, giá trị xây lắp là hơn 7,14 tỷ đồng, giá trị tư vấn kiểm toàn là 783 triệu đồng là không đúng quy định. Trách nhiệm này thuộc về Ban quản lý dự án.

Riêng về việc xử lý đất yếu đoạn Km0+00 – Km0+904,32 của gói thầu số 18, lý trình từ Km0-Km1, qua thanh tra cho thấy công tác giám sát quan trắc lún không chặt chẽ trong quá trình thi công nên không phát hiện lún để dừng thi công, dừng đắp và có biện pháp xử lý lún kịp thời.

Khi phát hiện lún từ tháng 4/2019 mãi đến tháng 12/2020, Chủ đầu tư mới xin chủ trương bổ sung một số lỗ khoan khảo sát địa chất nền đất yếu để có cơ sở đề xuất phương án là chậm trễ trong xử lý các vấn đề phát sinh.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng vừa ký ban hành Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng đối với Dự án “Kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn di dân tái định cư, neo đậu tàu thuyền – đập Cà Ninh, (giai đoạn 1)”.

Theo kết quả thanh tra ngày 11/8/2021 của Trưởng đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng đối với Dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra kết luận và chỉ ra hàng loạt sai phạm như: Công tác lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư; Công tác khảo sát, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công; Việc lập dự toán tính toán sai dẫn đến làm tăng giá trị dự toán với số tiền hơn 5 tỷ đồng; Thi công không đúng thiết kế được phê duyệt….

Đến nay Kết luận thanh tra tiếp tục chỉ ra những sai phạm nghiêm trọng về công tác thu hồi đất, lập phương án bồi thường giải phóng bằng… đối với Dự án trên.

Kết luận Thanh tra cũng chỉ ra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với các hạng mục phát sinh làm tăng chi phí dự án. Cụ thể như việc bổ sung chí phí khai thác đất đồi tại mỏ phục vụ thi công công trình.

Căn cứ vào hồ sơ mời thầu Chủ đầu tư chỉ nêu có quy hoạch vị trí mỏ đất được cấp phép khai thác, đáp ứng trữ lượng, cự ly vận chuyển đất đắp từ mỏ đến công trình nhưng đơn vị tư vấn thiết kế chưa làm việc với địa phương về việc cho phép khai thác các mỏ vật liệu đất; Chủ đầu tư không làm hồ sơ thủ tục đề nghị cấp phép khai thác mỏ đất phục vụ cho xây dựng công trình mà lại thống nhất thảo thuận vị trí mỏ để UBND tỉnh cấp phép cho Công ty TNHH MTV Trung Nam Phong (mỏ đất Bình Đông) khai thác phục vụ dự án Cà Ninh; Cho Công ty Cổ phần khoáng sản Quảng Ngãi và Công ty TNHH Chiều Kỳ (mỏ đất Bình Phước) khai thác phục vụ các dự án trên địa bàn Dung Quất trong khi các doanh nghiệp này đều không phải là nhà thầu chính thi công dự án.

Trong hồ sơ dự thầu số 8, đại diện Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc đã có đề xuất chủ đầu tư chuẩn bị mỏ đất đủ điều kiện để khai thác và bổ sung chi phí thủ tục để khai thác vật liệu đất đắp san lấp nhưng không đề nghị giá trị đối với công việc này.

Khi chấm thầu, thương thảo hợp đồng Ban quản lý dự án (bên mời thầu) không làm rõ các nội dung đề xuất ngoài tiên lượng mời thầu của nhà thầu mà chỉ nêu trong thương thảo hợp đồng ký ngày 11/6/2015. Sau đó chủ đầu tư phê duyệt kết quả trúng thầu và tiến hành thương thảo, ký hợp đồng xây dựng nhưng nội dung các công việc bổ sung ngoài bảng tiên lượng mời thầu và đề xuất kiến nghị trong hồ sơ dự thầu đã nêu không có trong hợp đồng đã ký kết.

Qua thanh tra cho thấy, tuy trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, thương thảo và ký hợp đồng của Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án có vi phạm, sai sót nêu trên nhưng nội dung hợp đồng xây dựng số 08 ngày 24/6/2015, phụ lục bổ sung không có điều khoản và nội dung bổ sung chi phí đơn giá đất này, Nhà thầu cũng không có đơn xin phép khai thác đất đồi, không lập hồ sơ xin cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ cho xây dựng công trình…

Dự án BT 18.000 tỷ của Tập Đoàn Phúc Lộc trái với nhiều quy định pháp luật

Kết luận của Thanh tra Chính phủ: Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu được HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua chủ trương đầu tư xây dựng theo hình thức PPP (đối tác công tư) với tổng mức đầu tư (TMĐT) dự kiến hơn 18.211 tỷ đồng.

Trong đó bao gồm: thực hiện dự án theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) có TMĐT 9.811 tỷ đồng (gồm 6 hạng mục, quy mô sử dụng đất là 150 ha) và thực hiện dự án khác có quy mô 700 ha với tổng mức đầu tư khoảng 8.400 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu đô thị 2 bên bờ sông) để thu hồi vốn dự án BT.

Kết quả thanh tra cho thấy, tháng 8/2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 17/NQ-HĐND thông qua chủ trương đề xuất dự án nêu trên. Đến tháng 10/2017, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết 25/NQ-HĐND thông qua chủ trương đề xuất chuyển từ “Dự án” thành “Đề án”, thể hiện: vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện 9 dự án là 5.611 tỷ đồng, trong đó: Giải phóng mặt bằng dự án BT là 3.143 tỷ đồng; Giải phóng mặt bằng dự án hoàn vốn (dự án khác) là 2.468 tỷ đồng…

Theo Thanh tra Chính phủ, việc UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã thông qua chủ trương đề xuất Dự án là không phù hợp với Nghị định 15/2015/NĐ-CP Điển C, khoản 2, Điều 11 “về sử dụng vốn Nhà nước tham gia dự án” không thực hiện GPMB cho các dự án khác (dự án hoàn toàn vốn dự án BT), không sử dụng vốn đầu tư công để GPMB cho các dự án khác.

Mặt khác, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 17 về Chủ trương sử dụng vốn Nhà nước tham gia dự án nhưng tại thời điểm phê duyệt đề xuất dự án ngày 25/8/2016 thì UBND tỉnh Thái Nguyên chưa có Quyết định phê duyệt chủ trương sử dụng vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án và không phù hợp với thông tư 02/2016/TT-BKHĐT.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, với quy mô và TMĐT dự kiến nêu trên, dự án thuộc nhóm A, cơ quan lập đề xuất dự án là UBND tỉnh Thái Nguyên, cơ quan thẩm định đề xuất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất, HĐND tỉnh thông qua chủ trương đề xuất dự án là không phù hợp với Nghị định 15/2015/NĐ-CP.

Ngoài việc phê duyệt đề xuất đầu tư dự án (nhóm A) là trái thẩm quyền, UBND tỉnh Thái Nguyên còn ra quyết định phê duyệt Đề án (gồm 9 dự án) khi chưa được HĐND thông qua. Theo Thanh tra Chính phủ, không có quy định của pháp luật về việc chuyển dự án PPP thành đề án PPP, cũng như không có quy định về việc phê duyệt đề án PPP gồm có các dự án PPP thành phần.

“Việc thay đổi khái niệm trong đầu tư để phù hợp với thẩm quyền quyết định là mang tính chủ quan, thiếu căn cứ pháp luật, không phù hợp với quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP” – Thanh tra Chính phủ kết luận.

cong ty co phan tap doan phuc loc va cac don vi lien danh tiep tuc de xay ra vi pham tai nhieu du an
Khu đất 11,8ha mà Phúc Lộc trả lại thành phố Hải Phòng (Ảnh: Đại đoàn kết).

Hải Phòng tiến hành đấu giá đất hoàn trả của Tập đoàn Phúc Lộc

Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng đang lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để bán đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tại phường Nam Hải, quận Hải An, Hải Phòng.

Khu đất bán đấu giá có tổng diện tích 117.962 m2 (nguồn gốc từ đất nông nghiệp), đã được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt bán đấu giá tại Quyết định số 1721/QĐ-UBND ngày 10/6/2022. Giá khởi điểm thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất, thuê đất là 665,182 tỷ đồng; tài sản gắn liền với đất là 121,104 tỷ đồng. Tổng mức giá khởi điểm hơn 786 tỷ đồng. Tổ chức đấu giá tài sản tham gia lựa chọn nộp hồ sơ từ ngày 15/6 – 17/6/2022 tại Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng.

Theo thông tin được công khai, năm 2015, TP. Hải Phòng thu hồi hơn 11,8 ha đất tại phường Nam Hải do UBND quận Hải An quản lý để giao cho Tập đoàn Phúc Lộc để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở.

Tiếp đó, cuối năm 2018, UBND thành phố Hải Phòng có quyết định điều chỉnh quyết định giao đất trước đó. Ngoài việc đổi tên chủ đầu tư thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc, quyết định của UBND thành phố Hải Phòng điều chỉnh diện tích giao đất xuống còn hơn 117.900 m2.

Sau khi được giao đất, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án như san lấp toàn bộ dự án, xây dựng đường giao thông, lát vỉa hè, trồng cây xanh, tạo thành các ô, thửa vuông vắn. Dự án khu nhà ở bám ba mặt đường giao thông lớn đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật từ mấy năm nay nhưng lại để “đắp chiếu” chứ chưa có hoạt động xây dựng nhà ở nào.

Giữa tháng 12/2021, Tập đoàn Phúc Lộc có văn bản gửi UBND thành phố Hải Phòng tự nguyện trả lại đất cho địa phương. Trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp và tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 16/12/2021, UBND thành phố Hải Phòng ra quyết định thu hồi hơn 117.900m2 đất do Tập đoàn Phúc Lộc quản lý tại phường Nam Hải. Lý do thu hồi vì người sử dụng tự nguyện trả lại đất theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai 2013.

Đáng chú ý, lý do mà chủ đầu tư dự án tự nguyện trả lại đất đã đầu tư hạ tầng vì dự án nhà ở này được UBND thành phố Hải Phòng giao đất cho DN không đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, năm 2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau khi thực hiện kiểm tra một số dự án sử dụng đất tại Hải Phòng, xác định dự án khu nhà ở phường Nam Hải đã được UBND thành phố Hải Phòng giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc mà không lập dự án, chưa có quy hoạch xây dựng 1/500.

UBND thành phố Hải Phòng giao đất cho Công ty Phúc Lộc mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai hoặc đấu thầu dự án sử dụng đất theo quy định của Luật Đấu thầu. Hơn nữa, tại dự án này, UBND thành phố Hải Phòng không quy định về quỹ nhà ở xã hội 20% theo quy định.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích