Công ty Cổ phần Paishing Việt Nam xả thải vượt quy chuẩn

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương tiến hành kiểm tra nước xả thải ở cơ sở sản xuất tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Paishing Việt Nam (địa chỉ: CCN đường 20A, xã Vĩnh Hồng, Bình Giang, Hải Dương) phát hiện có 3 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải với lưu lượng nước thải dưới 20m³/ngày (24 giờ). Trong đó, thông số Coliform vượt 480 lần, NH4 + -N vượt 2,91 lần và BOD5 vượt 1,93 lần quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.

Quyết định xử phạt đối với Công ty Cổ phần Paishing Việt Nam. Ảnh: Báo Hải Dương

Trước những vi phạm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định 1073/QĐ-XPHC xử phạt Công ty Cổ phần Paishing Việt Nam tổng số tiền 294 triệu đồng, theo quy định tại các khoản 6, 7 Điều 18 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, buộc doanh nghiệp này phải trả kinh phí đo đạc, phân tích mẫu môi trường cho Sở Tài nguyên và Môi trường số tiền hơn 4,6 triệu đồng và phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định, báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trên.

Trước đó, Công ty TNHH Very Vina bị UBND tỉnh Hải Dương xử phạt 240 triệu đồng do cùng hành vi vi phạm về môi trường.

Cụ thể, Công ty TNHH Very Vina bị xử phạt 225 triệu đồng do thực hiện các hành vi vi phạm hành chính gồm xả nước thải (nước thải tại Nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu ở xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) có 3 thông số vượt Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải với lưu lượng nước thải 09m3 /ngày (24 giờ).

Ngoài ra, công ty cũng bị phạt 15 triệu đồng do không gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2022 tới các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Trống Đồng Thăng Long với số tiền 144 triệu đồng do hành vi xả nước thải tại Trung tâm tổ chức sự kiện và khu nhà Hoàng Gia ở đường Trường Chinh (TP Hải Dương, Hải Dương) có 4 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, với lưu lượng nước thải 4m3/ngày (24 giờ).

Cả 2 công ty trên buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 35 cụm công nghiệp được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.543,9 ha, trong đó có 31 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng số cơ sở thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp là khoảng 296 cơ sở.

Do không có chủ đầu tư hạ tầng nên các nguồn phải phát sinh do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong cụm công nghiệp tự xử lý cục bộ tại cơ sở mình và thải ra nguồn tiếp nhận chung của địa phương. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại được các doanh nghiệp tự ký hợp đồng với các đơn vị vận chuyển và xử lý.

Đối với các cơ sở có nguồn xả thải lớn mặc dù đã đầu tư các công trình, biện pháp xử lý môi trường nhưng một số cơ sở công tác kiểm tra giám sát, duy tu bảo dưỡng dây chuyền sản xuất, thiết bị xử lý môi trường chưa thực hiện thường xuyên nên quá trình vận hành không ổn định dẫn đến hiệu quả xử lý môi trường chưa đảm bảo, vẫn để xảy ra sự cố môi trường gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích