Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh bán tài sản không qua đấu giá: Áp dụng luật nào?

(Xây dựng) – Không tổ chức đấu giá để bán tài sản đối với công ty cổ phần có vốn Nhà nước. Phát hành hồ sơ mời xử lý, thiêu thụ xỉ theo hình thức mời thầu, nhưng lại khẳng định không tổ chức đấu thầu. Không rõ Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đang áp dụng luật nào để thực hiện việc bán hàng triệu m3 xỉ thải? Với cách làm như vậy, liệu tài sản công có bị thất thoát?

cong ty co phan nhiet dien quang ninh ban tai san khong qua dau gia ap dung luat nao
Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh bán tài sản có vốn Nhà nước không thông qua đấu giá, khiến dư luận đặt ra câu hỏi có hay không vi phạm pháp luật?

Có “cài cắm” tiêu chí nhằm hạn chế cạnh tranh?

Được biết Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh có thông báo số 01/TB-NĐQN ngày 04/3/2021 do ông Ngô Sinh Nghĩa, Tổng Giám đốc ký: “Thông báo mời xử lý, tiêu thụ xỉ than của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh năm 2021-2025”. Số lượng xỉ than tồn sẵn tại bãi xỉ khoảng 4 triệu m3, khối lượng xỉ phát sinh theo tháng là khoảng 7.000 m3, theo năm là khoảng 80.000 m3. Do số lượng xỉ tồn lớn nên Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh cần tìm 1 đơn vị có đủ năng lực để xử lý, tiêu thụ xỉ trong vòng 5 năm với tư cách độc lập.

Để tìm đối tác xử lý, tiêu thụ xỉ của nhà máy nhiệt điện, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đã phát hành hồ sơ mời xử lý, tiêu thụ theo hình thức phát hành hồ sơ mời thầu rộng rãi trong cả nước. Theo đó, các đơn vị tham gia phải đáp ứng các tiêu chí về hồ sơ, năng lực tài chính, các yêu cầu về kỹ thuật.

Tuy nhiên, theo phản ánh, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đã đặt ra 1 số tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh khiến cho nhiều đơn vị có đủ năng lực nhưng không đáp ứng các tiêu chí do Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đặt ra nên không thể tham gia.

Trong đó nổi cộm lên có 1 số tiêu chí như: Đơn vị tham gia: “…phải sở hữu cảng hoặc có hợp đồng/cam kết của một đơn vị sở hữu cảng xung quanh khu vực bãi xỉ (bán kính ≤10 km) cho nhà thầu sử dụng,… hoặc nhà thầu có cam kết xây dựng cảng phục vụ vận chuyển xỉ kèm theo giấy phép xây dựng và sử dụng cảng (trong 5 năm). Vị trí cảng phục vụ vận chuyển xỉ phải nằm quanh khu vực bãi xỉ của nhà máy nhiệt điện với bán kính không quá 10km…”; hoặc không chấp nhận liên danh, chỉ tham gia với tư cách độc lập; hoặc giới hạn giá thấp nhất không dưới 3.300 đồng/m3 (cả VAT).

Đơn vị được Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh “chọn mặt gửi vàng” là Công ty cổ phần kinh doanh cảng Hạ Long (cảng Hạ Long), các bên đã tiến hành ký kết hợp đồng. Lạ ở chỗ, những tiêu chí mà Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đặt ra cũng chỉ duy nhất phía cảng Hạ Long đáp ứng được. Cũng bởi vậy mà cảng Hạ Long đã tiến thẳng vào bàn đàm phán hợp đồng mà không gặp trở ngại gì.

Vậy, tại sao phải chọn đơn vị độc lập mà không cho liên danh? Tại sao lại phải sở hữu cảng hoặc có hợp đồng thuê cảng hoặc phải có cam kết xây dựng cảng, sử dụng trong vòng 5 năm? Tại sao cảng chỉ được cách xa bãi xỉ của nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh bán kính dưới 10km? Cơ sở nào để Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đưa ra giá không được thấp hơn 3.300 đồng/m3 (cả VAT)?

Phải chăng đó là những tiêu chí có lợi cho phía cảng Hạ Long được chọn ký hợp đồng?

Áp dụng luật nào?

Theo tìm hiểu được biết, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là công ty cổ phần trong đó có thành phần vốn Nhà nước. Các cổ đông lớn gồm: Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1); Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); Tổng Công ty Điện lực TKV-CTCP (Vinacomin Power); Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC); Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE).

cong ty co phan nhiet dien quang ninh ban tai san khong qua dau gia ap dung luat nao
Xỉ than thải ra từ nhà máy nhiệt điện được nhiều đơn vị thu mua, sử dụng làm vật liệu xây dựng như gạch không nung.

Theo Luật sư Lê Hữu Linh – Đoàn luật sư TP. Hà Nội, về nguyên tắc khi bán tài sản, đặc biệt là tài sản có vốn Nhà nước thì phải tổ chức đấu giá để tìm người mua trả giá cao nhất. Ngược lại, để tìm 1 đối tác cung cấp hàng hóa, dịch vụ thì sẽ tổ chức đấu thầu để tìm người bán với mức giá thấp nhất.

Đối chiếu với cách làm của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh thì thấy rằng, việc phát hành hồ sơ mời xử lý xỉ than thải ra từ nhà máy nhiệt điện là chưa đúng quy định của pháp luật. Để tìm hiểu một số thắc mắc của dư luận, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã đặt câu hỏi và được Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh phúc đáp một số nội dung như sau:

Về vấn đề tại sao lại tổ chức đấu thầu mà không tổ chức đấu giá để bán tài sản có vốn Nhà nước?

Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh trả lời rằng, việc tiêu thụ xỉ của công ty gặp nhiều khó khăn, đồng thời “QTP (tên viết tắt của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh – PV) thực hiện mời xử lý, tiêu thụ xỉ (Mời xử lý, tiêu thụ xỉ không phải là hình thức mời thầu, lựa chọn nhà thầu) nhằm đáp ứng mục tiêu trên. Công ty lựa chọn đăng tin trên Báo đấu thầu nhằm công bố thông tin rộng rãi tới tất cả các tổ chức, cá nhân quan tâm để tham gia”.

Như vậy, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh khẳng định không tổ chức đấu thầu. Song, theo tài liệu chúng tôi có được, cụm từ “nhà thầu”, “đóng thầu”, “nếu trúng thầu”, “bảo đảm trúng thầu”, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong hồ sơ mời xử lý, tiêu thụ xỉ than do Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh phát hành. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh còn đưa ra hướng dẫn, thang điểm, các yêu cầu về mặt kỹ thuật, năng lực theo đúng quy cách của hồ sơ mời thầu. Chưa hết, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh cũng đính kèm văn bản “Bảo lãnh dự thầu” kèm theo hồ sơ mời xử lý, tiêu thụ xỉ, trong đó quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến “nhà thầu”.

Dư luận đặt câu hỏi, liệu Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh có tiền hậu bất nhất? Rõ ràng, xỉ than thải ra từ nhà máy nhiệt điện là tài sản có giá trị, điều này được chính Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh khẳng định trong hồ sơ mời xử lý, tiêu thụ xỉ. Cụ thể, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh yêu cầu đơn vị trúng thầu phải trả giá không được thấp hơn 3,300 đồng/m3 (cả VAT).

Theo các chuyên gia pháp lý, đây là trường hợp bán tài sản, vậy thì phải đem tài sản có vốn Nhà nước ra đấu giá mới đúng quy định của pháp luật.

Theo cách trả lời của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh thì rõ ràng, họ không tổ chức đấu thầu, cũng không tổ chức đấu giá, vậy Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh liệu có “tùy tiện” trong việc bán tài sản có vốn Nhà nước?

Về nội dung tại sao Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh lại không cho liên danh thầu tham gia thực hiện để tăng năng lực xử lý, vận chuyển, tiêu thụ xỉ thì được Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết: “Việc nhà thầu liên danh để thực hiện xử lý, tiêu thụ xỉ lại dẫn đến tình trạng bãi xỉ sẽ chia thành các khu vực khác nhau làm mất an ninh trật tự tại khu vực và gây khó khăn cho công tác quản lý khi nhiều nhà thầu cùng khai thác trên bãi thải xỉ. Ngoài ra, hồ sơ mời xử lý, tiêu thụ xỉ cũng đã hướng dẫn nhà thầu có thể đi thuê hoặc cam kết sẽ xây dựng cảng… Do vậy, nếu nhà thầu cơ bản đáp ứng năng lực thì có thể làm hợp đồng/thủ tục thuê cảng để tham dự”.

Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh trả lời như vậy là có phần “bao biện” cho việc đặt ra tiêu chí làm giảm khả năng tìm được đơn vị có năng lực tốt. Bởi lẽ, liên danh thầu là việc cộng dồn năng lực của 2 hay nhiều đơn vị lại, việc này chỉ có thể nói là có lợi chứ không có hại, không phiền phức như lý do mà Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đưa ra.

Liên quan đến nội dung tại sao phải yêu cầu nhà thầu có sở hữu cảng hoặc có hợp đồng thuê càng hoặc có cam kết xây dựng cảng và sử dụng trong 5 năm, đồng thời yêu cầu bán kính cảng không vượt quá 10 km từ bãi xỉ của nhà máy nhiệt điện mặc dù việc mời thầu diễn ra công khai, rộng rãi trong cả nước. Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết: “…là những yêu cầu cơ bản, phù hợp với mục đích của công việc là xử lý xỉ với khối lượng lớn, phù hợp về vị trí địa lý tại khu vực chứa xỉ để lựa chọn được đối tác có năng lực, khả năng khai thác xỉ với khối lượng lớn, dài hạn”.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, việc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đưa ra tiêu chí về cảng và bán kính cảng dưới 10km gây khó khăn, hạn chế cạnh tranh. Điều này mâu thuẫn với chủ trương thông báo rộng rãi, tìm kiếm đơn vị đủ năng lực trong cả nước của chính họ.

Qua việc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh thực hiện mời đơn vị xử lý, tiêu thụ xỉ thải có thể thấy, còn nhiều vấn đề chưa thực sự rõ ràng và chưa đúng với quy định của pháp luật. Cần thiết các cơ quan chức năng phải vào cuộc, kiểm tra xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm. Cần thiết phải làm rõ việc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh có “cài cắm” tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh? Đồng thời kiểm tra việc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đem bán tài sản có vốn Nhà nước không thông qua đấu giá có đúng quy định pháp luật hiện hành? Với cách nói, cách làm của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh có thể thấy rằng, không giống đấu giá cũng chẳng giống đấu thầu thì Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đang áp dụng luật nào? Liệu có xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước nếu hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh và cảng Hạ Long được thực hiện?

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích